“Cần có người chịu trách nhiệm khi đại biểu Quốc hội bị bãi miễn”

(Dân trí) - “Với bao thiết chế kiểm tra, đánh giá con người, nhưng rồi Quốc hội vẫn phải bãi nhiệm người này, miễn nhiệm người kia. Với tư cách là đại biểu, chúng tôi thấy đau lòng và xót xa cho việc đó. Trách nhiệm đó thuộc về ai, cần phải làm rõ”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói.

Sáng 23/3, Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ… Tại tổ Hà Nội, ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội dành nhiều thời gian đánh giá chất lượng hoạt động của biểu Quốc hội.

Ông Quyền cho rằng, “hạt nhân” quan trọng nhất của Quốc hội là đại biểu nhưng báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội lại không được giá cụ thể vai trò của từng người. Theo ông Quyền, cử tri, người dân muốn thấy rõ qua 5 năm, từng đại biểu làm được gì, truyền đạt ý chí và nguyện vọng của cử tri như thế nào.

“Tôi may mắn làm công chức Quốc hội 4 khóa và 2 khóa làm đại biểu Quốc hội. Cả cuộc đời gắn bó với Quốc hội, thực sự tôi thấy hơi buồn! Qua nhiệm kỳ chúng ta tự hào có những đóng góp nhất định, chúng ta vui mừng về tất cả những kết quả đạt được của Quốc hội. Thế nhưng chúng ta không hết những trăn trở, lo lắng, băn khoăn với những gì cử tri giao phó còn chưa đạt được”, ông Nguyễn Đình Quyền nói.

Ông Nguyễn Đình Quyền nói về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội
Ông Nguyễn Đình Quyền nói về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội

Cá nhân ông Nguyễn Đình Quyền muốn thấy rõ tổng kết hoạt động Quốc hội dưới hai góc độ: Thứ nhất, Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất cho nhân dân; Thứ hai, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.

Ở góc độ thứ nhất, ông Quyền muốn báo cáo tổng kết nhiệm kỳ làm rõ, Quốc hội đã biến ý chí nguyện vọng của người dân thành những gì. Theo ông Quyền, Quốc hội đã làm tròn vai trò đại diện đó. Do vậy, qua tổng kết nhiệm kỳ, ông Quyền mong muốn truyền lại cho thế hệ sau những bài học quý giá đó.

Tại tổ Hà Nội, ông Quyền cho biết, mình không tiếp tục ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhưng những chuyên viên ông đào tạo đang ứng cử vào Quốc hội. “Chúng tôi, thế hệ đi trước muốn truyền đạt lại cho thế hệ sau - những người tử tế, đủ bản lĩnh làm đại diện cho dân, những người đủ năng lực đứng trên nghị trường Quốc hội”, ông Nguyễn Đình Quyền nêu mong muốn.

Còn ở góc độ là cơ quan quyền lực cao nhất, ông Quyền cho rằng, chỉ cần một hoạt động của Quốc hội làm chuyển động toàn bộ thiết chế chính trị và toàn bộ xã hội. Cụ thể như chỉ cần thay đổi những thiết chế trong quy định của pháp luật thì toàn bộ hệ thống chính trị, mọi công dân cũng phải chuyển đổi theo.

Nói về vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, theo ông Quyền, họ không chỉ đơn thuần là người nghiên cứu, phát biểu. Đại biểu phải ý thức được rằng, đứng đằng sau mỗi người là 200 nghìn người dân và cả Quốc hội là đại diện cho gần 100 triệu người. Qua đó, các đại biểu thấy rõ trách nhiệm không hề nhỏ với cử tri của các nước.

Từ những phân tích trên, ông Quyền cho rằng, bài học đầu tiên của Quốc hội là bài học về công tác nhân sự, tức là chọn người đại diện cho dân thế nào. Theo ông Quyền trong nhiệm kỳ vừa qua, trong công tác nhân sự vẫn còn những vấn đề khiến ông “vô cùng trăn trở”. Đó là việc vẫn để lọt những đại biểu không xứng đáng vào Quốc hội.

“Với bao thiết chế kiểm tra, đánh giá con người, nhưng rồi Quốc hội vẫn phải bãi nhiệm người này, miễn nhiệm người kia. Với tư cách là đại biểu, chúng tôi thấy đau lòng và xót xa cho việc đó. Trách nhiệm đó thuộc về ai, cần phải làm rõ”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ rõ.

Từ việc cuối khóa không có đánh giá chất lượng từng đại biểu Quốc hội, ông Quyền cho rằng, những người tâm huyết, làm ngày đêm, bản lĩnh, dám nói ra sự thật cũng chỉ như những người không làm.

“Có ai ghi nhận, đánh giá điều đó không? Đó là những điều chúng tôi thấy đau lòng, thấy xót xa. Người ta tâm huyết với đất nước, với nhân dân thì được chỗ nào ghi nhận”, ông Nguyễn Đình Quyền nêu băn khoăn.

Do vậy, theo ông Nguyễn Đình Quyền bên cạnh niềm vui về những thành tựu đã đạt được, Quốc hội cũng phải nhìn lại những vấn đề làm cho “lòng người chưa thuận”.

Ông Nguyễn Đình Quyền đánh giá rằng, không hẳn 100% đại biểu đều hoàn thành hết trách nhiệm của mình. Thế nên, Quốc hội phải có những đánh giá cụ thể đại biểu nào hoàn thành, đại biểu nào chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Trải qua gần cả cuộc đời gắn bó với Quốc hội, ông Nguyễn Đình Quyền chia sẻ, ông nhớ rõ, trong rất nhiều báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của các khóa Quốc hội đều có một câu: “Quốc hội ngày càng vươn lên để đảm đương đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân”. Ông Quyền đánh giá, như vậy là chưa bao giờ Quốc hội làm trọn vẹn, mà chỉ “ngày càng vươn lên” để đạt được mục tiêu đó.

Theo ông Quyền để Quốc hội làm trọn vẹn vai trò, trách nhiệm của mình, điều quan trọng nhất là công tác nhân sự, đổi mới hoạt động và công tác tổ chức. Có như vậy, ngày nào đó Quốc hội mới có thể tự hào đã làm đầy đủ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp, pháp luật quy định.

“Chúng tôi hi vọng, Quốc hội khóa tới chọn trúng người thực sự vì dân, thực sự có năng lực, bản lĩnh, có trách nhiệm với đất nước và nhân dân”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền kết lại phần phát biểu.

Quang Phong