1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Các nhà khoa học kiến nghị hoãn xây dựng thủy điện Pắc-Beng

(Dân trí) - Các nhà khoa học cho rằng những nghiên cứu, đánh giá về dự án thủy điện Pắc-Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kông chưa đầy đủ nên đề nghị hoãn xây dựng dự án này.

Quang cảnh hội thảo tham vấn dự án thủy điện Pắc-Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kong diễn ra tại Cần Thơ ngày 12/5
Quang cảnh hội thảo tham vấn dự án thủy điện Pắc-Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kong diễn ra tại Cần Thơ ngày 12/5

Ngày 12/5, tại TP Cần Thơ, Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia “Dự án thuỷ điện Pắc-Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kông”.

Công trình thủy điện Pắc-Beng thuộc huyện Pắc-Beng, tỉnh Oudomxay, Lào. Pắc-Beng là công trình thủy điện thứ nhất trong chuỗi 11 bậc thang thủy điện dòng chính dự kiến xây dựng trong vùng hạ lưu sông Mê Kông và là công trình thứ ba được đề xuất xây dựng sau công trình thủy điện Xay-nha-bu-ly và Đon Sa-hong.

Các chuyên gia cho rằng, về thiết kế của đập Pắc-Beng, lưu lượng dòng chảy thiết kế cho đường cá đi là quá nhỏ, không đảm bảo tiêu chuẩn để thu hút cá; thiếu đề cập giải pháp cá di chuyển lên thượng lưu qua âu thuyền; cá con và ấu trùng sẽ bị hồ chứa dài 97 km với tốc độ dòng chảy chậm ngăn lại, không di chuyển được đến vị trí đập…

Các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã đánh giá, với thiết kế hiện nay của công trình thủy điện Pắc-Beng với lưu lượng dòng chảy hạ lưu công trình trong tháng có thể chỉ đạt khoảng 400 m3/s, giảm gần 20% so với điều kiện nền, làm cho hiện tượng xâm nhập mặn trên hai sông chính ở nước ta (sông Tiền và sông Hậu) gia tăng lớn, lượng bùn về nước ta sẽ giảm và giảm đáng kể nguồn chất dinh dưỡng trong nước, ảnh hưởng đến giao thông thủy…

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu trường Đại học Cần Thơ, kiến nghị tạm hoãn việc xây đập Pắc-Beng một thời gian để hoàn thiện báo cáo tác động môi trường. Ông cho rằng, xây đập ngay sẽ không chỉ ảnh hưởng đến 20 triệu dân ĐBSCL mà còn ảnh hưởng đến 60 triệu dân sống ven sông Mê Kông, kể cả ở các nước thượng nguồn (Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar).

Ông Tuấn phân tích, đập Pắc-Beng sẽ giữ những lượng bùn cát từ thượng nguồn về hạ lưu trong chuỗi các bậc thang thủy điện. Càng nhiều bậc thang và hồ chứa thì sự thiếu hụt phù sa và bùn cát về đồng bằng càng gia tăng. Hệ quả là sạt lở bờ sông và ven biển, xâm nhập mặn, sự thay đổi hệ sinh thái thủy sinh càng gia tăng và ngày càng tích lũy. Vì thế, khả năng tan rã vùng đồng bằng ngày ngày càng rõ nét.

GS.TS khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước cho rằng sạt lở ở ĐBSCL là do tích lũy trầm tích thiếu, nguy cơ ĐBSCL bị xâm thực, sụt lún là rất rõ. Một đập thủy điện hoạt động trăm năm chứ không phải 20 năm nên phải đánh giá xem tác động biến đổi khí hậu như thế nào, tích lũy trầm tích, phù sa như thế nào.

Dự án Pắc-Beng lấy số liệu trong một thời gian rất ngắn, chỉ có sáu năm để nghiên cứu, so với vòng đời của một đập thủy điện không có nghĩa lý gì hết, không đủ độ tin cậy để xây một đập lâu dài. Số liệu là vấn đề sống còn mà số liệu đầu vào không đáng tin thì đầu ra cũng không đáng tin. “Tôi đề nghị nước bạn Lào hoãn xây dựng đập để làm báo cáo đánh giá tác động toàn diện, đầy đủ hơn để trình các quốc gia trong khu vực” - GS Trân nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết: "Mục tiêu tham vấn trước cho dự án thuỷ điện Pắc-Beng là cơ sở khoa học và pháp lý để có kiến nghị đảm bảo lợi ích tổng thể về kinh tế, môi trường và xã hội, hài hóa lợi ích cộng đồng của nước bạn và Việt Nam. Tham vấn này sẽ được báo cáo lên Chính phủ và được đưa ra tại các phiên họp của ủy hội sông Mê Kông quốc tế".

Hoàng Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm