Cần "kịch bản" sớm cho giảm phát 2009

(Dân trí) - "Phải tính tới tình huống năm 2009 kinh tế thế giới suy thoái, giảm phát có thể xảy ra. Lúc đó sẽ phải kích cầu, chú trọng thị trường trong nước" - Đại biểu Trần Du Lịch đã nhấn mạnh như vậy trong buổi thảo luận tại tổ sáng nay 17/10.

Nhiều khía cạnh xung quanh báo cáo kinh tế - xã hội 2008 và kế hoạch năm 2009 đã được các đại biểu Quốc hội phân tích, mổ xẻ trong buổi thảo luận tại tổ sáng nay 17/10.

Công sức bị lãi ngân hàng “ăn” hết

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, TPHCM cho rằng, cần phải đánh giá kĩ hơn nữa hoạt động của các tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước. Theo ông Trừng, nhiều tổ chức nước ngoài phân tích, một trong những nguyên nhân gây lạm phát, khó khăn chung là sự đầu tư dàn trải của các tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước.

Ông Trừng dẫn lời ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước: “Các đơn vị này như vòi nước lớn, cứ phun đại ra làm bức tranh kinh tế lầy lội đi”.

Ông cũng đề nghị đánh giá lại khu vực kinh tế này, bởi lẽ dù có lực rất mạnh nhưng tăng trưởng chỉ đạt 5,9%, trong khi tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp nước ngoài đạt 17,9%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt 20,9%.

Đại biểu Trần Du Lịch (Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM) tán thành giải pháp cắt giảm đầu tư, giảm chi Chính phủ đã thực hiện, nhưng ông đề nghị xem lại mấy nghìn dự án, với hơn 30.000 tỉ đã cắt giảm.

Về bội chi ngân sách năm 2008 dự kiến 4,8%, ông Lịch cũng cho rằng chưa ổn. Theo ông, do chúng ta quản lí chưa tốt dòng tiền quốc gia nên các dự án thường phải đi vay trong khi tiền ở kho bạc lại không sử dụng, tồn đọng năm này qua năm khác. “Quản lí đồng tiền như thế là lãng phí”, ông Lịch nhấn mạnh.

Cần "kịch bản" sớm cho giảm phát 2009 - 1
 
Đầu tư dàn trải của các tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước là mối bận tâm của đại biểu Nguyễn Đăng Trừng. (Ảnh: MC).
 
Khó khăn của người nông dân lại được đại biểu Nguyễn Duy Hữu, Đắk Lắk, khắc hoạ: Các giải pháp của Chính phủ chỉ nói nhiều đến “thắt” mà không đề cập đến “mở”. Người nông dân hiện nay tiếp cận các nguồn vốn tín dụng cực kì khó khăn, cho dù chỉ là vay vài chục triệu duy trì sản xuất, duy trì cuộc sống gia đình.

“Rơi nước mắt khi hạt cà phê còn xanh bà con hết vốn đành tuốt xuống bán trả nợ để rồi nghèo vẫn hoàn nghèo”, ông Hữu chua xót.

Tuy nhiên cũng theo ông Hữu ngay cả với những tình huống có thể vay được tín dụng thì bà con cũng “gánh” nỗi khổ khác. Trồng bắp, cà phê... thậm chí làm việc gì khác thì cũng không thể có mức lãi trên 21%. Vì vậy bao nhiêu công sức, bao nhiêu lãi của người lao động theo ông Hữu bị lãi ngân hàng “ăn” hết.

Ứng phó với tình huống giảm phát?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, đoàn Hà Nội cho rằng, năm 2009, Chính phủ cần thực hiện dứt điểm một số việc quan trọng. Chẳng hạn, vấn dề giá xăng dầu, không bù giá là tốt nhưng theo hay không theo thị trường, bàn tay nhà nước can thiệp đến đâu?

Những gì liên quan đến đời sống dân sinh như điện, nước cũng phải xác định rõ quan điểm của Chính phủ đối với doanh nghiệp, người dân để cân đối bằng chính sách. Theo ông Đào nếu tiếp tục để độc quyền, sẽ có hiện tượng "làm mình làm mẩy", thậm chí làm cả một thành phố mất điện để gây áp lực.

“Bức tranh năm 2009 thế nào, Chính phủ chưa nói hết những khó khăn, trong khi thực tế nhiều DN có khả năng phá sản”, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) tiếp nối. Theo bà Loan, báo cáo của Chính phủ chưa đi sâu phân tích những vấn đề trên và vì thế không đưa ra cơ chế tháo gỡ.

Bà Loan cho rằng, thắt chặt tiền tệ là đúng nhưng thắt chặt đồng loạt làm nhiều DN điêu đứng vì thiếu vốn. Bà đề nghị, cần phân loại dự án, để điều hành linh hoạt, nếu chỉ “phanh gấp”, kinh tế chững lại, nhiều DN rơi vào thảm cảnh mà 2 - 3 năm nữa chưa chắc đã có thể trở lại bình thường.

Mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% cho năm 2009 là ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch, tuy nhiên ông Lịch cũng cho rằng, cần tính tới tình huống, năm 2009 kinh tế thế giới suy thoái. “Coi chừng năm tới giảm phát xảy ra, thị trường thế giới ế ẩm, hàng hoá ứ đọng, chúng ta không xuất khẩu được”, ông Lịch phân tích.

Ông đặt câu hỏi, Chính phủ đã đặt ra tình huống này để có kịch bản ứng phó hay không, nhất là khi độ mở nền kinh tế của ta rất lớn. Nếu điều này xảy ra, chúng ta sẽ không đặt ra vấn đề kiềm chế lạm phát mà phải kích cầu, chú trọng thị trường trong nước.

Cấn Cường