Cận cảnh quy trình ướp lạnh, khử nấm vải thiều tại "miệt vườn xứ Đông"
(Dân trí) - Lần đầu tiên, quả vải Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) chinh phục thành công thị trường Singapore, mở rộng cơ hội xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, mang lại giá trị kinh tế cao.
Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương hiện có 17 vùng trồng vải được cấp mã vùng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây là vùng nguyên liệu xuất khẩu nhiều năm qua đã xuất đi các nước Mỹ, Australia, châu Âu và cả thị trường khó tính bậc nhất thế giới là Nhật Bản.
Vải ở đây trồng theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, dưới sự giám sát của Phòng Nông nghiệp huyện. Ngoài ra, những chủ vườn ở đây còn thường xuyên phải đón những cuộc kiểm tra bất ngờ của các chuyên gia, đối tác nước ngoài.
Người dân thu hái vải vào buổi sáng sớm để quả vải tươi, mọng nước và tránh bị nóng dẫn đến nhanh hỏng. Vải sau đó được tập trung đến nhà máy sơ chế, phân loại và đưa vào kho lạnh.
Chùm vải được các công nhân cắt tỉa chỉ còn quả. Sau đó, quả vải được đưa vào nước ngâm đá có nhiệt độ dao động từ 4 – 8 độ C. Vải được rửa sạch bụi bẩn, được làm mát để giảm nhiệt độ quả vải sau khi hái về, giúp vải tươi lâu hơn.
Sau khi được rửa sạch, các công nhân tiếp tục nhúng vải qua dung dịch muối điện phân ion mạnh, có tác dụng khử khuẩn, nấm mốc của Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch.
Vải sau đó được đưa vào máy sấy khô, đóng gói và vận chuyển vào container lạnh, đưa đi xuất khẩu. Quy trình này giúp bảo quản quả vải tươi ngon trong khoảng 30 – 35 ngày.
Đến nay, huyện Thanh Hà đã xuất sang Singapore 6,5 tấn vải, được đánh giá cao từ các khách hàng. Dự kiến thời gian tới, huyện tiếp tục xuất thêm 45 tấn đi thị trường mới này.
Từ đầu tháng 6, các chuyên gia Nhật Bản, thương lái Trung Quốc, Mỹ, châu Âu… bắt đầu đến kiểm dịch thực vật với vải Thanh Hà và nhận hàng xuất khẩu. Bà Hoàng Thị Thuý Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, cho biết toàn bộ vườn vải thiều Thanh Hà trong vùng trồng xuất khẩu, đã được các thương lái nước ngoài bao tiêu toàn bộ.
Nguyễn Bắc