1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Các tỉnh miền Tây liên kết để phòng chống dịch Covid và phát triển kinh tế

Hoàng Tùng

(Dân trí) - "Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, nếu mỗi nơi, mỗi chỗ tự ban hành quy định thì chắc chắn là chúng ta tự làm khó chúng ta và làm khó cho cái chung", Chủ tịch Kiên Giang nhấn mạnh.

Ngày 19/10, UBND 7 tỉnh thành vùng Nam sông Hậu gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ đã tổ chức họp trực tuyến để bàn về liên kết, hợp tác trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Cuộc họp do UBND TP Cần Thơ chủ trì.

Là đại diện đơn vị chủ trì hội nghị, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã đề xuất thành lập tổ giúp việc gồm văn phòng UBND các tỉnh thành và các sở có liên quan.

Các tỉnh miền Tây liên kết để phòng chống dịch Covid và phát triển kinh tế - 1

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hoàng Tùng).

Tổ giúp việc sẽ trao đổi công việc liên quan đến vùng trong một nhóm Zalo, đại diện các tỉnh thành luân phiên chủ trì phiên họp sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm theo quỹ. Từ kết quả làm việc, tổ giúp việc sẽ tham mưu cho thường trực UBND các tỉnh thành.

Ông Trường cũng đề nghị trên cơ sở vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, các địa phương trong vùng điều chỉnh việc phối hợp kịp thời để đạt kết quả tốt nhất, đồng thời mở rộng liên kết với các vùng khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho rằng, hội nghị này rất quan trọng, vì các địa phương đã trải qua thời gian dài giãn cách xã hội. Đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch, từng bước chuyển mình.

Ông Lâm Minh Thành đề xuất các địa phương cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 128 của Chính phủ, bởi lẽ nghị quyết này đã lấy ý kiến rất nhiều lần các bộ, ngành, địa phương. "Thậm chí cuộc họp gần nhất, Thủ tướng cũng lấy ý kiến chúng ta. Đã ban hành rồi mà vẫn còn tiếp tục lấy ý kiến nhưng chúng ta không có ý kiến thì phải chấp hành", ông Thành nói. 

Các tỉnh miền Tây liên kết để phòng chống dịch Covid và phát triển kinh tế - 2

Toàn cảnh hội nghị các tỉnh miền Tây liên kết để phòng chống dịch Covid và phát triển kinh tế, tổ chức ngày 19/10 (Ảnh: Hoàng Tùng).

"Kinh nghiệm là chúng ta không nên cát cứ nữa. Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, nếu mỗi nơi, mỗi chỗ tự ban hành quy định thì chắc chắn là chúng ta tự làm khó chúng ta và làm khó cho cái chung. Chúng ta nên tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 128 và các hướng dẫn của bộ ngành Trung ương, tôi nghĩ sẽ tốt hơn", ông Thành nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị các địa phương phải căn cứ vào quy định hiện hành để tiếp tục kiểm soát dịch.

"Nếu 7 tỉnh, thành không thống nhất việc đánh giá cấp độ này thì chắc chắn việc qua lại, giao thương hàng hóa, đi lại của người dân rất khó", ông Thành nói.

Ở lĩnh vực giao thông vận tải, ông Thành đề nghị trên cơ sở chia sẻ thông tin về cấp độ dịch, các tỉnh thành nên chỉ đạo các địa phương, nhất là Sở GTVT phối hợp hướng dẫn cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động theo quy định hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT, phải nhất quán, nếu để mỗi nơi, mỗi địa phương đặt ra quy định thì rất khó.

Các tỉnh miền Tây liên kết để phòng chống dịch Covid và phát triển kinh tế - 3

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị các tỉnh không nên cát cứ nữa (Ảnh: Hoàng Tùng).

"Để đảm bảo thích ứng linh hoạt kiểm soát dịch, tôi cho rằng việc chúng ta thành lập các chốt kiểm soát liên tỉnh thì chỉ kiểm soát dịch thôi, chứ không phải kiểm soát đi lại, lưu thông. Nếu lập chốt đầu ngõ các tỉnh nữa thì việc qua lại rất phiền.

Do đó làm sao tổ chức kiểm soát được dịch, còn nếu duy trì các chốt thì cuộc họp hôm nay bàn không ra được, chắc chắn không ra được", ông Thành khẳng định và nói thêm, việc đi lại theo Nghị quyết 128 thì Bộ GTVT đã có cách rồi.

Đối với lĩnh vực lao động, giải quyết việc làm, ông Thành cho biết, hiện nay các tỉnh, thành trong vùng có lượng người dân trở về từ TP HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ rất lớn. Riêng Kiên Giang vừa qua đón khoảng 50.000 người từ vùng dịch về. Trong đó, tỉnh sàng lọc, phát hiện hơn 300 F0. 

"Đến thời điểm này, Kiên Giang thực hiện cách ly tại nhà đối với người về từ vùng dịch rất tốt. Ý thức chấp hành cách ly tại nhà của người dân về từ TPHCM Bình Dương, Đồng Nai rất tốt. Kiên Giang tiếp đón, phân loại, cách ly tại nhà, theo dõi chăm sóc sức khỏe và có chế độ an sinh xã hội kịp thời cho người dân. Qua đó, việc cách ly tại nhà rất thuận lợi" ông Thành nói.

Theo ông Thành, đây là nguồn lao động dồi dào, cơ bản đã qua đào tạo và có kinh nghiệm. Do đó, cần sự hợp tác, chia sẻ giữa các địa phương trong thu hút lao động, tạo việc làm cho người trong khu vực.

 Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng những năm qua các địa phương trong vùng đã thiếu kết nối trong việc lập kế hoạch phát triển, nhất là lĩnh vực hạ tầng giao thông. Vì vậy việc phát triển bền vững của khu vực đã trở nên không vững chắc, trong đó có lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ nông sản.

"Mong muốn 7 tỉnh thành một khối thống nhất, như vậy mới có sự đồng thuận, có chủ trương đồng bộ ở cả khu vực", ông Lâu phát biểu.

Đại diện các tỉnh thành trong vùng đều cho rằng tiểu vùng cần sớm công bố cấp độ dịch của từng địa phương để các tỉnh thành có cơ sở cách ly hoặc hướng dẫn người đến địa phương mình, có sự thống nhất giữa các tỉnh để tránh gây thắc mắc cho người dân.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho biết, sau hơn 2 tuần gỡ bỏ giãn cách xã hội, số doanh nghiệp ở ĐBSCL trở lại sản xuất mới đạt được chừng từ 30% đến dưới 50% tùy theo từng địa phương.

Ông Lam cho rằng, các doanh nghiệp đang gặp khó đặc biệt trong khâu lưu thông, vận tải vì các quy định phòng chống dịch không đồng bộ giữa các tỉnh thành trong vùng. "Chúng tôi cũng băn khoăn và suy nghĩ tại sao một công dân, một doanh nghiệp ở địa phương đã được tiêm vắc xin, ở vùng xanh, đã xác định không bệnh thì tại sao không dùng tiêu chí đó đi qua lại giữa các tỉnh? Các địa phương cần thống nhất nhau" - Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, đề xuất.