Cần Thơ đứng thứ 2 cả nước về đầu ra đổi mới sáng tạo
(Dân trí) - Theo Bộ KH&CN, năm 2023, Cần Thơ thuộc tốp 5 địa phương đạt chỉ số PII cao nhất cả nước. Riêng về đầu ra đổi mới sáng tạo, địa phương này đứng thứ 2 toàn quốc, chỉ sau Hà Nội.
Sáng 25/4, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Sở hữu trí tuệ - Nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và phát triển kinh tế - xã hội".
Theo ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ, ngày 12/3, Bộ KH&CN đã công bố Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (Provincial Innovation Index - PII) năm 2023. Theo đó, Cần Thơ thuộc top 5 địa phương đạt chỉ số cao nhất cả nước với điểm số 49,66, trong đó có các chỉ số về cơ sở hạ tầng; sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; thể chế... đạt điểm số khá cao.
Cần Thơ cũng là địa phương có xếp hạng đầu ra ĐMST đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội.
Ông Tín mong rằng, qua hội thảo sẽ góp phần tăng cường hiệu quả kết nối và hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở Cần Thơ và vùng ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Tại hội thảo, ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam, Cục Sở hữu trí tuệ, khẳng định sự gia tăng giá trị của sản phẩm dựa rất nhiều vào quyền sở hữu trị tuệ và tài sản vô hình, hay nói cách khách là thương hiệu. Ông mong rằng những sản phẩm nông sản của Việt Nam, chẳng hạn như hạt cà phê được trồng đến ly cà phê trên bàn ăn trở thành một chuỗi giá trị gia tăng, tăng theo giá trị vô hình.
Ông Khuê lấy ví dụ về bài học của gạo Cần Thơ xuất sang Thái Lan và một số nước, qua công nghệ chế biến họ xuất khẩu ngược cho Việt Nam với giá cao gấp 3 lần. Đây là điều chắc chắn khoa học công nghệ, công thương, cơ quan chức năng có liên quan... phải vào cuộc.
Ông mong muốn làm sao có thể biến dòng chảy của sở hữu trí tuệ thành trí tuệ, tiền tệ... từ sản phẩm nhỏ nhất đến lớn nhất là thương hiệu của tập đoàn, quốc gia hay xa hơn nữa.
Theo ông Khuê, Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL có thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp gắn với tri thức truyền thống, văn hóa lịch sử từng tỉnh thành. Những chỉ số đã đạt được về sản phẩm tri thức, sáng tạo, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp phải khai thác được, bán được thành tiền; luôn luôn phải có 2 giá trị cho đời sống và thương mại.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động tư vấn, kết nối đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.