1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Bi kịch" tại khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu:

Cán bộ bàn, cán bộ kiểm tra, dân chỉ biết mỗi việc... nộp tiền!

(Dân trí) - Là hộ thuộc diện nghèo nhưng mỗi năm gia đình anh Nguyễn Văn Công phải nộp gần 4 triệu đồng tiền phí các loại. Cán bộ thôn còn viết sẵn giấy "tự nguyện nộp tiền" rồi bắt gia đình anh ký vào.

Hộ nghèo cũng chẳng "tha"

Chúng tôi hỏi: Hộ nghèo có được miễn, giảm các khoản đóng đậu cho thôn, xã không? Câu hỏi này như xát muối vào lòng vợ chồng anh Nguyễn Văn Công ở thôn Tân An, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

anh-8-386ec
Gia đình anh Nguyễn Văn Công thuộc diện hộ nghèo nhưng năm 2015 anh cũng phải nộp cho thôn gần 4 triệu đồng

Anh Công cho biết, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Hai vợ chồng đều sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn. Cưới nhau về, bố mẹ chỉ cho được một mảnh đất để ra ở riêng. Chạy vạy, vay mượn mãi, vợ chồng anh mới cất được căn nhà cấp 4 tạm bợ. Hiện gia đình anh có 3 người con (đứa đầu 14 tuổi, đứa thứ hai 8 tuổi và đứa thứ ba 4 tuổi).

Đầu năm 2014 vợ chồng anh gửi các con cho ông bà rồi vay mượn anh em, hàng xóm tiền để sang Trung Quốc làm thuê. Thế nhưng công việc không thuận lợi, cả 2 vợ chồng bị bắt rồi bị đưa về nước.

Cuối năm 2014, sau khi trở về đúng vào dịp, thôn đẩy mạnh phong trào tận thu, vận động dân để xây dựng khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu khiến gia đình anh vốn đã nghèo nay lại thêm nợ nần chồng chất.

Anh Công cho biết: “Năm nay nhà tôi phải đóng cho thôn gần 4 triệu đồng tiền các loại phí quỹ. Thậm chí đứa út 4 tuổi của tôi cũng phải đóng tiền làm giao thông nông thôn”.

Khi gia đình anh Công thắc mắc về các khoản đóng của con, phía thôn cho biết sẽ giảm các khoản đóng của con. Nhưng oái oăm thay, giảm đóng phần của con thì lại tăng phần của bố mẹ!

“Vợ tôi chỉ làm những công việc trong vườn và trông giữ các con. Còn tôi thì đi bóc vỏ keo thuê, ngày có ngày không. Gia đình tôi là hộ nghèo nhưng chẳng được miễn giảm một khoản đóng đậu nào cả”, anh Công bức xúc nói.

Đang nấu ăn trong nhà bếp, vợ anh Công nói vọng ra đầy chua xót: “Giờ tiền ăn còn chưa đủ, nộp quỹ có mà bán nhà, bán vườn ra mà nộp”.

Để qua mắt cấp trên, lãnh đạo thôn Tân An còn viết sẵn tờ giấy cho các hộ nghèo với nội dung "tự nguyện đóng đậu các khoản này" và bắt các hộ dân ký vào đó.

“Cách đây hơn 1 tuần, bà Đạt, Bí thư chi bộ thôn gọi tôi lên rồi đưa cho 2 tờ giấy đã đánh máy sẵn ghi tự nguyện nộp các khoản đóng góp cho thôn và bắt chúng tôi ký vào. Khi tôi thắc mắc thì bà này nói “bây (vợ chồng anh Công_PV) đi nước ngoài về giờ còn được hộ nghèo là may lắm rồi" nên tôi đành phải ký”, anh Công bức xúc.

Trong danh sách đóng đậu cho thôn chúng tôi nắm được trong 2 năm 2014 và 2015, gia đình anh Công đang nợ thôn gần 10 triệu đồng.

Dân chỉ biết mỗi việc… nộp tiền

Cả lãnh đạo xã cho đến lãnh đạo thôn đều cho rằng tất cả những khoản thu chi là dựa trên cơ chế tự chủ: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra…. Tuy nhiên sự thật thì không phải thế.

anh-10-6bf3b
Những người dân nơi đây cho biết, trong quá trình xây dựng các công trình trong thôn, dân không hề được biết một vấn đề gì cả. Chỉ biết mỗi khoản nộp tiền

Đóng đậu quá nhiều, dân không đủ sức, không chịu nỗi. Quy chế dân chủ cũng đã bị các vị lãnh đạo thôn "bóp chết". Những việc làm mập mờ, thiếu công khai của cán bộ thôn càng khiến người dân nơi đây phẫn nộ. Nhiều gia đình phản đối bằng cách không nộp tiền.

Đơn cử như việc xây dựng hội quán thôn. Những người dân nơi đây cho biết, năm 2012, thôn tiến hành họp để bàn về phương án xây dựng nhà hội quán. Tại buổi họp đó, cả thôn đã thống nhất là mỗi hộ dân đóng 1 triệu đồng để làm hội quán. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành xong công trình này, thôn ra thông báo mỗi hộ nộp 2 triệu đồng. Đến năm 2015, thôn lại thu thêm mỗi hộ 250 nghìn đồng để làm các công trình xung quanh hội quán.

“Lúc đầu thống nhất là mỗi hộ 1 triệu đồng, nhưng xây xong thôn thông báo mỗi hộ đóng 2 triệu (chia làm 3 đợt: 2013, 2014 và 2015). Ai không nộp kịp họ thu tiền lãi”, ông Vịnh cho biết.

Năm nào cũng thu tiền giao thông nông thôn, giao thông nội đồng nhưng đường nội đồng thì người dân không thể nào sử dụng nổi.

anh-12-1e0ce
Con đường nội đồng cỏ mọc um tùm
anh-9-ba2a2

Thậm chí không có cống bắc qua mương khiến quá trình sản xuất của người dân gặp vô vàn khó khăn, dù năm nào họ cũng đóng các khoản phí giao thông nội đồng

Dẫn chúng tôi ra một cách đồng của thôn, ông Xoan và ông Vịnh bức xúc: “Các chú thấy đó, năm nào cũng thu tiền mà đường thì cỏ mọc um tùm, có cái mương qua ruộng lúa mà chỉ có cái cống mấy năm trời cũng không thấy làm. Máy gặt lúa không vào được, xe kéo cũng không vào được để chở lúa”, ông Trần Xoan cho biết.

Ngoài ra những hộ dân nơi đây cho biết, tất cả các công trình trong thôn đều do lãnh đạo họ tự quyết từ khâu giám sát, thi công, nghiệm thu. Dân chỉ biết mỗi việc duy nhất là... nộp tiền.

PV Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Xuân Sinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm