1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cần phản ứng mạnh hơn nữa với hành vi của Trung Quốc

(Dân trí) - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược - Bộ Công an nhấn mạnh, những sự việc vừa qua cho thấy Trung Quốc đã đi ngược lại những gì đã cam kết và ta cần phải phản ứng mạnh hơn để bạn bè quốc tế thấy sự nghiêm trọng của vấn đề.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói:

Ngày 26/5, tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp rồi tới ngày 9/6, tàu Viking II tiếp tục bị tàu đánh cá có 2 tàu ngư chính yểm trợ cắt cáp. Toàn bộ những việc này Trung Quốc đã có tính toán và hành động của họ xuất phát từ hệ thống, mục đích rõ ràng chứ không phải vấn đề một tàu ngư chính hay hải giám. Chính vì vậy, nhiều người lo ngại, sự việc sẽ không chỉ dừng ở đó, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục các hoạt động gây hấn.
 
Cần phản ứng mạnh hơn nữa với hành vi của Trung Quốc - 1
Thiếu tướng Cương cho rằng Việt Nam cần phản ứng mạnh hơn nữa với hành vi của Trung Quốc.
 
Nhìn lại các vụ việc vừa qua, có thể thấy rõ ràng, các lực lượng của Trung Quốc đã cắt phá cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam ngay trên vùng đặc quyền kinh tế, vị trí nằm sâu trong vùng biển Việt Nam, một vụ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) chỉ 120 hải lý, một vụ cách Vũng Tàu chỉ 160 hải lý.
 
2 vụ việc liên tiếp thế hiện tính chất rất nghiêm trọng của vấn đề. Trung Quốc đã hết sức ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ngay trong vùng thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta. Các sự việc nằm trong mưu đồ được hoạch định rất bài bản, chứ không phải những sự kiện đơn lẻ.
 
Những hành động của Trung Quốc là đi ngược lại những gì họ đã cam kết với tư cách là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với tư cách là 1 nước ký kết Công ước quốc tế về Luật biển, với tư cách 1 bên ký tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông với các nước ASEAN năm 2002 tại Campuchia. Trung Quốc đã nói một đằng làm một nẻo.
 
Sự việc ngày 26/5 diễn ra ngay trước Hội nghị Shang-ri La là có ý của họ. Việc này là phép thử với Việt Nam và cả thế giới. Các nước trong ASEN cũng như các đối tác chiến lược có lợi ích rõ rệt từ khu vực biển Đông đều chưa lên tiếng mạnh mẽ. Cũng phải nói thêm, trước đó, Trung Quốc đã rất “quái” khi gửi thông điệp tới các nước lớn rằng, “cứ yên tâm, tôi vẫn đảm bảo giao thương hàng hải”.
 
Cần phản ứng mạnh hơn nữa với hành vi của Trung Quốc - 2
Hành động của Trung Quốc đi ngược lại những gì họ đã cam kết. (Ảnh: Petrotimes.vn)
 
Trở lại vụ việc, ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc dùng tàu hải giám, ngư chính là những lực lượng thuộc cơ quan quản lý nhà nước, dù có sử dụng vũ khí cũng là hình thức dân sự, để khiêu khích ta. Trung Quốc có một lực lượng khổng lồ với những tàu hải giám trên 5.000 tấn, tàu ngư chính cũng 7.000 tấn… Hệ thống cơ quan dân sự tương ứng Việt Nam khó có thể so sánh.
 
Nếu Trung Quốc tiếp tục “dấn” tới, chúng ta mà sơ hở, “nóng đầu” lên đưa tàu hải quân ra là… mắc mưu họ. Họ sẽ nói với cả thế giới, với 1,3 tỷ dân Trung Quốc bằng hình ảnh đầy đủ là tất cả tàu Trung Quốc đều tàu dân thường, với nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ bờ biển thì Việt Nam lại đưa tàu hải quân ra.

Nhìn lại cách xử lý sau 2 sự kiện vừa qua, rõ ràng chúng ta cần phải tiếp tục phản ứng và phản ứng mạnh hơn nữa. Phát ngôn của người đại diện Bộ Ngoại giao là đúng đắn và cần thiết, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ. Cần phải làm thế nào để có thể thông báo cho tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước biết, thông báo với bạn bè quốc tế sự việc nghiêm trọng đúng với thực tế, hoàn toàn không phải là kích động chủ nghĩa dân tộc. Tuyên bố công khai với thế giới cũng là để hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc thấy được bản chất vấn đề.

Thêm nữa, chúng ta nên dùng cơ chế đa phương cũng như mọi cách có thể làm được. Có thể cân nhắc đưa vụ việc lên Liên hợp quốc. Biết rằng Liên hợp quốc không thể họp ngay về việc của ta được nhưng vẫn rất cần đưa ra rồi sau đó tiếp tục trao đổi song phương và đa phương.

Theo quy luật trong quan hệ Trung - Việt khi ta lùi thì Trung Quốc tiến, khi ta có quan điểm vững vàng, họ sẽ không làm gì được.

"Theo quy định của Công ước luật Biển của LHQ năm 1982, mỗi quốc gia ven biển đều được xác định một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Vị trí lô 148 trong sự kiện ngày 26/5, cũng như lô 136.03 trong sự kiện ngày 9/6 đều nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách đường cơ sở của ta khoảng 130 hải lý trong khi vị trí đó cách đường cơ sở của Trung Quốc tới hơn 500 hải lý. Hơn nữa, các khu vực này, quốc tế đã thừa nhận Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán, với tất cả các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật đều thuộc quyền của Việt Nam.", Ông Cương nói.

Cấn Cường - Phương Thảo (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm