Đắk Nông:
Cả trăm hecta lúa lo "chết khát" cạnh dự án chống hạn trăm tỷ
(Dân trí) - Bước vào cao điểm mùa khô, hàng trăm ha lúa tại Đắk Nông đứng trước nguy cơ "chết khát" dù có công trình thủy lợi trăm tỷ. Nguy cơ vùng trọng điểm lương thực "mất trắng" đang dần hiện hữu.
Trắng đêm canh nước về ruộng
Hàng trăm ha lúa tại xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đang bước vào thời điểm sinh trưởng, đẻ nhánh và chuẩn bị làm đòng. Thế nhưng rất nhiều nông dân tại vùng trọng điểm lương thực tỉnh Đắk Nông này đang "ngày đêm canh từng giọt nước" vì những cánh đồng thiếu nước trầm trọng.
Trước đó, việc đưa vào vận hành thử nghiệm dự án thủy lợi phòng chống hạn trị giá gần 200 tỷ đã khiến người dân tại xã Buôn Chóah bức xúc. Thiếu nước sản xuất không chỉ làm thời gian gieo sạ bị chậm gần 1 tháng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của vựa lúa chính của tỉnh Đắk Nông.
Chị Nguyễn Thị Hòe (xã Buôn Chóah) gieo trồng gần 10ha giống lúa ST 24. So với mọi năm, năm nay nhà chị xuống giống muộn hơn 1 tháng do thiếu nước. Đến thời điểm hiện tại, gia đình chị Hòe vẫn phải dùng máy bơm để bơm nước vào 3 mảnh ruộng của mình.
"Chưa năm nào bà con nhân dân phải canh từng giọt nước như năm nay. Một tuần trước, cả 3 mảnh ruộng đều nứt nẻ, nguy cơ mất trắng. Đứa con tôi thấy vậy, đưa hình ảnh lên mạng xã hội phản ánh, họ mới tìm cách dẫn nước về ruộng cho. Bây giờ vẫn phải dùng 2 máy bơm để phòng khi thiếu nước", chị Hòe nói.
Cũng theo chị Hòe, 3 mảnh ruộng của gia đình chị may mắn hơn hàng chục hộ dân khác vì không phải ngày đêm canh nước. "Cứ 3 ngày một lần, nông dân thay nhau bơm nước. Năm nay, đêm nào ngoài đồng cũng sáng rực đèn vì người dân đi dẫn nước vào ruộng", chị này ngán ngẩm.
Tương tự, ông Ma Tem (thôn Buôn Chóah) có 2ha ruộng lúa tại gần trạm bơm số 1, xã Buôn Chóah. Mọi năm vì nằm cạnh trạm bơm nên ruộng luôn đủ nước canh tác, nhưng năm nay, ngay từ khi gieo sạ đã rơi vào tình trạng thiếu nước.
Tự tay vạch đám lúa đang héo dần vì thiếu nước, ông Tem xót xa: "Hiện nay lúa đã được hơn 1 tháng tuổi, đến thời điểm phải bón phân nhưng không có nước. Ruộng đồng thì nứt nẻ, chưa bao giờ thiếu nước như năm nay, nếu sắp tới không đủ nước thì cuối vụ bà con sẽ thiếu gạo ăn".
Lắp bơm dã chiến, "cứu" vùng trọng điểm lương thực
Do lượng nước từ trạm bơm hạn chế nên nhiều hộ nông dân phải chia nhau lấy nước vào ruộng, mắc võng túc trực cả đêm ngoài đồng. Thậm chí có hộ phải dùng nước giếng khoan để cứu lúa khỏi "chết khát".
Theo lãnh đạo UBND xã Buôn Chóah, nhiều khu vực trên cánh đồng xã thiếu nước từ trước Tết Nguyên đán tới nay. Nguyên do là lưu lượng nước từ các trạm bơm ven sông Krông Nô vào hệ thống kênh nội đồng xã Buôn Chóah không đủ, không bằng các năm trước.
Cũng theo lãnh đạo xã Buôn Chóah, cánh đồng xã Buôn Chóah là một vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Đắk Nông. Vụ Đông Xuân năm nay, nông dân gieo sạ khoảng 580 ha. Nếu nguồn nước bấp bênh như hiện nay nhiều diện tích đối diện nguy cơ mất trắng do cây lúa đã còi cọc, cỏ mọc tốt hơn lúa.
Được biết, ngày 25/2, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông tiếp tục phối hợp với đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công và chính quyền địa phương khảo sát thực tế và tìm giải pháp đảm bảo nguồn nước cho cánh đồng xã Buôn Chóah.
Nhiều hộ dân tiếp tục bày tỏ sự bức xúc cho rằng, lưu lượng nước từ trạm bơm ven sông vào hệ thống kênh nội đồng thấp hơn các năm trước. Nguyên do là đường dẫn nước từ sông Krông Nô vào trạm bơm thiết kế hơi cao nên máy bơm không bơm đủ nước theo công suất thiết kế.
Trước đó, sau phản ánh của báo Dân trí, cuối tháng 1/2021 vừa qua, ngành chức năng cũng đã phải họp khẩn cấp để xử lý vấn đề thiếu hụt nước trên cánh đồng này.
Tại buổi kiểm tra, ông Lê Trọng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, có bất cập trong thiết kế và vận hành các trạm bơm tại xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô), đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan không đùn đẩy trách nhiệm cho nhau mà tập trung khắc phục tình trạng thiếu nước, để sản xuất kịp thời vụ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô khẳng định, lượng nước đầu vào các máy bơm không đảm bảo nên lưu lượng nước vào kênh nội đồng không đủ, không bằng các năm trước.
"Thiết kế đường dẫn chưa phù hợp và nếu đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công không sớm điều chỉnh, khắc phục thì tình trạng thiếu nước vào cao điểm mùa khô (khoảng cuối tháng 3/2021) và các năm tiếp theo sẽ còn gay gắt, khốc liệt hơn", ông Lộc cho hay.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, đơn vị vận hành, khai thác hệ thống trạm bơm cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số vị trí trên cánh đồng, công ty sẽ lắp đặt trạm bơm dã chiến để cung ứng nước cho người dân. Muộn nhất là ngày 27/2/2021, trạm bơm dã chiến sẽ đi vào hoạt động.
Công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán tại Krông Nô có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông là chủ đầu tư; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt (Đà Nẵng) tư vấn thiết kế công trình.