1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Cận cảnh cưỡng chế, tháo dỡ du thuyền bỏ hoang trên hồ Tây

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Nhiều du thuyền có tải trọng lớn bị bỏ hoang suốt thời gian dài trên hồ Tây, song doanh nghiệp vì không muốn mất thêm chi phí đã cố tình phớt lờ yêu cầu tháo dỡ của chính quyền địa phương.

Sáng 27/4, Tổ công tác liên ngành quận Tây Hồ (Hà Nội) tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ du thuyền của Công ty cổ phần Sông Potomac ra khỏi hồ Tây tại khu vực tiếp giáp Đầm Bẩy (phường Nhật Tân). 

Ông Công Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, cho biết việc tháo dỡ, di dời sáng nay được thực hiện tại phần sàn chìm của Công ty cổ phần Sông Potomac. Đơn vị này có hai phương tiện đã bỏ hoang nhiều năm trên hồ Tây.

Cận cảnh cưỡng chế, tháo dỡ du thuyền bỏ hoang trên hồ Tây - 1

Theo thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ việc tháo dỡ phần sàn chìm của Công ty cổ phần Sông Potomac kéo dài khoảng 10 ngày (Ảnh: Nguyễn Hải).

Cơ quan chức năng cũng lên phương án tháo dỡ các du thuyền còn lại trong quý II nhằm trả lại cảnh quan cho hồ Tây.

Lý giải về việc tháo dỡ du thuyền kéo dài trong nhiều ngày, lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết do các chủ phương tiện không hợp tác, du thuyền đều có tải trọng lớn nên cơ quan chức năng phải lập phương án tháo dỡ để đảm bảo an toàn tuyệt đối. 

Cận cảnh cưỡng chế, tháo dỡ du thuyền bỏ hoang trên hồ Tây - 2

Nhiều năm trước, những du thuyền, nhà nổi này là điểm đến ưa thích của người dân thủ đô cũng như khách du lịch khi đến với Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Do các phương tiện có tải trọng lớn, quận đã báo cáo thành phố xin phương án tháo dỡ các du thuyền thành những phần nhỏ để vận chuyển về bãi tập kết theo quy định", ông Tuấn nói.

Thời gian qua, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và tránh việc tổ chức cưỡng chế. Tuy nhiên, đến nay, Công ty cổ phần Sông Potomac và Công ty cổ phần nhà nổi hồ Tây vẫn cố tình không chấp hành quyết định của UBND quận Tây Hồ, buộc phải tổ chức cưỡng chế, di dời các du thuyền còn lại.

Cận cảnh cưỡng chế, tháo dỡ du thuyền bỏ hoang trên hồ Tây - 3

Việc tháo dỡ sẽ được tiến hành liên tục kể cả ngày nghỉ (Ảnh: Nguyễn Hải).

Theo lãnh đạo quận, phường Nhật Tân có hơn 3km tiếp giáp với mặt hồ Tây. Đối với phần diện tích này, UBND phường thường xuyên phối hợp với Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ kiểm tra, rà soát để đảm bảo diện tích mặt hồ được sạch sẽ, duy trì trật tự đô thị.

Cận cảnh cưỡng chế, tháo dỡ du thuyền bỏ hoang trên hồ Tây - 4

Sáng 27/4, các công nhân tiến hành tháo dỡ phần sàn chìm của Công ty cổ phần Sông Potomac (Ảnh: Nguyễn Hải).

Cận cảnh cưỡng chế, tháo dỡ du thuyền bỏ hoang trên hồ Tây - 5

Do đã bỏ hoang nhiều năm, phần sàn chìm trên du thuyền của Công ty cổ phần Sông Potomac đã xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: Nguyễn Hải).

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ, hiện tại khu vực tiếp giáp Đầm Bẩy (hồ Tây) còn hai doanh nghiệp chưa chấp hành di dời du thuyền.

Cụ thể, Công ty cổ phần Sông Potomac có một sàn và một tàu, phần sàn hiện chìm cả đáy xuống bùn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Còn Công ty cổ phần Nhà nổi hồ Tây có hai tàu là Nàng Tiên Cá và Taboo cũng chưa thực hiện di dời ra khỏi hồ Tây.

Trước đó, năm 2017, UBND TP Hà Nội yêu cầu chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý hồ Tây, di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết và xây dựng kế hoạch tháo dỡ.

Việc này dẫn đến các du thuyền bị bỏ hoang, do các chủ sở hữu không muốn tốn thêm chi phí tháo dỡ, di dời.

Vào tháng 10/2022 quận Tây Hồ cũng đã tiến hành tháo dỡ một số du thuyền của Công ty TNHH du thuyền hồ Tây.