1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Các giải pháp nâng cao chất lượng xe buýt thủ đô

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Mạng lưới xe buýt ở Hà Nội đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã và ngày càng được ưa chuộng. Nhưng để xe buýt phát huy tối đa hiệu quả, Hà Nội cần những giải pháp căn cơ và toàn diện.

Trong hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của Hà Nội, xe buýt chiếm vai trò ngày càng quan trọng, đòi hỏi phải sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, phát triển nhanh chóng, toàn diện để đảm bảo năng lực phục vụ người dân cũng như thân thiện với môi trường.

Đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết sở đã tham mưu cho thành phố một số giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng VTHKCC trên địa bàn như hợp lý hóa luồng tuyến, biểu đồ chạy xe; thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử liên thông đa phương thức… Tuy nhiên, hiện trạng mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt của thủ đô còn nhiều khó khăn.

Xe buýt chiếm vai trò ngày càng quan trọng

Từ tháng 11/2023, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội (trung tâm) thực hiện triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho VTHKCC trên địa bàn thành phố.

Thẻ vé điện tử là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho thành phố và người tham gia giao thông công cộng.

Hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức ngoài việc thực hiện bán vé và soát vé nhanh chóng, thuận tiện còn đáp ứng các yêu cầu quản lý điều hành mạng lưới tuyến, cho phép tạo ra cơ chế vé linh hoạt để thu hút người dân sử dụng dịch vụ VTHKCC.

Từ tháng 11/2023 đến nay, hơn 16 triệu lượt hành khách đã sử dụng thẻ vé điện tử. Hầu hết hành khách hài lòng với loại hình vé này và mong muốn thành phố tiếp tục triển khai, mở rộng trên toàn mạng lưới giao thông công cộng.

Các giải pháp nâng cao chất lượng xe buýt thủ đô - 1

Xe buýt ngày càng được ưa chuộng ở Hà Nội (Ảnh: Giang Võ).

Đại diện trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố cho biết việc triển khai thẻ vé điện tử cho xe buýt không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, tiền bạc khi đi mua vé mà còn giúp đơn vị quản lý nhà nước dễ dàng trong việc quản lý cũng như thu thập thông tin nhu cầu của khách hàng.

"Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt chính là áp dụng thẻ vé ảo đa phương thức. Khi sử dụng loại hình vé xe buýt này, người dân không cần phải di chuyển đến điểm bán vé. Mới đây, chúng tôi còn ra mắt thẻ vé ảo, phi vật lý và không cần kết nối internet, tạo điều kiện rất nhiều cho hành khách sử dụng", vị đại diện này cho hay.

Các giải pháp nâng cao chất lượng xe buýt thủ đô - 2

Xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã ở thủ đô (Ảnh: Giang Võ).

Đồng bộ các giải pháp

Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ thay thế 100% xe buýt chạy dầu sang xe buýt điện. Theo đó, thành phố sẽ thay toàn bộ buýt chạy dầu diezel đã hết khấu hao và hết hạn thầu. Với các xe còn khấu hao (chưa đến 10 năm từ ngày sản xuất) được sử dụng đến hết khấu hao để chuyển sang xe buýt xanh. Giai đoạn 2024-2030, tỷ lệ chuyển đổi buýt diezel là 70-90%; giai đoạn 2031-2035 là 100%.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết khi chuyển đổi sang buýt điện, người dân sẽ được cung cấp dịch vụ VTHKCC bằng năng lượng xanh hiện đại, thông minh, dễ tiếp cận, từ đó, làm giảm ùn tắc giao thông, đồng thời, cải thiện môi trường sống, môi trường sinh hoạt của người dân thủ đô.

"Chuyển đổi sang phương tiện xanh là nhiệm vụ, là mục tiêu của xe buýt Hà Nội. Tuy nhiên, để làm được cần phải có lộ trình và chính sách phù hợp, đặc biệt có sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương", đại diện Sở GTVT Hà Nội nói.

TS Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), cho rằng đến năm 2035 và lâu hơn nữa, xe buýt vẫn sẽ là chủ lực của hệ thống VTHKCC thủ đô, do đó, cần thực hiện sớm và đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển xe buýt.

Trước mắt, theo các chuyên gia, Hà Nội cần có giải pháp nhanh chóng cải thiện hạ tầng của hệ thống xe buýt, trong đó tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt tại các tuyến đường có từ 4 làn xe/hướng, mặt cắt ngang từ trên 15m trở lên. Hệ thống điểm dừng, nhà chờ của xe buýt cũng cần tái thiết lại theo hướng hình thành nhiều điểm trung chuyển lớn, kết nối xe buýt với đường sắt đô thị và các bến xe liên tỉnh.

Các giải pháp nâng cao chất lượng xe buýt thủ đô - 3

Đến năm 2035, Hà Nội sẽ thay thế 100% xe buýt chạy dầu sang xe buýt điện (Ảnh: Giang Võ).

Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, đơn vị đã xây dựng điểm trung chuyển xe buýt kết hợp nhà ga đường ga đường sắt đô thị tại Cầu Giấy. Đây sẽ là hình mẫu để rút kinh nghiệm, áp dụng cho các điểm trung chuyển đa phương thức khác trong hệ thống xe buýt thủ đô.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng nhấn mạnh giải pháp ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành mạng lưới xe buýt, nhất là ứng dụng thẻ vé điện tử liên thông đa phương thức nhằm thuận tiện cho người dân, tăng cường công tác quản lý doanh thu từ xe buýt. Ngoài ra, ngành GTVT Thủ đô cũng cần xây dựng bộ quy chuẩn nghiệp vụ đối với lái xe và nhân viên bán vé, đưa thành nội dung đào tạo bắt buộc với tất cả lao động trong hệ thống xe buýt…

Hà Nội hiện có 153 tuyến buýt, trong đó 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour. Trong 128 tuyến buýt trợ giá, có 1 tuyến đặt hàng và 127 tuyến đấu thầu.

Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn (tăng 2 xã so với năm 2021) đạt 88,4%; 65/75 bệnh viện đạt 87%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%; 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%; 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%; 23/24 làng nghề đạt 95,8%, 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa, khu du lịch đạt 92%. Đã kết nối với 7 tỉnh thành lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).