Cải cách - nhưng phải đủ nhanh
(Dân trí) - “Trước tốc độ tăng trưởng và mở cửa mạnh mẽ, vấn đề đặt ra với quyết tâm cải cách của chính phủ là cải cách có đủ nhanh hay không”. Đây là vấn đề ông Klaus Rohland, giám đốc World Bank Việt Nam đặt ra tại Hội nghị Phát triển thị trường vốn Việt Nam..
Các dòng vốn đang chảy vào Việt Nam với nhiều hình thức đa dạng để cung cấp đủ "năng lượng" cho nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ này. Nhưng vấn đề đặt ra là dẫn hướng và sử dụng những dòng vốn này sao cho hiệu quả và lành mạnh.
Hội nghị Phát triển thị trường vốn Việt Nam với chủ đề chính "Cải cách tài chính và hội nhập WTO thành công" do Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Tài chính và Euro-Events phối hợp tổ chức đã khai mạc vào ngày 22 và 23/1, thu hút sự tham gia của trên 200 quan khách trong và ngoài nước.
Như ông Klaus Rohland, giám đốc World Bank tại Việt Nam đã chỉ ra, cùng với tốc độ tăng trưởng và sự mở cửa nhanh chóng thị trường, trong đó có thị trường tài chính, kèm theo những dòng tài chính chảy vào là những rủi ro tiềm ẩn. Quản lý rủi ro trở thành vấn đề cấp thiết trong vòng 5 năm tới.
Để đáp ứng những đòi hỏi này, vấn đề đặt ra với quá trình cải cách thể chế kinh tế không còn là có cải cách hay không nữa, mà là cải cách có đủ nhanh hay không để đáp ứng tình hình mới.
Đại diện của Công ty Tài chính Quốc tế IFC, ông Sin Foong Wong nhắc nhở Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng mềm để đón nguồn vốn chảy vào, đặc biệt là phát triển nhân lực có trình độ và hoàn thiện chính sách.
Đại diện của ADB, tiến sĩ Omkar Shrestha lưu ý các nhà ra chính sách Việt Nam lưu tâm đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ - chiếm đến 90% nền kinh tế Việt Nam - và cảnh báo, nếu quá tập trung vào cổ phần hóa, có thể sẽ bỏ quên lực lượng này.
Mặc dù, chủ đề về thị trường chứng khoán Việt Nam là của ngày làm việc thứ hai của chương trình hội nghị, nhưng vấn đề này đã được chính các khách mời làm “nóng” lên ngay tại những phiên đầu tiên. Khá thú vị và cũng đáng mừng khi nhà đầu tư tỏ ra lạc quan và ngược lại quan điểm từ phía các nhà ra chính sách lại tỏ ra thận trọng.
Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: “Thị trường chứng khoán đi lên có nhiều nguyên nhân, trong đó có bản chất là doanh nghiệp làm ăn cuối năm tốt hơn, vốn đầu tư nước ngoài tăng, tình hình tăng trưởng kinh tế, cải cách kinh tế rất tích cực cho thị trường chứng khoán phát triển. Nhiều công ty lớn, nhiều công ty tốt hơn lên sàn khiến cầu tăng vọt."
Ý kiến này của ông Vũ Bằng khá tương đồng với quan điểm của ông Peter Ryder - Giám đốc Indochina Capital - và một số nhà đầu tư trong ngày thứ hai của hội nghị cho rằng nguyên nhân chính cho "độ nóng" của TTCK Việt Nam là do những thông tin về nền kinh tế thành công nhất thế giới, chính sách thuế mới, việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổ chức thành công hội nghị APEC đã tạo ra sự phấn chấn và tăng lượng vốn đổ vào nền kinh tế Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh: “Các nhà đầu tư hãy hết sức thận trọng khi đầu tư vào thị trường này. Bản thân các nhà đầu tư phải tự bảo vệ lấy mình và để bảo vệ cho thị trường chứng khoán phát triển một cách lành mạnh. Nhà đầu tư, cũng như những thành viên khác của thị trường không nên vì lợi ích trước mắt mà quên mất sự phát triển lâu dài. Vì tiến trình cổ phần hóa của chúng ta vẫn tiếp tục làm, chúng ta vẫn còn nhiều công ty, nhiều doanh nghiệp lớn, tốt sẽ được niêm yết, theo đó cơ hội cho nhà đầu tư vẫn còn nhiều”.
Nguyễn Hiền