1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Cái bắt tay với Đại tướng cho tôi cảm xúc lạ lắm…”

(Dân trí) - “Là cấp dưới, được bắt tay với Đại tướng, tôi có cảm giác lạ lắm, khó có thể diễn tả hết cảm xúc của mình lúc đó…”, Đại tá Khưu Ngọc Bảy - nguyên Trưởng phòng Dân quân tự vệ QK9 chia sẻ về lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Cần Thơ.

Mấy ngày qua, cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân trên khắp cả nước, hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, Đại tá Khưu Ngọc Bảy (SN 1937, nguyên Trưởng phòng Dân quân tự vệ QK9) cho biết, ông rất đau buồn. Đại tá Bảy chia sẻ, biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, ông đã liên lạc với nhiều đồng đội để thông báo và ông cũng nhận được các cuộc điện thoại chia sẻ cảm xúc trước sự ra đi của một người mà ông gọi là người cấp trên đáng kính.

Trò chuyện với PV Dân trí tại nhà riêng ở phường An Hòa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), Đại tá Khưu Ngọc Bảy hồi kể: Khoảng năm 16 tuổi, ông bắt đầu nhập ngũ. Năm 1954, ông tập kết và chiến đấu 10 năm ở ngoài Bắc. Sau đó, ông trở lại miền Nam làm nhiệm vụ cho đến ngày đất nước thống nhất. Rồi ông về công tác tại Quân khu 9 (TP Cần Thơ) với chức vụ Trưởng phòng Dân quân tự vệ, nghỉ hưu từ năm 1997 với hàm Đại tá.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy chia sẻ hồi ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những năm còn trong quân ngũ, ông nghe rất nhiều câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù mới 16 tuổi nhưng ông đã hiểu về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tổng chỉ huy. “43 năm trong quân đội, tôi thấy tài thao lược, tình đồng chí, đồng đội của Đại tướng cao như núi nhưng cuộc đời Đại tướng lại hết sức bình dị, gần gũi cán bộ, chiến sĩ cấp dưới. Đức độ của Đại tướng ở một tầm cao, mình nghĩ rằng mình phải học theo nhưng tấm gương đó cao lớn quá. Đất nước mình có nhiều vị lãnh tụ xuất chúng nhưng có lẽ người học trò xuất sắc nhất của Bác Hồ chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, Đại tá Bảy nhận định.

“Vùng đất Quảng Bình sinh ra một vị Đại tướng tài ba và Quảng Bình cũng cho Đại tướng một giọng nói ấm áp lạ lùng, khi nghe có sức thuyết phục lớn lắm”, Đại tá Bảy chia sẻ thêm.

Vị nguyên Trưởng phòng Dân quân tự vệ Quân khu 9 bộc bạch, ở Đại tướng còn có một đức tính khiêm tốn rất đáng trân trọng. Dù là tổng chỉ huy của nhiều trận đánh thành công nhưng không bao giờ Đại tướng nhận công trạng về mình. Đối với kẻ thù, ông cũng dùng những lời lẽ sắc sảo, có văn hóa để đấu tranh. Trong con mắt của Đại tá Bảy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là một vị tướng văn võ song toàn.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy chia sẻ, trong cuộc đời ông từng gặp Đại tướng, từng nghe Đại tướng nói, chỉ thị nhiều lần nhưng xúc động nhất là lần Đại tướng vào thăm QK9 khoảng năm 1993- 1994. “Sau khi Đại tướng bắt tay các đồng chí lãnh đạo Tư lệnh, Đại tướng có đến bắt tay tôi. Lúc đó, Đại tướng hỏi quê tôi ở đâu và chúc sức khỏe tôi...”, Đại tá Bảy bồi hồi nhớ lại. Ông không ngờ mình chỉ là một cán bộ bình thường mà được bắt tay với Đại tướng, vị tổng chỉ huy cao nhất của quân đội nên ông rất xúc động. Thời khắc đó được phóng viên chụp lại và ông đã lưu giữ bức ảnh đó như một báu vật. “Hay tin Đại tướng mất, tôi lấy tấm ảnh ra xem, nhớ lại cảm xúc lúc đó dạt dào lắm. Có thể nói tới bây giờ, so với nhiều đồng đội khác, tôi thấy mình vinh dự lớn lao hơn vì đã được bắt tay Đại tướng”, Đại tá Bảy xúc động nói.

Đại tá Bảy khoe với PV
Đại tá Bảy khoe với PV Dân trí  bức ảnh chụp lại giây phút ông được bắt tay với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tá Bảy tâm sự, sự ra đi của Đại tướng là tất yếu bởi tuổi người đã cao, âu cũng là quy luật của tự nhiên, nhưng ông vẫn không ngăn được cảm xúc đau buồn. “Tôi vừa lấy tấm ảnh nhỏ mà mình giữ bấy lâu nay đem phóng to lên treo trang trọng trong nhà để làm kỷ niệm. Ở tuổi này, tôi chỉ có thể làm được như thế để thể hiện tỉnh cảm của mình trước vị Đại tướng tài ba của dân tộc” - Đại tá Khưu Ngọc Bảy chia sẻ.

                                                                                                Huỳnh Hải