Tiêu điểm:

Cần có lực lượng trí thức tinh nhuệ

(Dân trí) - Trong Tuyên bố của Liên đoàn luật sư Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, tại điểm thứ 3 có yêu cầu TQ chịu trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại gây ra cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN và ngư dân VN.

Nội dung này trong tuyên bố Liên đoàn Luật sư củng cố thêm niềm tin của các doanh nghiệp cũng như ngư dân đang hoạt động trong khu vực đặc quyền kinh tế củaViệt Nam trên biển Đông.

 

Nhưng cũng từ đây, đặt ra một vấn đề rất quan trọng, đó là chúng ta có đủ lực lượng chuyên gia khoa học và đội ngũ luật sư phục vụ cho những công việc liên quan đến tranh chấp quốc tế, bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán  trên thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay không? Tại nhiều hội thảo về Hoàng Sa , Trường Sa và biển Đông gần đây, nhiều đại biểu bày tỏ mối quan tâm, lo lắng về sự thiếu vắng đội ngũ khoa học chuyên sâu về lĩnh vực này. Đặc biệt, đội ngũ luật sư của Việt Nam tinh thông về công pháp quốc tế, giỏi ngoại ngữ, có khả năng tranh tụng quốc tế chưa nhiều. Hiện nay chúng ta có đủ người để  bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp khi có tranh chấp quốc tế, nhưng về lâu dài lực lượng này phải hùng hậu hơn.

 
Cần có lực lượng trí thức tinh nhuệ  - 1

Tàu hải giám Trung Quốc (Ảnh internet)
 

Những diễn biến vừa qua trên biển Đông cho thấy ngày càng xảy ra nhiều tranh chấp gay gắt về chủ quyền trên biển Đông. Các quốc gia đều nhìn thấy con đường lợi ích từ biển và đó là lối thoát lý tưởng cho nền kinh tế của mình, nên đều không giấu giếm tham vọng hoặc tìm cơ hội dành phần thắng trong các cuộc tranh chấp. Thế giới có trật tự và nhân loại luôn hướng đến giải quyết các tranh chấp  bằng con đường hòa bình ổn định chứ không phải bằng chiến tranh. Và cho dù ở mặt trận nào, thì lực lượng tham gia cũng phải hùng hậu và tinh nhuệ mới mong  có được thắng lợi. Trong mặt trận đối thoại thì cần phải có lực lượng trí thức tinh nhuệ.

 

Việt Nam yêu chuộng hòa bình và thể hiện tinh thần đó một cách nhất quán qua nhiều sự kiện trên biển Đông. Ngư dân ta bị tấn công, tàu thăm dò của ta bị cắt cáp, ngư trường và vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam bị xâm phạm, nhưng Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn kiềm chế và tìm giải pháp giải quyết ôn hòa. Thái độ thiện chí và tích cực của Việt Nam được các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế ủng hộ, đó cũng là một thắng lợi. 

 

Nhưng sự chủ động trong việc  bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ luôn cần thiết và cấp thiết. Đã đến lúc phải đào tạo lực lượng các nhà khoa học, chuyên gia pháp luật đủ tầm, đủ trí tuệ để bảo vệ chủ quyền trên các bàn thương nghị cũng như tranh tụng. Để chuẩn bị cho lực lượng này không phải ngày một ngày hai mà cần phải có thời gian, tuy nhiên càng sớm và càng nhanh sẽ tốt hơn. Nước đến chân, lửa ngang mày mới tính đến cách ứng phó thì quá muộn.

 

Lê Chân Nhân