1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cách nhận diện và chế tài xử lý nạn "giun tặc" hoành hành

Thái Bá

(Dân trí) - Hành vi tận giệt giun đất làm suy giảm chất lượng đất nông nghiệp, gây ô nhiễm suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển cây trồng sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đến 150 triệu đồng.

Ngày 27/8, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hòa Bình cho biết, vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố, các cơ quan chức năng trên địa bàn hướng dẫn nhận diện hành vi và chế tài xử lý liên quan đến nạn "giun tặc".

Cách nhận diện và chế tài xử lý nạn giun tặc hoành hành - 1

Thời gian gần đây nạn kích điện bắt giun đất gây nhức nhối tại tỉnh Hòa Bình (Ảnh: Thái Bá).

Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình nêu rõ, hành vi hủy hoại đất làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định; hành vi gây ô nhiễm môi trường do việc khai thác giun đất, sơ chế, sấy giun đất gây ra.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình mới ghi nhận việc khai thác giun đất bằng kích điện, chưa có nghiên cứu, ghi nhận về việc gây ô nhiễm môi trường của hành vi dùng kích điện để khai thác giun đất.

Theo Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, giun đất đóng vai trò quan trọng trong vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên cũng như dòng chảy năng lượng của thế giới sống. Đối với loại đất màu mỡ, số lượng giun dao động tầm 300-500 con/m2. Càng có nhiều giun nghĩa là chất lượng đất tại khu vực đó càng tốt…

Cách nhận diện và chế tài xử lý nạn giun tặc hoành hành - 2

"Giun tặc" lồng hành khiến người trồng cam đứng ngồi không yên, mất ăn mất ngủ, trắng đêm canh giữ vườn (Ảnh: Thái Bá).

Do đó, hành vi tận diệt giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất bằng hình thức kích điện như con dao chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, làm suy giảm chất lượng đất canh tác nông nghiệp, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng.

Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình nêu rõ, hiện nay chưa có quy định cụ thể cũng như chế tài xử lý đối với hành vi dùng kích điện khai thác giun đất. Cách nhận diện và chế tài xử lý nạn giun tặc hoành hành - 3

Cách nhận diện và chế tài xử lý nạn giun tặc hoành hành - 3

Giun đất được làm thịt rồi cho vào sấy khô, sau đó bán cho các thương lái người Trung Quốc (Ảnh: Minh Nguyễn).

Tuy nhiên, căn cứ Nghị định 91 ngày 19/11/2019 của Chính phủ, trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì bị xử phạt hành chính. Mức phạt cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 ha. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 ha đến dưới 0,1 ha.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha. Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 ha đến dưới 01 ha. Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 150 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 1 ha trở lên.

Đối với các cơ sở sơ chế giun đất phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý về chủ trương đầu tư, đất đai, môi trường... theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu không có đầy đủ hồ thì mức xử phạt quy định cụ thể tại Nghị định 45 ngày 7/7/2022 của Chính phủ.

Cách nhận diện và chế tài xử lý nạn giun tặc hoành hành - 4

Cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình kiểm tra một cơ sở sấy giun đất trên địa bàn thu giữ nhiều dụng cụ phục vụ việc kích điện bắt giun (Ảnh: Sùng Long).

Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình đề nghị UBND các huyện, thành phố và các lực lượng chức năng, tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở thu gom, sơ chế, mua bán giun đất, kịp thời phát hiện những cơ sở hoạt động chui, không có đầy đủ hồ sơ pháp lý, xử lý nghiêm theo quy định.

Tiến hành kiểm tra, rà soát, phát hiện, ngăn chặn đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng có hành vi bắt giun bằng kích điện gây suy giảm chất lượng đất.

Trước đó, báo Dân trí có bài phản ánh về tình trạng sử dụng kích điện bắt giun đất tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gây nhức nhối dư luận. Người dân trồng cam ở huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình mất ăn mất ngủ vì nạn "giun tặc" hoành hành. Có nông dân đã gửi tâm thư đến Bộ trưởng Nông nghiệp "cầu cứu" để không bị trắng tay do tình trạng tận diệt giun đất gây ra.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm