1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Đừng để Trung Quốc lợi dụng”

(Dân trí) - “Nếu tàu cá Trung Quốc có hành vi vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam thì chúng ta không chỉ dừng lại ở việc xua đuổi mà các cơ quan chức năng của Việt Nam cần thực hiện các biện pháp phù hợp công ước biển nhằm ngăn chặn và trừng trị…”

Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Pháp luật quốc tế - ĐH Luật Hà Nội bày tỏ quan điểm như vậy.

Thưa ông, vụ việc tàu Bình Minh 2 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp còn đang khiến dư luận bức xúc thì tàu Viking II của ta lại tiếp tục bị tàu của nước này phá cáp?

Hai sự kiện xảy ra liên tiếp này, về bản chất pháp lý không có gì khác nhau. Tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 xảy ra trên vùng thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) chỉ khoảng 120 hải lý. Còn vụ tàu Viking II cũng xảy ra trên vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
 
“Đừng để Trung Quốc lợi dụng” - 1
Tàu Viking II vừa bị tàu Trung Quốc phá cáp ngày 9/6 (Ảnh: Năng lượng Mới)

Rõ ràng, ở đây nếu xét dưới góc cạnh pháp lý thì Trung Quốc hoàn toàn vi phạm các quy định tại Điều 56, 77 của Công ước biển 1982. Trung Quốc không có quyền được đơn phương cản trở các hoạt động mà Việt Nam đang thực hiện.

Giữa hai vụ việc này nếu có khác chăng chỉ là vụ việc mới đây nhất phía Trung Quốc dùng tàu đánh cá để phá hoại tàu thăm dò dầu khí của ta trong khi lần trước là tàu hải giám?

Theo tôi bản chất vấn đề vẫn không có gì khác biệt, dù có thể họ sử dụng các cách thức khác nhau. Và ở đây, tôi không biết có sự liên hệ hay không nhưng có thể họ căn cứ vào các lời phát biểu của ta cho rằng tàu hải giám là của nhà nước mà thực hiện hành vi như vậy thì lần này họ chuyển hẳn sang tàu đánh cá. Nhưng hành vi của họ đều là hành vi cố ý.

Hơn nữa, chúng ta thấy sự xuất hiện của tàu đánh cá thì không phải ngẫu nhiên mà cạnh đó lại có cả các tàu ngư chính đi kèm. Mục đích là cản trở các tàu bảo vệ, các cơ quan chức năng của chúng ta thực hiện quyền chủ quyền của mình.

Hai hành vi gây hấn liên tiếp của Trung Quốc là nhằm hướng đến mục đích gì? Nếu như coi hành vi thứ nhất của Trung Quốc là một “phép thử” thì lần gây hấn thứ hai liệu có tiếp tục là như vậy?

Hành vi với tàu Bình Minh 02 thì vừa như phép thử với Việt Nam, ASEAN, vừa muốn hiện thực hóa “đường lưỡi bò”. Trung Quốc không thể đưa ra chứng lý cho “đường lưỡi bò”, chỉ còn cách cứ tiến hành trên thực tế nhằm mục đích đánh lừa dư luận. Nếu các quốc gia nhầm tưởng là Trung Quốc đang thực hiện quyền của mình thì có nghĩa họ đã thành công trong việc hiện thực hóa “đường lưỡi bò” này.

Bên cạnh mục tiêu dài hạn như thế, Trung Quốc còn làm phép thử với Việt Nam, ASEAN xem khi thực hiện một hành vi trái với Công ước, vi phạm ngay trong vùng đặc quyền thì anh có thể làm được gì.

Trong vụ thứ 2 này, một lần nữa, Trung Quốc muốn hướng thẳng và chĩa mũi nhọn vào Việt Nam. Ở đây không đơn giản là muốn thử phản ứng nữa mà để xem tôi đã vi phạm một lần, giờ lại thực hiện tiếp một vi phạm khác xem anh sẽ phản ứng cụ thể thế nào? Anh chỉ có thể đưa ra tuyên bố yêu cầu không được thực hiện các hành vi vi phạm hay còn có những hành động nào trên thực tế.

Nghĩa là Trung Quốc muốn thăm dò xem chúng ta sẽ thực hiện hành vi nào trên thực tế. Vụ thứ 2 này đối tượng hướng tới cụ thể là Việt Nam chứ không chỉ đơn thuần là chung chung nhằm thử phản ứng của các nước nữa.

Theo ông, với vụ việc thứ hai này chúng ta có thể phản ứng như thế nào và đâu là cách cao nhất để thể hiện phản ứng của mình?

Tôi cho rằng Việt Nam vẫn luôn phải kiên trì con đường hòa bình bởi một trong các nguyên tắc cơ bản của quốc tế cũng như ta vẫn luôn tuyên bố là ứng xử phù hợp quy định, không được sử dụng vũ lực, nhưng rõ ràng kiên trì biện pháp ngoại giao đàm phán là biện pháp cần, quan trọng, tất yếu nhưng chưa đủ.

Một mặt ta vẫn phải kiên trì đàm phán ngoại giao phản đối Trung Quốc, tuyên truyền, lên tiếng để cộng đồng quốc tế hiểu bản chất những hành vi mà Trung Quốc đang làm, tức cần công khai minh bạch để bạn bè biết.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động tuần tra của các lực lượng chấp pháp trên biển Đông. Nếu tàu cá Trung Quốc có hành vi vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam thì chúng ta không chỉ dừng lại ở việc xua đuổi mà các cơ quan chức năng của Việt Nam cần thực hiện các biện pháp phù hợp công ước nhằm ngăn chặn và trừng trị. Bởi theo Điều 73 của Công ước biển 1982, các quốc gia ven biển có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết bao gồm cả việc bắt giữ và trừng trị, xét xử bằng cơ chế tòa án các cá nhân vi phạm.
 
“Đừng để Trung Quốc lợi dụng” - 2
TS Nguyễn Toàn Thắng: Cần tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển Đông.

Chỉ có điều với các cá nhân trên tàu vi phạm không được thực hiện hình thức phạt tù giam mà phải dùng các hình thức phạt khác, ví dụ phạt tiền… Chúng ta phải có hành động trên thực địa. Không sử dụng vũ lực nhưng tất cả những gì chúng ta làm là phù hợp quy định của pháp luật.

Còn một ứng xử khác vẫn theo nguyên tắc hòa bình là giải quyết theo con đường tài phán quốc tế thì sao?

Từ trước đến nay Việt Nam ta chưa giải quyết một vụ việc nào bằng con đường này, nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi Trung Quốc thực hiện liên tiếp 2 vụ gây hấn, chúng ta cần hành xử theo pháp luật quốc tế trong trường hợp đàm phán không mạng lại kết quả. Vụ Bình Minh 02 ta yêu cầu Trung Quốc bồi thường, họ không bồi thường mà còn tiếp tục thực hiện vụ Viking II này, chúng ta có thể sử dụng con đường tài phán quốc tế.

Theo quy định tại Điều 287 của Công ước 1982, Việt Nam có thể đưa vụ việc ra Tòa án trọng tài, phù hợp với phụ lục 7 của công ước này. Nếu thực hiện như vậy cũng là một biện pháp đảm bảo tiêu chí hòa bình, công khai, minh bạch, khách quan, cộng đồng quốc tế đều biết được ai đúng ai sai, biết được bản chất vụ việc như thế nào.

Ông đánh giá thế nào về việc các quan chức Quốc phòng của Trung Quốc ngay trong Đối thoại Shang-ri La (Hội nghị An ninh khu vực châu Á lần thứ 10) gần đây vẫn bày tỏ cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, nhưng những gì họ làm trên biển Đông lại không như vậy?

Tôi gọi đó là “nỗ lực hòa bình theo kiểu Trung Quốc”. Trên các diễn đàn và đặc biệt liên hệ 2 sự kiện này chúng ta thấy vụ tàu Bình Minh 02 diễn ra ngay trước khi Đối thoại Shang-ri La được tiến hành, vụ Viking II thì diễn ra ngay khi Hội nghị ARF (Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN) đang tiến hành. Cả 2 hội nghị đều bàn về vấn đề an ninh trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Trong những cuộc họp đó, các đại diện của Trung Quốc đều nêu quan điểm nỗ lực duy trì hòa bình, không sử dụng vũ lực…

Họ tuyên bố là hòa bình nhưng trên thực tế lại thực hiện các hành vi gây hấn. Ở đây tôi nghĩ họ hành xử theo kiểu tuyên bố “đường lưỡi bò”, khẳng định chủ quyền, vậy thì tất cả những việc tiến hành là hoạt động chấp pháp bình thường theo kiểu Trung Quốc. Mà đã là hoạt động chấp pháp bình thường thì ở đây ta rất lưu ý, họ không sử dụng lực lượng hải quân, chỉ hoàn toàn là dân sự, có thể là tàu cá, tàu ngư chính hay hải giám.

Tuy nhiên có một điểm rất lưu ý là nhân vụ họ xung đột với Philippines, họ có tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết và để phòng vệ. Thế nào là phòng vệ khi chính họ là người thực hiện hành vi gây hấn. Nhưng với tuyên bố đó thì họ cũng đưa ra lời đe dọa là nếu các anh sử dụng vũ lực thì tôi cũng sử dụng vũ lực. Họ đang thực hiện chiến lược hiện thực hóa “đường lưỡi bò” và thực hiện “chiến lược hòa bình” theo kiểu của họ.

Trong các cuộc đối thoại, hội nghị mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định, chính sách của Việt Nam vẫn là hòa bình và tự vệ. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng cho rằng tất cả tranh chấp, bất đồng trong vấn đề của biển Đông cần giải quyết hòa bình và tránh những hành động đơn phương, đặc biệt là không được sử dụng bạo lực. Ông bình luận gì về điều này?

Tôi rất nhất trí với quan điểm của các lãnh đạo Bộ Quốc phòng của chúng ta. Chắc chắn chúng ta phải sử dụng con đường hòa bình, nhưng hòa bình như thế nào. Như tôi đã nói, trong tuyên bố của mình, Trung Quốc nói sẽ dùng vũ lực nếu các nước sử dụng vũ lực và đó là lý do họ chỉ cử tàu dân sự đi gây hấn mà không cử lực lượng quân đội bởi họ không muốn mình là người sử dụng vũ lực đầu tiên.

Và theo tôi nghĩ, cũng không loại trừ khả năng họ đang tìm cách “khiêu khích” để các bên khi không kiềm chế được, để xảy ra xung đột thì nhân cơ hội đấy họ có thể lợi dụng mà chúng ta so sánh như sự kiện Vịnh Bắc bộ năm xưa để sử dụng vũ lực, thử lực lượng vũ trang của họ.

Vậy nên quan điểm như Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói là phải kiên trì biện pháp hòa bình để không xảy ra việc gì đó thiếu kiềm chế, vượt quá để xảy ra xung đột.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)