1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cán bộ không được nhận tiền để giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh

(Dân trí) - Cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác xuất nhập cảnh không được nhận tiền hoặc các lợi ích vật chất khác để giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh; không được tự ý thu thêm các khoản phí ngoài quy định.

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 19/2020/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác quản lý xuất nhập cảnh của Công an nhân dân (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, thay thế Thông tư số 44/2009/TT-BCA).

Theo thông tư này, đơn vị thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh tiếp nhận và giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ phải kịp thời hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân bổ sung một lần theo quy định. Nếu từ chối tiếp nhận hồ sơ, không giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh hoặc đến thời hạn mà chưa giải quyết xong phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Khi xử lý người vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh, nếu cần áp dụng các biện pháp xử lý, ngăn chặn theo thẩm quyền được giao thì đơn vị thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh phải lập biên bản hoặc ra quyết định theo quy định của pháp luật.

Cán bộ không được nhận tiền để giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh - 1

Giải quyết thủ tục về xuất nhập cảnh (Ảnh minh hoạ: Bộ Công an).

Cán bộ, chiến sỹ thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh phải thực hiện đúng quy trình công tác, quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác và các quy định của pháp luật trong giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh.

“Không được nhận tiền hoặc các lợi ích vật chất khác để giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh; không được tự ý đặt ra các thủ tục, giấy tờ hoặc thu thêm các khoản phí, lệ phí ngoài quy định; không được tiếp cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh tại địa điểm khác ngoài cơ quan; không được có thái độ hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ”-Thông tư nhấn mạnh.

Kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị xem xét, giải quyết các trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được cán bộ, chiến sỹ giải thích nhưng vẫn thắc mắc, kiến nghị.

Thủ trưởng đơn vị thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm bố trí cán bộ, chiến sỹ đảm nhiệm các vị trí công tác phù hợp với năng lực, yêu cầu công việc, bảo đảm đủ số lượng cần thiết; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ làm công tác quản lý xuất nhập cảnh theo quy định.

“Ra quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc có biện pháp xử lý kịp thời đối với cán bộ, chiến sỹ vi phạm về thực hiện dân chủ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Chịu trách nhiệm về sai phạm của đơn vị và cán bộ, chiến sỹ trong công tác quản lý xuất nhập cảnh”- thông tư nêu rõ.

Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu hoặc liên quan đến việc giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh có quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về trình tự, thủ tục, cách thức giải quyết công việc; thái độ, tác phong của cán bộ, chiến sỹ hoặc các vấn đề khác liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định.

Đề nghị được gặp Thủ trưởng đơn vị thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh khi đã được bộ phận chức năng giải đáp các thắc mắc, kiến nghị liên quan đến công tác quản lý xuất nhập cảnh nhưng vẫn thắc mắc, kiến nghị.

Tuy vậy, Bộ Công an yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; trình bày trung thực sự việc, cung cấp đầy đủ các chứng cứ, thông tin, tài liệu có liên quan cho đơn vị thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm