Cán bộ hành chính không được nhận đơn thư, giấy tờ tại nhà riêng
(Dân trí) - Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội không được nhận đơn, thư và giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức tại nhà riêng hoặc bất cứ nơi nào ngoài trụ sở làm việc.
Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội theo quy định của pháp luật, bao gồm: Đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý chứng minh nhân dân, căn cước công dân và các giấy tờ đi lại khác; đăng ký, quản lý các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý con dấu; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (trừ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do Bộ Quốc phòng quản lý); quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; công tác bảo đảm trật tự công cộng; công tác Cảnh sát phản ứng nhanh (gọi tắt là Cảnh sát 113); xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Đáng chú ý, Thông tư 15 quy định những việc cơ quan, tổ chức và cá nhân bàn, góp ý để cơ quan có thẩm quyền quyết định quy định gồm: Thành lập các tổ chức quần chúng thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự (Ban bảo vệ dân phố, Đội dân phòng, Tổ tự quản đường phố, tự quản về trật tự công cộng, câu lạc bộ về an ninh, trật tự, liên gia tự quản về an ninh, trật tự và các tổ chức tự quản, câu lạc bộ khác bảo đảm an ninh, trật tự);
Xây dựng điển hình tiên tiến về an ninh, trật tự, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội; lập các chốt, điểm bảo vệ an ninh, trật tự, duy trì các hoạt động tuần tra của Nhân dân phòng ngừa tội phạm; quy định chế độ, chính sách cụ thể để huy động Nhân dân tham gia vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn.
Bộ Công an cũng nhấn mạnh những việc cán bộ, chiến sĩ cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội không được làm: Không gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân; không yêu cầu cung cấp những giấy tờ, thủ tục ngoài quy định; không nhận đơn, thư và giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức tại nhà riêng hoặc bất cứ nơi nào ngoài trụ sở làm việc tại cơ quan.
“Không hứa hẹn, thoả thuận hoặc nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, lợi ích phi vật chất để giải quyết thủ tục hành chính về trật tự xã hội”- thông tư nêu rõ.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/3 và thay thế Thông tư số 48/2011/TT-BCA.
Các đồ vật cấm mang vào cơ sở giam giữ phạm nhân
Theo Thông tư số 10/2020/TT-BCA quy định về đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ phạm nhân của Công an nhân dân (có hiệu lực từ ngày 20/3), các đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ phạm nhân gồm: Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự; vật liệu nổ; công cụ hỗ trợ (súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, pháo hiệu); các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; các loại lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ; dùi cui điện, dùi cui cao su; các chất ma túy, tiền chất ma túy, thuốc gây nghiện; các loại thiết bị thông tin liên lạc cá nhân, phương tiện ghi âm, ghi hình…
Người phát hiện, tố giác hành vi đưa vào, tàng trữ, sử dụng đồ vật cấm trong cơ sở giam giữ giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm, thu giữ đồ vật cấm sẽ được khen thưởng.
Đối với hành vi có dấu hiệu tội phạm, giám thị trại giam sẽ ra quyết định khởi tố vụ án tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu, sau đó chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Thế Kha