Cách mạng Tháng Tám và người dân Việt Bắc

Những nhân chứng hiếm hoi kể lại những câu chuyện về thời khắc không thể quên mùa Thu năm ấy.

Tháng Tám năm 1945, Việt Bắc cùng cả nước vùng lên giành chính quyền, góp phần vào thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa - tiền đề quan trọng của sự ra đời Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. 

Cách mạng Tháng Tám và người dân Việt Bắc - 1
Chỉ 4 năm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công (8/1945), đến tháng 8 năm 1949, những đoàn quân lại tiến vào giải phóng thị xã Bắc Kạn. Bắc Kạn cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước giành độc lập.

Ba phần tư thế kỷ đã qua nhưng cụ Tạ Thị Uyên (xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn) vẫn nhớ như in không khí buổi mít tinh được tổ chức tại thị xã Bắc Kạn mừng thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa. Những đoàn người với trang phục nhiều dân tộc tuần hành từ sáng sớm, nắm tay nhau cùng hát “Bạch Đằng Giang” của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước.... Khi ấy, cụ Tạ Thị Uyên mới hơn 10 tuổi, vinh dự được tham gia phục vụ cho buổi mít tinh được tổ chức ngày 25/8.

Còn với cụ Hà Văn Sàu, năm nay 96 tuổi thì lễ mít tinh ngày 25/8/1945 là một kỷ niệm không thể quên, bởi khi ấy cụ Sàu được chọn đại diện cho tổ chức thanh niên phát biểu trên lễ đài.

"Người dân từ Chợ Đồn xuống, từ Chợ Rã về, Ngân Sơn xuống, từ các ngả đều đến thị xã lúc 8 giờ, lúc ấy đông lắm. Tôi đại diện cho hơn 3.000 thanh niên của huyện Bạch Thông và Thị xã, nói thanh niên lúc ấy có mấy việc lớn, trước hết là nhiệm vụ diệt giặc dốt, thanh niên anh biết rồi bảo anh chưa biết, anh biết nhiều sẽ bảo anh biết ít…", cụ Sàu cho biết.

Cách mạng Tháng Tám và người dân Việt Bắc - 2
Cụ Tạ Thị Uyên, từng vinh dự được tham gia phục vụ cho buổi mít tinh ngày 25/8/1945 tại thị xã Bắc Kạn (Bắc Kạn).

Chiến khu Việt Bắc là vùng đất có vị trí chiến lược về chính trị, quân sự nên cả Pháp, Nhật đều đổ nhiều tiền của nhằm xây dựng hệ thống cai trị, tăng cường bộ máy quân sự. Nhưng với sự đồng lòng của đồng bào các dân tộc Việt Bắc dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, từ ngày 14/8 cho đến những ngày 24, 25 tháng 8, nhân dân các địa phương từ cấp xã đến cấp châu, huyện các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng đều nhất tề khởi nghĩa.

Cụ ở Đinh Thị Đằm, ở xã Thi Ngân, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng nhớ lại: "Quân Nhật vào dân ta khổ lắm, lính đánh vào mọi người phải chạy vào hang, lúc đánh Nhật đi mọi người đều hoan hô, ai cũng vui vẻ lắm. Có cuộc cách mạng, nếu không thì dân ta không biết sống thế nào, già trẻ gái trai đều mừng lắm."

Còn với Nhà văn lão thành Nông Viết Toại, một người con của núi rừng Việt Bắc thì từ khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng thu trên mảnh đất quê hương, hai tiếng Tổ quốc với ông và những đồng bào dân tộc nơi đây được cảm nhận sâu sắc nhất.

"Trước ngày có Việt Minh đến địa phương, trước ngày cắm cờ đỏ sao vàng ở nhà cứu quốc thì bà con ta nói chung là không có khái niệm tổ quốc, đại khái nhìn bản đồ thầy giáo treo nhà trường thì biết vậy, nhưng nghĩ của ai đó thôi. Nhưng bắt đầu Cách mạng tháng Tám thì có được, từ đấy vấn đề đoàn kết dân tộc, bảo vệ đất nước thì mới biết phải đoàn kết với nhau", nhà văn Nông Viết Toại nói.

Cách mạng Tháng Tám và người dân Việt Bắc - 3
Nhà văn Nông Viết Toại mong muốn các thế hệ hôm nay phải biết về lịch sử đất nước, về sự hy sinh, gian khổ của các thế hệ đi trước để sống, học tập và làm việc sao cho xứng đáng.

Cụ Tạ Thị Uyên, cụ Hà Văn Sàu hay nhà văn Nông Viết Toại… là những người may mắn được chứng kiến thời khắc lịch sử: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức có tên trên bản đồ thế giới. Đó cũng là những nhân chứng hiếm hoi còn lại của một thời kỳ hào hùng trong lịch sử cách mạng đất nước.

Đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, tâm nguyện của các cụ không gì khác ngoài việc các thế hệ hôm nay phải biết về lịch sử đất nước, về sự hy sinh, gian khổ của các thế hệ đi trước như lời Bác Hồ căn dặn “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, để những người trẻ sống, học tập và làm việc sao cho xứng đáng./.

Theo Công Luận

VOV