Cắm bản gieo chữ vùng cao
(Dân trí) - Từ thủy điện bản Vẽ ngược dòng Nậm Nơn, thuê thuyền máy 1,5 triệu đồng và vượt 80km, chúng tôi có mặt tại xã Nhôn Mai, xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương (Nghệ An) để tìm hiểu sự nghiệp cắm bản gieo chữ của các thầy cô....
Ở đây thời tiết rất khắc nghiệt. Người dân Nhôn Mai chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú và Mông. Trước đây Nhôn Mai vô cùng khó khăn, đời sống lạc hậu, mặt bằng dân trí rất thấp. Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cái ăn, cái mặc cho người dân đã đỡ phần nào nhưng cái chữ thì không phải "ngày một ngày hai" có thể giải quyết được.
Vượt sông Nậm Nơn
Sau gần một ngày bơi cùng thuyền máy, vượt qua hàng chục thác dữ trên dòng Nậm Nơn và mất hơn hai tiếng đồng hồ đi bộ từ Khe Hỷ, chúng tôi đến bản Na Hỷ. Đây là điểm trường chính của trường tiểu học Nhôn Mai 1, từ xa đã nghe văng vẳng giọng đọc của các em học sinh. Lên đến đây mới thấu hiểu những nỗi gian lao, vất vả mà các thầy cô giáo "cắm bản" ở Nhôn Mai gặp phải trên hành trình dạy "cái chữ" cho các em.
Trường Tiểu học Nhôn Mai 1 có 221 học sinh của ba dân tộc khác nhau (Thái, Khơ Mú, Mông), trên 90% học sinh ở đây thuộc diện hộ đói nghèo.
Mấy năm qua, sau khi nhận được một số chương trình hỗ trợ của Chính phủ và một số bộ, ngành, ngôi trường nay đã khang trang hơn, đã có một số phòng học và một dãy nhà tập thể bằng gỗ cho các thầy cô ở. Dường như khí hậu khắc nghiệt của vùng biên giới này cũng không làm các thầy cô giảm đi sự nhiệt huyết của mình. Trong số đội ngũ cán bộ, giáo viên nơi đây mỗi người có một hoàn cảnh riêng.
Thầy Nguyễn Đăng Hải - Hiệu trưởng trường tiểu học Nhôn Mai 1 cho biết: "Trường hiện có 30 giáo viên thì có đến 23 giáo viên là người dân tộc thiểu số ở các xã thuộc huyện Tương Dương. Để có thể trụ lại nơi rẻo cao này dạy chữ cho các em, các thầy cô đã phải vượt qua nhiều khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần. Trước hết là điều kiện ăn ở, sinh hoạt khó khăn, rồi đường sá đi lại rất vất vả, ở đây chỉ có đường đi bộ bằng lối mòn, bản xa nhất so với trường là bản Huồi Cọ phải đi mất 5 tiếng đồng hồ đường dốc đứng... Nhưng theo kế hoạch mỗi tháng 1 lần các thầy cô dạy tại bản lẻ vẫn phải có mặt đầy đủ tại trường chính để tham gia họp giao ban hàng tháng và sinh hoạt chuyên môn".
Trước đây, việc vận động các gia đình cho con em đi học rất khó khăn, đặc biệt là đồng bào người Mông, nhưng đến nay việc đó đã được nhà trường thực hiện tốt. Có những trường hợp do hoàn cảnh gia đình, các em không được đến lớp, các thầy cô giáo phải tìm đến tận nhà, đồng thời tham gia vào các buổi sinh hoạt của bản để động viên, phân tích cho phụ huynh và gia đình hiểu được tầm quan trọng và quyền được đi học của các em để phụ huynh hiểu, tạo điều kiện cho các em được đến trường.
"Tại bản Thằm Thẩm có em Và Y Sao học sinh lớp 1 người Mông, mẹ mất sớm, bố lấy vợ mới không cho con đến trường; rồi bản Huồi Cọ có em Và Bá Cở học sinh lớp 2 (con ông Và Bá Già) hoàn cảnh gia đình hộ nghèo, con đông không có điều kiện để đi học... Chúng tôi vận động và phân tích cho gia đình hiểu tầm quan trọng của việc học đối với tương lai con cái sau này. Phải nhiều lần vận động, phân tích, đồng thời động viên các em bằng cách hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, quần áo... kết quả các em đã được đến trường", thầy Nguyễn Văn Tám tâm sự.
Nay nay đã ngoài 30 tuổi, thầy Nguyễn Văn Tám (quê xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương) tình nguyện lên dạy ở vùng biên giới này đã 5 năm nay. Vốn là người Kinh, những ngày đầu "cắm bản" thầy Tám chưa hiểu tiếng nói cũng như phong tục tập quán của người dân nơi đây. Nhưng trong hơn 5 năm với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, không quản ngại khó khăn, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ nên không chỉ nói thành thạo tiếng Mông, Thái mà cả tiếng Khơ Mú - là ngôn ngữ khó phát âm nhất thầy cũng thành thạo.
Khi hỏi về cuộc sống đời tư, thầy Nguyễn Văn Tám cười có chứa ẩn những nét buồn: "Chưa có gì anh ạ. Cắm bản 5 năm rồi, có khi "ế" mất thôi".
Đến nơi đây, chứng kiến những khó khăn, sức chịu đựng dẻo dai và lòng yêu nghề của các thầy cô giáo, chứng kiến cuộc sống vất vả, nghèo khó của người dân và những cố gắng của các em nhỏ để được đến trường, mới thấy hết được sự cao quý của nghề giáo, mới cảm thông sâu sắc cuộc sống của người dân chốn biên cương.
Sau một ngày đêm "sống thử" với các thầy cô trường tiểu học Nhôn Mai 1, chúng tôi thấm thía hơn những vất vả, khó khăn trong sự nghiệp trồng người nơi vùng biên này. Chia tay các thầy cố giáo trường tiểu học Nhôn Mai 1 ra về mà lòng trĩu nặng và cũng thầm cảm ơn những người đã không tiếc tuổi thanh xuân của mình, không quản ngại khó khăn để "gieo" những con chữ giữa chốn biên giới vùng cao xa xôi.
Nguyễn Duy - Trọng Hưng