"Cấm ép học thêm, nhưng nếu tự nguyện vẫn được đúng không?"

Hoài Thu

(Dân trí) - Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức là một trong những nội dung nhà giáo không được làm, được quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo. Vậy trường hợp tự nguyện học thêm thì sao?

Đây là vấn đề được đặt ra tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 7/2, khi cho ý kiến về một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thanh Hải khi góp ý vào dự thảo luật, đã đề cập tới một nội dung rất thời sự và được xã hội quan tâm ở thời điểm hiện tại, đó là câu chuyện dạy thêm, học thêm.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhiều nội dung liên quan những việc nhà giáo không được làm, trong đó có việc "ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức".

Cấm ép học thêm, nhưng nếu tự nguyện vẫn được đúng không? - 1

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Ảnh: Phạm Thắng).

Với những việc nhà giáo không được làm quy định trong dự thảo lần này, bà Hải cho rằng sẽ có "muôn hình vạn trạng", liệt kê đủ thời điểm này nhưng thời điểm khác lại xảy ra hành vi khác.

Vì vậy, bà đề nghị nên đưa thêm khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, khi phát sinh hành vi mới sẽ xử lý dễ hơn.

Liên quan hành vi ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, ép buộc người học nộp các khoản tiền, hiện vật ngoài quy định, Trưởng Ban Công tác Đại biểu đề nghị làm rõ hơn.

Theo bà, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có quy định dạy thêm, học thêm lấy gốc từ luật này. "Hành vi cấm là ép buộc người học tham gia học thêm, nhưng nếu người học thêm tự nguyện thì vẫn được đúng không?", bà Hải đặt câu hỏi.

Cho rằng không được ép buộc học thêm nhưng nếu tự nguyện thì vẫn được, bà Hải đề nghị quy định rõ "tự nguyện nhưng cũng không được thu tiền". Như vậy sẽ giải quyết triệt để tình trạng dạy thêm trá hình.

Cấm ép học thêm, nhưng nếu tự nguyện vẫn được đúng không? - 2

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 7/2 (Ảnh: Hồng Phong).

"Việc ép buộc hay không ép buộc rất khó, vì không ép buộc thì có đơn tự nguyện, và phụ huynh cũng phải viết đơn tự nguyện đấy", bà Hải nêu thực tế.

Môi trường giáo dục, theo bà Hải, rất khác. Học sinh có thể không muốn đi học thêm, nhưng nếu không đi lại bị phân biệt đối xử.

Một lần nữa, bà đề nghị quy định rõ hành vi ép buộc tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Nếu tự nguyện cũng phải nêu rõ không được thu tiền.

Mặt khác, bà Hải chỉ ra thực tế việc dạy thêm cho học sinh chính khóa cũng rất tốt vì giáo viên nắm được chất lượng học sinh, bồi dưỡng học sinh cho tiến bộ.

Nhưng trường hợp học sinh muốn học nhiều hơn có thể ra học ở các trung tâm và giáo viên đăng ký dạy ở đó. Khi đó có thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính và người học cũng lựa chọn bình đẳng ở các trung tâm. "Hiện nay, ở các trung tâm tiếng Anh, thầy nào giỏi thì học sinh đăng ký học và ở đó thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, thuế", bà Hải nói.

Cấm ép học thêm, nhưng nếu tự nguyện vẫn được đúng không? - 3

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Phạm Thắng).

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu tinh thần xây dựng luật hiện nay là không đi vào chi tiết.

Tiếp thu ý kiến về nội dung này và cho biết sẽ rà soát, song ông Sơn nhấn mạnh các nội dung chi tiết hơn sẽ đưa vào quy định dưới luật. "Như dạy thêm, học thêm có cả một thông tư riêng. Nếu đưa vào chi tiết sẽ khó bao quát hết được", ông Sơn nói thêm.

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 8. Dự thảo này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 tới.

Cuối năm 2024, Bộ Giáo dục ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm.

Thông tư này không cấm các thầy cô dạy thêm học sinh mà nêu rõ việc dạy thêm trong nhà trường được phép, trong một số trường hợp.

Một là cho các học sinh yếu kém; hai là cho các học sinh khá giỏi cần bồi dưỡng; và ba là cho các học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Nhưng với tất cả những lớp dạy thêm, các thầy cô dạy miễn phí 100%. Thời lượng học thêm trong trường cũng được quy định mỗi môn học thêm không quá 2 tiết/tuần.

Theo quy định của Bộ Giáo dục, trường không được xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa, không dạy thêm trước các nội dung đương nhiên được học. Mỗi lớp dạy thêm không được quá 45 học sinh.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục yêu cầu không được dạy thêm cho học sinh tiểu học.

Cũng theo Thông tư 29, ngoài nhà trường, cá nhân tổ chức nào muốn dạy thêm phải đăng ký kinh doanh để có thể hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và đóng mọi loại thuế theo quy định của Nhà nước.