1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Các nguồn thải đổ vào sông Tô Lịch gây khó cho công nghệ xử lý nước

Phương Thảo

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, hàng ngày sông Tô Lịch vẫn nhận thêm nguồn thải, bùn rác dồn xuống nên việc xử lý ô nhiễm hết sức khó khăn.

Xử lý ô nhiễm nguồn nước là một vấn đề đặt ra tại phiên giải trình “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập” do UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức sáng 17/8. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng chịu trách nhiệm giải trình về chủ đề này.

ĐBSCL chịu tác động tiêu cực lớn, không thể đảo ngược

Các nguồn thải đổ vào sông Tô Lịch gây khó cho công nghệ xử lý nước - 1

Phiên giải trình do UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức trực tuyến tới đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương.

Nói về thực trạng ô nhiễm nguồn nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khái quát, “nước ngọt ngày càng ô nhiễm, khan hiếm, không phải như câu cửa miệng “nhiều như nước”. Chất lượng nước trên các lưu vực sông đang suy giảm nhanh chóng.

Gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa thời gian qua đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông. Hiện các hồ và kênh mương ở các khu vực đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải.

Ở một số đoạn sông, nước sông bị ô nhiễm với mức độ cao, xu hướng ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến khả năng sử dụng nước sông để cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường.

Theo Bộ trưởng, nguồn nước bị ô nhiễm đang là nguyên nhân chính khiến cho nước trong hệ thống thủy lợi không thể quay vòng, tái sử dụng. Ô nhiễm môi trường nước đã và đang gây ra những thiệt hại kinh tế cho sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Gia tăng nhu cầu sử dụng nguồn nước, cùng vấn đề ô nhiễm nguồn nước làm phát sinh các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia.

Hoạt động phát triển tại thượng nguồn các lưu vực sông sẽ có tác động bất lợi đến các vùng hạ du lưu vực sông ở Việt Nam, đặc biệt tác động bất lợi đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vô cùng lớn và không thể đảo ngược.

Những thách thức to lớn

Các nguồn thải đổ vào sông Tô Lịch gây khó cho công nghệ xử lý nước - 2
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà là người giải trình về vấn đề an ninh nguồn nước.

Các đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) đề cập vấn đề quản lý nước ở thượng nguồn các dòng sông, sao để cùng hạ lưu không bị “lĩnh đủ” như tình trạng ở hệ thống sông Nhuệ - Đáy, sông Cửu Long hiện nay.

Đáp lại, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà xác nhận, vấn đề quản lý, chia sẻ nguồn nước hiện đang là thách thức to lớn.

“Hoạt động khai thác nước tại khu vực thượng nguồn sẽ ngày một gia tăng, chia sẻ nguồn nước có thể là vấn đề các nước sử dụng để đàm phán đổi lại các lợi ích. Cần giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài đối với các nguồn nước xuyên biên giới; đẩy mạnh các giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước” – Bộ trưởng Hà nói.

Về chuyện thủy điện chặn hết dòng chảy các con sông, đến khi nước về lại xả lũ gây ngập lụt hạ du, chuyện Hà Nội “đầu độc” sông, Hà Nam, Ninh Bình “hưởng”… ô nhiễm, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường than, chưa có cơ chế xử lý tập trung từ đầu nguồn thì chưa giải quyết được vấn nạn này.

Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực cũng đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc giải quyết vấn đề mang tính chất liên vùng. Bộ trưởng dẫn chứng, Hà Nội đã có những nỗ lực, biện pháp để quản lý ô nhiễm sông Tô Lịch, sông Nhuệ, đã thử nghiệm nhiều công nghệ, như công nghệ xử lý nước bằng vi sinh của Nhật.

Tuy nhiên, công nghệ này cho thấy chỉ hiệu quả với những hồ kín. Còn với sông Tô Lịch, nguồn nước vẫn có dòng chảy, vẫn hàng ngày nhận thêm nguồn thải, bùn rác dồn xuống thì việc xử lý là hết sức khó khăn.

Biện pháp căn cơ bảo vệ nguồn nước các sông như vậy, tránh hệ lụy cho hạ lưu chỉ có thể là xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Việc này lại rất tốn kém, đòi hỏi đầu tư lớn, đồng bộ.

Nói chung, người đứng đầu ngành cho rằng, tới đây không thể dựa vào yêu cầu phát triển kinh tế xã hội mà áp đặt vào quản lý, sử dụng tài nguyên nước. Việc quản lý tài nguyên nước nói riêng và quản lý tài nguyên thiên nhiên nói chung phải nương vào các quy luật tự nhiên, phù hợp với “vòng đời” của nước.

Một thực tế được tập trung phân tích tại phiên giải trình là nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ mà hoạt động hợp tác quốc tế chưa đủ mạnh mẽ, tích cực để bảo đảm an ninh nguồn nước. Hoạt động khai thác nước tại khu vực thượng nguồn sẽ ngày một gia tăng, chia sẻ nguồn nước có thể là vấn đề các nước sử dụng để đàm phán đổi lại các lợi ích. Cần giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài đối với các nguồn nước xuyên biên giới; đẩy mạnh các giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước.

Bộ trưởng Nông nghiệp nhận định phải tiếp tục đấu tranh, kiến nghị ngoại giao để được cung cấp đầy đủ thông tin, cũng như được đảm bảo quyền lợi về nguồn nước. Theo nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế năm 2017, khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động lớn đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng ĐBSCL. Dự kiến lượng phù sa về ĐBSCL có thể giảm tới 97% ở thời điểm năm 2040.