An Giang:
Cận cảnh cây dầu rái 700 năm tuổi
(Dân trí) - Trong 5 đại thụ trên địa bàn huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) được công nhận là "cây di sản" Việt Nam, có thể nói, hai cây dầu rái được xem là quý nhất, lớn nhất. Trong đó, có một cây đã "thọ" hơn 700 năm tuổi.
Theo lời chỉ dẫn của người dân, PV Dân trí tìm đến Ấp Pô Thi, Xã An Cư, (huyện Tịnh Biên) để xem cây dầu rái sống thọ 300 năm tuổi. Theo lí lịch trích ngang của Chi cục kiểm lâm An Giang, cây dầu rái có tên khoa học là Dipterocarpus alatus Roxb, cây có chu vi gần 8m (cách mặt đất 1,3m) và có chiều cao 20m.
Cây dầu rái ngoài việc sở hữu “thân hình, cánh tay” của gã “khổng lồ” còn có bộ rễ rất độc đáo. Nếu nhìn từ xa, các nhánh rễ cuồn cuộn nổi lên như hàng chục con mãng xà khổng lồ quấn quanh thân cây dầu rái. Tuy nhiên, từ hành động cúng bái của người dân sống gần cây dầu đã làm thân "những con mãng" xà này bị cháy xém nhiều chỗ.
Cây Dầu Rái 300 tuổi ở xã Xã An Cư, huyện Tịnh Biên, hiện chưa có hàng rào bảo vệ.
Trao đổi với PV Dân trí, anh Chau El (đến con anh, gia đình này đã sinh sống suốt 6 thế hệ dưới bóng cây dầu rái) cho biết, cha ông đời trước kể lại, cây dầu rái đã từng hứng bom đạn cho dân làng. Vì thế con cháu đời này qua đời khác phải có nhiệm vụ chăm sóc, gìn giữ cây dầu.
Chia tay cây dầu rái ở Tịnh Biên, PV Dân trí tiếp tục đến ấp Tô An, Xã Cô Tô, huyện Tri Tôn để ngắm cây dầu rái thứ 2 có tuổi thọ đến 700 năm tuổi. Ấn tượng đầu tiên là đứng từ ngoài con lộ xa đến hơn 200m nhìn vào đã thấy bóng của cây dầu che mát cả một khoảng sân rộng của gia đình anh Chau Pone – người đang bảo vệ cây dầu.
Theo anh Chau Pone, nếu tính từ mặt đất lên 1,3m thân, cây dầu có chu vi trên 8m. Cây có chiều cao đến 30m. Theo quan sát của PV Dân trí, vỏ cây dầu gần như hoá thạch, từng mảng sần sùi, khô cứng bao quanh thân cây. Cây không có nhiều nhánh, chỉ một thân chạy thẳng lên bầu trời và có hơn chục “cánh tay” to khoẻ, chắc nịch vươn ra xa gần 20m.
Ông Chau Phone bên cây Dầu Rái tồn tại trên đất nhà mình hơn 700 năm tuổi
Quanh gốc cây dầu rái 700 tuổi này cũng in dấu những mâm cúng còn xót lại. Tuy nhiên thân cây, rễ cây không bị cháy sém như cây dầu rái ở Tịnh Biên. Giải thích về điều này anh Chau Pone cho biết: “Đối với người dân thuộc dân tộc Khmer, cây không chỉ cho bóng mát, hoa quả, gỗ… mà đối với chúng tôi những cây cổ thụ thế này còn là một vị thần luôn phù hộ… Do đó, đến những ngày lễ tết hoặc khi gia đình có chuyện vui… người dân hay mang đồ đến cúng "ông cây". Tuy nhiên, cũng có một số hộ còn đốt giấy bùa gây ảnh hưởng đến cây. Bởi vậy, tôi luôn trông coi, không để đám cháy xảy ra, tổn hại đến "ông cây”.
Trao đổi với PV Dân trí xung quanh việc chăm sóc và bảo vệ 5 cây di sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh An Giang, ông Bành Thanh Hùng – Trưởng phòng bảo vệ rừng và thiên nhiên (thuộc Chi cục kiểm lâm An Giang) cho biết: “Việc Bảo vệ cây di sản là trách nhiệm của cộng đồng và chính quyền sở tại. Thông qua nhiệm vụ này, tình làng nghĩa xóm của người dân thêm đoàn kết hơn. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính vẫn là của Chi cục Kiểm lâm trong việc quản lý, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và bảo vệ cây theo đúng qui định pháp luật về các cây di sản ở địa phương. Ngoài ra, Chi cục đang xem xét vị trí của từng cây để xem cây nào cần xây dựng hàng rào bảo vệ thì huy động nguồn vốn Nhà nước và người dân đóng góp để tiến hành xây dựng hàng rào trong thời gian tới”.
Ngoài ra, ông Hùng còn cho biết thêm, Chi cục kiểm lâm An Giang đang lầm hồ sơ cho 2 cây Bằng Lăng Nước (300 tuổi) ở Chùa Thiên Y, Chợ Vàm, huyện Phú Tân; 1 cây Ngọc Lan trên 100 tuổi xã An Hảo, huyên Tịnh Biên và đang tiếp tục lựa chọn thêm một số cây có tuổi thọ cao, đưa vào danh sách “ứng cử” cây di sản Việt Nam.
Người dân lập miếu thờ quanh gốc cây
Những đám tro còn sót lại từ việc người dân đốt vàng mã khi cúng thần
Nhiều rễ cây Dầu Rái 300 tuổi bị cháy sém thế này
Một "cánh tay" của cây Dầu Rái 300 tuổi bị khô, trụi cành lá
Thân của cây Dầu Rái 700 tuổi có chiều cao hơn 30m
Da của cây dầu 700 tuổi này gần như hoá đá
Nhìn chung những cây đại cổ thụ - Cây di sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh An Giang đều tồn tại trên đất những người Khmer nghèo khó