1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cận cảnh ổ le le hơn 500 con ở làng Chăm An Giang

(Dân trí) - Đặt chân đến làng Chăm thuộc xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, hỏi thăm “vua le le” Sa Lê hầu như người dân nào cũng biết. Hiện tại anh Sa Lê đang sở hữu “ổ le le” hơn 500 con và chuẩn bị xuất chuồng với giá từ 400.000 - 500.000 đồng/con.

Bị giựt nợ, về nhà... nuôi le le

Nghề mua bán vải là nghề chính của những người đàn ông dân tộc Chăm sống ở vùng An Giang. Trước khi được dân làng gọi là “vua le le”, anh Sa Lê là một trong những người đàn ông buôn bán vải giỏi nhất làng. Tuy nhiên, một hai năm về trước anh Sa Lê bị nhiều khách hàng giựt tiền vải hàng trăm triệu đồng làm anh mất vốn, dẫn đến thất nghiệp…

Nhớ lại chuyện cũ, anh không khỏi ngậm ngùi: “Hồi đó đi bán vải cũng có nhiều tiền lắm nên mình khoái chí tăng vốn, làm nhiều hơn. Ai ngờ hàng trăm khách hàng lấy vải, rồi không trả tiền. Lúc đó, mình nhờ anh em trong dòng họ chia nhau đi đòi nợ, nhưng đòi mãi người ta không trả, mất vốn rồi nghỉ ở nhà luôn”.

Cận cảnh “ổ le le” hơn 500 con ở làng Chăm An Giang

Do bị giựt nợ, anh Sa Lê về nhà học cách nuôi le le và nay trở thành người sở hữu đàn le le lớn nhất nhì ở ĐBSCL

Khi anh Sa Lê thất nghiệp, anh em họ hàng góp vốn cho anh “tái đầu tư”. Có vốn, anh trở lại với nghề truyền thống nhưng do vốn yếu, ít mặt hàng cộng với trào lưu người dân thích quần áo may sẵn (có nhiều kiểu, giá rẻ...) nên công việc buôn vải của anh càng lúc càng khó khăn hơn.

“Tổng số tiền bị giựt nợ lúc đó gần cả tỷ đồng. Nghĩ đến số nợ và gặp thêm cảnh buôn bán khó khăn, tôi đã quyết tâm phải tìm một việc làm khác để lo cho kinh tế gia đình. Trong lúc ở nhà, xem báo đài thấy mô hình nuôi le le cũng dễ, hiệu quả kinh tế lại cao và đặc biệt là “nguyên liệu” ở địa phương mình có nên từ đó tôi bắt đầu tập tành nuôi le le”, anh Sa Lê kể lại.

Khoảng tháng 7-8 anh Sa lê xuất chuồng le le, với giá  từ 400.000 - 500.000 đồng/con

Khoảng tháng 7-8 anh Sa lê xuất chuồng le le, với giá  từ 400.000 - 500.000 đồng/con

Ban đầu anh chỉ nuôi vài chục cặp le le, dần dà thấy đã thạo với tập tính con le le nên anh tiếp tục thu mua con giống nhiều hơn, mở rộng qui mô chuồng trại gần cả 1.000m2. Và hiện tại anh đang sở hữu trên 500 con le le, có trọng lượng trên 200g. Theo kế hoạch, đến tháng 7-8, anh cho xuất chuống đàn le le này với giá 400.000 - 500.000 đồng/con.

Nghĩ đến chuyện cung cấp con giống

Quan sát khu chuồng nuôi le le của anh Sa Lê cũng khá đơn giản, với diện tích hơn 800m2 đất sau nhà, anh đào ao và chỉ chưa lại 1/3 diện tích đất để trồng thêm cỏ, dưới ao anh thả thêm lục bình, bèo,… để le le “gặm nhấm” thêm ngoài thức ăn chín là lúa. Ngoài ra, để bảo vệ đàn le le khỏi đám chuột, rắn, hoặc bỏ đàn, anh Sa Lê làm một cái nhà kín nhưng chỉ dùng lưới màn nhỏ bao chặt xung quanh.

“Khi nghe về giá bán một con le le lên đến nửa triệu đồng, người ngoài không biết sẽ nghĩ mình lời to. Nhưng thực tế, một con giống đã lên đến 200.000 - 300.000 đồng (tuỳ theo mùa), do vậy, nếu trừ hết chi phí thì mình cũng chẳng còn lời bao nhiêu”, anh thật thà cho biết.

Khi đến mùa sinh sản, le le tự bắt cặp với nhau và anh Sa Lê đeo nhẫn cưới cho chúng để phân đàn

Khi đến mùa sinh sản, le le tự bắt cặp với nhau và anh Sa Lê đeo "nhẫn cưới" cho chúng để phân đàn

Cũng từ lí do này, anh đã nghĩ đến việc cho le le đẻ để không mất số tiền lớn đầu tư cho con giống. “Con le le bắt đầu mùa sinh sản vào tháng 7-8, khi đó những con đến tuổi sinh sản bắt cặp với nhau. Nhìn vào các cặp đôi này, mình chọn ra những cặp khoẻ mạnh rồi tách đàn, tạo ổ cho chúng đẻ. Trung bình một con le le cái đẻ từ 8-15 trứng”.

Về cách cho le le đẻ, ấp tự nhiên anh Sa Lê đã thạo và đã cho đẻ được mấy đàn. Tuy nhiên, với nhu cầu số lượng con giống lớn, anh đang tìm hiểu đến máy ấp trứng công nghiệp. Nếu không có gì thay đổi, sau khi xuất chuồng đàn le le, anh sẽ đầu tư máy ấp trứng và bắt đầu cho le le đẻ vào tháng 7-8 tới.

Khi đến mùa sinh sản, le le tự bắt cặp với nhau và anh Sa Lê đeo nhẫn cưới cho chúng để phân đàn

Bỏ cách ấp truyền thống, anh Sa Lê sẽ đầu tư máy ấp trứng công nghiệp để hướng đến cung cấp con giống le le

Le le là loại động vật hoang dã,
chúng thích sống ở bưng biền hoặc những cánh đồng hoang vắng, nơi có nhiều lung, đầm lầy hay những khu rừng tràm yên tĩnh ít có bóng người. Cũng chính đặc điểm hoang dã nên bản thân le le có sức đề kháng rất cao, hiếm khi bị bệnh.

Nếu từ khi trứng le le nở nuôi đến lúc bán mất khoảng 8 tháng và trọng lượng nặng nhất mỗi con le le chỉ đạt khoảng 300g. Hiện tại, thịt le le đang được các nhà hàng sang trọng săn tìm để chế biến các món đại bổ cho các khách VIP, vì thế đàn le le của anh Sa Lê lúc nào cũng trong tình trạng “hết hàng” do các nhà hàng ở An Giang, Cần Thơ và cả TPHCM… đến tận nơi bao tiêu với giá 400.000 - 500.000 đồng/con.

Nguyễn Hành