1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Căn cước công dân gắn chip có thể thay thế nhiều giấy tờ

Phúc Lâm

(Dân trí) - Căn cước công dân (CCCD) gắn chip có thể thay thế một số giấy tờ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xác định thông tin tiêm chủng vaccine Covid-19, thay thế giấy đi đường…

Tính ưu Việt của CCCC gắn chíp

Theo Công an TP Hà Nội, CCCD điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm, như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.

Khi được sử dụng, CCCD gắn chíp điện tử có thể thay thế một số giấy tờ như: Chứng minh nhân dân và CCCD mã vạch, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe…

Căn cước công dân gắn chip có thể thay thế nhiều giấy tờ - 1

Căn cước công dân điện tử gắn chip có thể thay thế nhiều loại giấy tờ (Ảnh minh họa).

CCCD điện tử tích hợp đầy đủ các thông tin. Do đó, khi thực hiện các giao dịch, các thủ tục hành chính, người dân chỉ cần sử dụng CCCD điện tử mà không phải mang theo nhiều loại giấy tờ.

CCCD điện tử đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin của công dân. Dữ liệu thông tin có trong CCCD điện tử có thể truy cập ngay lập tức thông qua thiết bị cho phép đọc thông tin mà không phụ thuộc vào kết nối mạng, giúp cho việc xác thực danh tính công dân được thực hiện ngay.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Công an đã và đang triển khai tích hợp đồng bộ các thông tin liên quan phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên CCCD điện tử.

Theo đó, công dân chỉ cần sử dụng CCCD điện tử để có thể thay thế được các giấy tờ khác, như: xác định thông tin tiêm chủng Covid-19 của công dân để xét mức độ ưu tiên; giấy đi đường; thông tin xét nghiệm; thông tin khai báo y tế trong vòng 72 giờ; thông tin về người được hưởng chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; bảo lãnh người phụ thuộc người đi cùng (con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự…).

Hà Nội còn một triệu công dân chưa được cấp CCCD

Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, đến nay công an thành phố đã hoàn thành công tác thu nhận trên 5 triệu hồ sơ CCCD điện tử. Qua rà soát, Công an TP Hà Nội xác định, trên địa bàn thành phố còn khoảng một triệu công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CCCD điện tử.

Trong tháng 10 này, Công an TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các tổ lưu động để thu nhận hồ sơ cấp CCCD điện tử trên toàn thành phố. Tại trụ sở công an các quận, huyện, thị xã, lực lượng công an duy trì và tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ; các đơn vị làm việc tất cả các ngày trong tuần (từ 7h đến 22h).

Tất cả công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, hiện đang cư trú, làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa được cấp CCCD điện tử; công dân đủ 14 tuổi trở lên đã cấp Chứng minh nhân dân 12 số hoặc CCCD mẫu cũ nhưng chưa được cấp CCCD điện tử sẽ được cấp CCCD điện tử.

Thủ tục cấp CCCD điện tử khá đơn giản. Công dân đã có thông tin đầy đủ trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ không phải kê khai giấy tờ gì.

Trường hợp công dân đã có thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng thông tin chưa đủ hoặc có sự thay đổi, bổ sung hoặc công dân không có thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… thì xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân đã được cấp trước đây còn giá trị sử dụng; các giấy tờ hợp pháp khác (giấy khai sinh, quyết định của cơ quan tư pháp) để chứng minh nội dung thông tin cần thay đổi, bổ sung.

Ngoài ra, công dân có thể chủ động liên hệ Công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú để cập nhật bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi đến làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp điện tử.

Khi Bộ Công an triển khai ứng dụng VNEID, công dân có thể sử dụng ứng dụng này để đăng ký thời gian, địa điểm làm CCCD điện tử với cơ quan công an, để khi công dân đến làm thủ tục không phải chờ đợi lâu.