1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cả tháng chỉ ăn măng rừng vẫn tải không thiếu một hạt gạo cho chiến trường

(Dân trí) - Trên con đường tiếp tế cho chiến trường miền Nam, những người lính Trường Sơn có khi hàng tháng trời chỉ ăn rau và măng rừng, nhưng họ vẫn vận chuyển không thiếu 1 hạt gạo cho chiến trường. Câu chuyện đó vẫn được nhiều thế hệ lính Trường Sơn nhắc lại mỗi lần có dịp hội ngộ.

Ăn rau và măng rừng thay gạo hàng tháng trời

Chúng tôi ghé thăm nhà Đại tá Phan Bá Quyền (SN 1935) tại  thôn Phúc Tuy, xã Xuân Viên (huyện Nghi Xuân) - người từng gắn bó với con đường Trường Sơn hơn 10 năm. Hiện nay dù tuổi đã cao nhưng ông đang đảm đương công tác Chủ tịch hội lính Trường Sơn Hà Tĩnh tại Nghi Xuân.

Ngôi nhà ông hôm ấy đón 1 vị khách đặc biệt là người đồng đội cũ - ông Nguyễn Xuân Thành (SN 1943, tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân).

Cả tháng chỉ ăn măng rừng vẫn tải không thiếu một hạt gạo cho chiến trường - 1

Cuộc hội ngộ của những người đồng đội cũ.

Những kỷ niệm về Trường Sơn một lần nữa sống lại qua câu chuyện của những người lính từng gắn bó nơi tuyến lửa.

Ngày 21/11/1961, khi đang làm cán bộ công thương thuế Nghi Xuân, chàng trai Phan Bá Quyền gác công việc, tạm biệt vợ con lên đường nhập ngũ. Ông được phân công về Trung đoàn 70 đoàn 559, điểm tập kết của ông và các tân binh là Làng Ho (Quảng Bình).

Tại đây, các tân binh làm nhiệm vụ gùi hàng hóa là vũ khí, lương thực, quân trang… trên những con đường nhỏ hẹp sang Tây Trường Sơn (Lào) theo phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

“Mỗi lính tân binh lúc đó khởi điểm gùi khoảng 35 kg, sau đó dần dần tăng lên 70kg. Nhiều đồng chí “to con khỏe người” có khi gùi đến 120kg. Mỗi ngày chúng tôi dậy từ 4-5h sáng, ăn sáng xong lên lán trạm nhận 1 bi đông nước uống, đồ ăn và gùi hàng để đi đường”, ông nhớ lại.

Vừa kể ông vừa lấy ra cho chúng tôi xem chiếc bi đông đựng nước và hộp cà mèn đựng cơm. Đây là những kỷ vật mà ông cẩn thận cất giữ đã gần nửa thế kỷ.

Cả tháng chỉ ăn măng rừng vẫn tải không thiếu một hạt gạo cho chiến trường - 2

Chiếc bi đông đựng nước từng gắn bó với Đại tá Phan Xuân Quyền hơn 10 năm vận chuyển hàng trên đường Trường Sơn.

Còn trong ký ức của ông Nguyễn Xuân Thành, những chuyến thồ hàng mùa mưa trên những chiếc xe Pha-vơ-rít thật khó quên.

Đầu năm 1964, ông Thành lúc ấy đang là chiến sĩ thồ hàng thuộc Trạm C15 (Trung đoàn 71, Đoàn 559), đóng tại Mường Nòng (thuộc Trung Lào). Trung bình mỗi chiếc xe phải chở từ 120 – 450 kg, vượt những con dốc thẳng đứng sang bên kia dãy Trường Sơn. Mỗi ngày từng đoàn xe tại binh trạm của ông đi quãng đường gần 15km.

“Đường lầy lội, trơn trượt, bộ đội phải bấm chân xuống đường mà đẩy. Chưa kể vắt, sên mùa này nhiều vô kể nhảy hết lên người, nhưng đành cố chịu vì chỉ buông 1 tay là ngã đè lên xe sau. Nhưng xui nhất là xe bị thủng săm…”, người lính già nhớ lại.

Để khắc phục sự cố này, mỗi người lính thồ xe trang bị rất nhiều khăn, giẻ rách không dùng đến để tận dụng nhét vào trong lốp xe phía trước rồi buộc lại đi tiếp. Nếu bánh sau hỏng họ phải tháo bánh sau độn giẻ, lá cây rồi đưa lên bánh trước, còn bánh trước thì chuyển sang bánh sau.

Trên cung đường vận chuyển hàng hóa, những người lính còn tận dụng rau cỏ và măng rừng mọc bên đường đem về làm thức ăn.  Mặc dù trên lưng trên xe thồ là hàng chục cân gạo nhưng không một cán bộ chiến sĩ nào đụng tới, đảm bảo vận chuyển đủ gạo cho chiến trường.

“Mãi đến khi lán trại di dời dần tới làng bản của Lào, anh em bàn nhau hy sinh một số quần áo để đổi lấy ngô hoặc gạo về nấu cháo”, Đại tá Quyền nhớ lại.

Vượt thác chuyển hàng

Trên con đường vận chuyển hàng hóa tại Trường Sơn còn có một tuyến đường vận chuyển vô cùng đặc biệt, đó là vượt sông bằng thuyền độc mộc. Nhiều người lính trở thành những “thuyền trưởng” trên con đường này chỉ có vài ngày huấn luyện.

Cựu binh Nguyễn Xuân Thành vẫn nhớ như in những chuyến đi luôn phải thấp thỏm đối mặt với tử thần tại những ngã tư sông trên nước bạn.

Cả tháng chỉ ăn măng rừng vẫn tải không thiếu một hạt gạo cho chiến trường - 3

Ông Thành xúc động kể lại chuyến đi vượt thác vận chuyển hàng của mình trên nước bạn Lào.

Năm 1965, ông được chuyển về C2 đóng ở khu vực đường sông Bạc (Lào). Lúc này con đường vận chuyển hàng hóa chủ yếu là bằng đường sông, phương tiện đi lại chỉ có thuyền độc mộc do khu vực này địa hình hiểm trở lắm dốc, thác.

Sau hơn 2 ngày được huấn luyện các thao tác chèo thuyền và một số "tiểu xảo" vượt sông từ một người đồng đội, ông Thành cùng gần 20 người lính có chuyến chở hàng đầu tiên.

Ngoài 3 người chèo, trên thuyền có có gần 1 tấn hàng hóa. Dù lần đầu tiên chèo thuyền nhưng mỗi người lính đều ý thức được tầm quan trọng của những chuyến hàng. Mọi người đều cố gắng tập trung và vận dụng các kỹ năng để giảm thiểu tổn thất tối đa.

Cả tháng chỉ ăn măng rừng vẫn tải không thiếu một hạt gạo cho chiến trường - 4

Ông Phan Bá Quyền và ông Nguyễn Xuân Thành hào hứng ôn lại những kỷ niệm trên đường Trường Sơn.

Nhớ lại kỷ niệm khó quên của mình, ông Thành không khỏi bồi hồi: “Có một lần vận chuyển hàng qua khu vực sông đoạn thác ông Triêm, khu vực này có 2 dòng chảy 2 bên, ở giữa lại có 1 hòn đá chắn ngang nên dòng chảy rất xiết. Khi vừa lại gần thuyền xoay như kim đồng hồ rồi đập vào đá khiến mọi người không kịp trở tay. Một lúc sau, thuyền lật úp, bao nhiêu gạo trên thuyền đều bị rơi xuống. Mấy anh em trên thuyền may mắn nhảy ra kịp nên không có ai hy sinh nhưng thấy vô cùng áy náy vì không hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, chúng tôi liền lặn xuống cố gắng vớt số gạo lên và tận dụng làm bún chia cho các binh trạm gần đó”.

Cũng nhờ chuyến đi đáng nhớ này mà ông Thành và các đồng đội đúc rút cho mình được kinh nghiệm. Nhờ đó, những chuyến vượt thác sau, số hàng hóa đều được vận chuyển đảm bảo đến nơi tập kết.

Sau những chuyến đi “tiền trạm”, ông Phan Bá Quyền và ông Nguyễn Xuân Thành còn đảm đương nhiều công tác khác trước khi nghỉ hưu. Nhưng với họ, những năm tháng được góp sức mình làm nên đường Trường Sơn huyền thoại luôn là những ký ức đẹp đẽ và ý nghĩa nhất.

Phượng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm