1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cảm tử quân hai lần được truy điệu sống và chuyện bây giờ mới kể

(Dân trí) - Từng tham gia rà phá hàng chục quả bom từ trường, đảm bảo cho con đường huyết mạch ra chiến trường được thông suốt; từng hai lần được đồng đội truy điệu sống… Đó là những ký ức không thể nào quên của cảm tử quân Lại Đăng Thiện.

Cảm tử quân hai lần được truy điệu sống và chuyện bây giờ mới kể - 1

Nhật lý Lại Đăng Thiện nói về hai lần được truy điệu sống (Ảnh tư liệu)

Hai lần được truy điệu sống

Năm 1965, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, khí thế cả nước ra trận hừng hực khắp nơi. 18 tuổi, chàng trai Lại Đăng Thiện (xóm 6, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) lên đường tham gia cuộc kháng chiến. Anh lính trẻ thuộc Tiểu đoàn 27 Công binh Quân khu 4 làm nhiệm vụ rà phá bom ở phà Bến Thủy, đảm bảo con đường chi viện cho Nam luôn thông suốt. Trong suốt 8 năm trời (từ 1965 đến 1973) người lính ấy gắn bó cuộc đời mình với ca nô, con phà, dòng sông, con sóng, bom đạn, cho đến khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc.

Năm 1967, ông được điều động vào đảm bảo giao thông ở bến phà Long Đại (Hiền Ninh - Quảng Bình). Đó là những chuỗi ngày bám cầu, bám phà dưới những trận mưa bom của giặc Mỹ. Có những ngày máy bay Mỹ dội xuống hàng chục tấn bom nhằm cắt đứt con đường chi viện vào Nam của ta. Cầu phà bị đánh sập, giao thông bị đình trệ, hàng chục tấn hàng vào Nam bị mắc lại bên bờ Bắc.

Những chiếc cầu phao nhanh chóng được lực lượng công binh hoàn thành. Nhưng thủ đoạn của giặc Mỹ hết sức thâm độc. Ngoài hàng chục tấn bom phá, bom sát thương trút xuống đánh phá cầu đường, máy bay Mỹ còn trút xuống lòng sông hàng trăm quả bom từ trường. Công việc phá bom từ trường đảm bảo an toàn cho phà và những chuyến hàng trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Đội cảm tử quân phá bom từ trường được thành lập gồm những người dũng cảm, mưu trí và gan dạ nhất. Tất nhiên, chàng lính trẻ mới qua tuổi 20 ấy cũng xung phong vào đội cảm tử. Anh cũng đồng đội nhận nhiệm vụ lái ca nô rà phá những quả bom "ngầm". "Những lần lái ca nô ra sông rà phá bom anh em chúng tôi đều nghĩ có thể đây là lần cuối cùng, có thể mình sẽ vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông. Bởi vậy đội cảm tử quân trước khi thực hiện nhiệm vụ đều được truy điệu sống. Còn nhớ như in lần đầu tiên được truy điệu sống, đó một ngày giữa tháng 11/1967 tại bến phà Long Đại".

Cảm tử quân hai lần được truy điệu sống và chuyện bây giờ mới kể - 2
Ông Lại Đăng Thiện trước giờ xuất phát (Ảnh tư liệu)

Chỉ trong 3 ngày đêm, giặc Mỹ đã dội xuống đây một lượng bom từ trường khổng lồ. Xe, pháo và hàng nghìn tấn hàng hoá của ta bị dồn ứ ở bờ Bắc trong khi chiến trường đang hết sức cần được chi viện. Trước tình hình đó, lãnh đạo Quân khu 4 ra chỉ thị cho Tiểu đoàn 27 bằng mọi cách phải thông phà. Tiểu đoàn trưởng quyết định dùng ca nô kích bom từ trường nổ.

Tổ lái ca nô gồm Lại Đăng Thiện, Hà Huy Ty, Nguyễn Văn Thương, Đậu Anh Côi được đơn vị làm lễ truy điệu sống. "Điếu văn của tiểu đoàn trưởng vừa dứt, lập tức chúng tôi giơ tay cùng hô vang: “Quyết tử cho Tổ quốc”. Giây phút ấy, dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu sự sống và cái chết không còn khoảng cách. Rồi lao ra sông, quần nhau với bom, mỗi tiếng nổ vang lên như xé tan dòng sông, nước bị xé ra, dựng thành cột rồi úp chụp lấy ca nô. Kích nổ hết bom dưới lòng sông thấy mình vẫn còn sống, cả đội nhảy lên bờ ôm nhau cười mà nước mắt cứ rơi ra", ông Thiện bồi hồi nhớ lại.

Ngày 24/6/1968, khi đang thực hiện nhiệm vụ rà phá bom từ trường ở phà Bến Thuỷ, tổ phá bom gồm Lại Đăng Thiện, Đậu Anh Côi, Nguyễn Xuân Tình được điều về Linh Cảm (Hà Tĩnh) cùng đồng chí Vũ Ngọc Chương của Đại đội 2. Phà Linh Cảm nằm giữa ngã 3 hai con sông Ngàn Sâu - Ngàn Phố, con đường vào Nam hoặc sang Lào đều phải qua đây.

Con đường huyết mạch này bị bom từ trường khống chế đã hơn 2 ngày đêm. Nhiệm vụ thông đường được đặt lên hàng đầu. Nhiệm vụ đó được cấp trên tin tưởng giao đội cảm tử quân của ông Thiện. Vượt sông Lam ngay trong đêm, đến giờ G đội của ông đã có mặt tại phà Linh Cảm.

Cả đội họp hội ý chớp nhoáng, tinh thần "Mạch máu trong tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ được tắc" được nêu cao. Bản quyết tâm thư bằng máu "Quyết tử cho bến phà sống mãi" đọc trước Tiểu đoàn. Mọi công tác chuẩn bị cho trận chiến một mất một còn được chuẩn bị. Phòng Công binh Quân khu 4 tổ chức truy điệu sống cho Lại Đăng Thiện cùng với đồng đội trước khi thực hiện nhiệm vụ. Cả đội lại xuống ca nô lao ra sông đối mặt với hiểm nguy để cứu phà.

Cảm tử quân hai lần được truy điệu sống và chuyện bây giờ mới kể - 3
Cảm tử quân Lại Đăng Thiện trò chuyện cùng PV Dân trí (Ảnh: Nguyễn Duy)

"Đêm 25/6/1968, máy bay địch như đánh hơi được chúng tôi, chúng lại bổ nhào. Sau các loại bom phá, bom sát thương, rốc két, chúng lại thả thêm bom từ trường. Hàng trăm xe tiếp tế súng đạn cho chiến trường đang bị tắc. Khẩu hiệu "Tất cả vì miền Nam ruột thịt" như tiếng gọi thôi thúc. Ôm chặt lấy đồng đội, nhờ y tá Quảng cột chặt chiếc phao vào lưng, rít điếu thuốc Điện Biên cuối cùng, giơ tay chào đồng đội, tôi bước vào buồng lái ca nô… Bom nổ tối sầm mặt mũi. Chiếc ca nô 46 luồn lách giữa bãi bom. Tôi còn nhớ rõ hết vòng 19, sang vòng 20 thì chiếc ca nô kích được bom nổ. Sức ép quá lớn của quả bom khiến cả người và ca nô bị hất tung ra giữa sông trong tiếng reo hò của anh em đồng đội. Kết quả 12 quả được kích nổ. Lực lượng công binh bắc cầu phao, một tín hiệu xanh bật lên trời báo hiệu đường đã thông. Từng đoàn xe nối đuôi nhau rầm rập qua sông" (trích Hồi ký "Chuyện bây giờ mới kể" của cảm tử quân Lại Đăng Thiện). "Đồng chí Chương đã mãi mãi nằm lại giữa lòng sông, đồng chí Côi bị thương nặng", giọng ông chùng xuống. Cũng trong trận này, ông bị thương nặng, mê man suốt 3 ngày. Sức ép của bom khiến tai ông ù đi gần như không còn nghe được rõ.

Với những chiến công đó, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Bằng khen dũng sỹ phá bom ưu tú, Chiến sỹ thi đua. Chiến công của ông và đồng đội còn được tái hiện trong bài “Trọn thề với biển” (ngày 1/9/1968) và “Dắt phà qua túi lửa” (ngày 5/12/1968) được đăng tải trên báo Quân đội nhân dân, trở thành hành động được cỗ vũ và nêu cao khắp chiến trường về tinh thần dũng cảm, hy sinh cho thắng lợi cuối cùng của dân tộc.

Ứớc mơ bình dị giữa đời thường

Chiến tranh kết thúc, ông trở về địa phương với nhiều thương tật trên người. Năm 1968, cùng với Trần Thị Lý (Quảng Bình), Trương Thị Khuê (Quảng Trị), La Thị Tám (Hà Tĩnh), ông có tên trong danh sách được đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng. Mọi hồ sơ, thủ tục đều đã đầy đủ, đồng đội ông háo hức chờ đợi giây phút người anh hùng được vinh danh. Thế nhưng không hiểu sao đến phút cuối tên của ông bị gác lại.

Cảm tử quân hai lần được truy điệu sống và chuyện bây giờ mới kể - 4
Ông Lại Đăng Thiện trong thời bình, tìm vui với thiên nhiên (Ảnh: Nguyễn Duy)

Đến tám năm sau ông mới được biết lý do. "Không hiểu sao người ta lại đồn đại tôi là con địa chủ trong khi đó cả 3 đời đều nghèo rớt mồng tơi" ông Thiện nói. Chiến tranh và nhiều lý do khác khiến việc kiểm định thông tin không thực hiện được, ông đành lỗi hẹn với niềm mong mỏi của đồng đội.

Năm 1993, nghe thông báo làm chế độ cho những người tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông chạy khắp nơi xin được xác nhận của các đồng đội cũ, trong đó có cả Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng, xác nhận của các nhà báo Trần Hội, Thanh Đồng, Đậu Kỷ Luật là những người đã trực tiếp viết về ông hồi còn ở chiến trường cùng với nhiều giấy tờ khác. Nhưng đi hết huyện đội, tỉnh đội, mơ ước của ông cũng không thành hiện thực.

Trở về với ruộng vườn, gần gũi với thiên nhiên, không hiểu từ bao giờ ông lại đam mê những thế cây, những bông hoa đẹp. Cuộc hành trình lên rừng tìm hay đi khắp các làng quê lân cận để tìm cây cảnh bắt đầu. Thế nhưng người ta không thể cứ tay không mà thoả được niềm đam mê. Hơn 10 triệu tích góp để đóng bảo hiểm ông rút ra để hiện thực hiện niềm đam mê của mình.

Đến nay khu vườn của ông đã có hàng chục loại cây cảnh, nhiều cây có giá trị lên tới hàng chục triệu đồng. Ông chăm chút, nâng niu từng khóm hoa, cành lá, tạo cho chúng những thế đứng lạ, đẹp mắt, nhưng gánh nặng cơm áo khiến ông phải đứt ruột mà bán dần đi vườn cây của mình.
 
Vất vả, gian truân của cuộc đời ông đều trải qua. Trong bao khó khăn của cuộc sống, ông lại làm thơ, những vần thơ tái hiện một thời khói lửa. Tiếng thơ ông vang xa, ngôi nhà của ông trở thành chỗ lui tới của nhiều bạn thơ. Hiện ông đã có 4 tập thơ xuất bản chung với các tác giả. "Mong mỏi lớn nhất bây giờ là tôi có một tập thơ của riêng mình", ông nói. Mong mỏi đó vẫn chưa thể thực hiện được khi gánh nặng cơm áo vẫn đè nặng lên vai ông bởi ngoài số tiền trợ cấp thương tật thì vợ chồng ông không có thu nhập nào khác, trong khi cậu con út vẫn đang học xa nhà.

Nguyễn Duy - Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm