1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cà phê đường tàu: Cần lộ trình "cấm như thế nào, cấm đến đâu?"

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông quả quyết, quan điểm của phường là giải quyết triệt để, không cho du khách vào phố cà phê đường tàu.

Sáu tháng qua, khu vực phố cà phê đường tàu thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (Hà Nội) bị cấm hoạt động, lực lượng chức năng lập chốt chặn, dựng rào chắn tại hai đầu phố, không cho du khách vào bên trong.

Mặc dù đã đóng cửa nhưng thời gian qua mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt du khách nước ngoài đến đây với mong muốn được vào trong ngồi thưởng thức cà phê, ngắm tàu đi qua. Việc này đã gây không ít khó khăn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông của các cấp chính quyền địa phương.

Lập chốt chặn chỉ là "bất đắc dĩ"

Ông Nguyễn Văn Tử, bảo vệ tổ dân phố phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm), mấy tháng qua được phân công nhiệm vụ trực chốt tại khu vực phố cà phê đường tàu. Tất cả các du khách có ý định đến gần khu vực đường tàu hoặc xin lên phố cà phê đều bị ông Tử từ chối.

Theo ông Tử, vào 2 ngày cuối tuần, tàu khách, tàu hàng đi qua nhiều lần nên du khách nước ngoài thường lui tới để chụp ảnh. 

Cà phê đường tàu: Cần lộ trình cấm như thế nào, cấm đến đâu? - 1

Nhiều du khách nước ngoài bất chấp nguy hiểm, đứng sát barie chụp ảnh khi tàu đi qua.

Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông Đinh Bá Hưng cho biết, phố cà phê đường tàu Trần Phú - Phùng Hưng thuộc địa bàn của 4 phường: Cửa Đông, Hàng Bông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) và phường Điện Biên (quận Ba Đình).

Trong đó, du khách nước ngoài tập trung đến khu vực phường Hàng Bông, Cửa Đông nhiều nhất bởi tại đây có một số quán cà phê được trang trí đẹp mắt. Sau khi có chỉ đạo của các đơn vị chức năng, quận Hoàn Kiếm đã thu hồi giấy phép kinh doanh của các quán cà phê dọc hai bên đường tàu và phường cũng ra thông báo, yêu cầu các hộ không được bán hàng.

Thời điểm tháng 9/2022, phường lập chốt chặn ở khu vực ngã tư Trần Phú - Phùng Hưng để nhắc nhở, ngăn khách vào bên trong, đem lại hiệu quả rõ rệt.

Cà phê đường tàu: Cần lộ trình cấm như thế nào, cấm đến đâu? - 2

Hàng chục du khách tập trung tại khu vực phố cà phê đường tàu chiều 16/3.

Tuy nhiên, mấy tháng sau, một số hộ lợi dụng ngõ nhỏ trên phố Trần Phú thông với đường sắt nên lén lút đưa khách vào bên trong, buộc địa phương phải cử thêm người canh gác.

"Mặc dù địa phương đã tuyên truyền bằng cả tiếng Anh, tiếng Việt và lắp đặt biển cảnh báo nhưng du khách nước ngoài vẫn tụ tập đông ở khu phố cà phê đường tàu", ông Hưng nói và cho biết việc lập chốt chặn tại đây chỉ là biện pháp "bất đắc dĩ" bởi công an và các lực lượng khác còn nhiều nhiệm vụ phải thực hiện.

Giải quyết triệt để

Để giải quyết lâu dài, gốc rễ vấn đề này thì các công ty du lịch không được quảng bá phố cà phê đường tàu tới du khách; các tour, hướng dẫn viên không được dẫn khách đến đây, nếu vi phạm cần phải xử lý nghiêm, thậm chí tước giấy phép kinh doanh.

Cà phê đường tàu: Cần lộ trình cấm như thế nào, cấm đến đâu? - 3

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông, 100% quán cà phê dọc hai bên đường tàu đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

"Phường mới đây đã có công văn gửi Sở Du lịch đề nghị các công ty du lịch không dẫn du khách đến đây, nếu du khách tự đến mà xảy ra sự cố phải hoàn toàn tự chịu trách nhiệm", ông Hưng chia sẻ.

Vị Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông nhận định, để xử lý dứt điểm việc du khách vào phố cà phê đường tàu là rất khó bởi nhiều hộ kinh doanh dùng đủ mọi chiêu thức để đưa khách vào.

"Khi dẫn du khách đi qua chốt, các chủ hộ thường nói đây là người nhà, người nước ngoài tới thăm nên rất khó để xử lý triệt để tình trạng này", ông Hưng bày tỏ.

Cà phê đường tàu: Cần lộ trình cấm như thế nào, cấm đến đâu? - 4

Lực lượng chức năng dựng rào chắn, liên tục nhắc nhở du khách không được vào trong.

Phường Hàng Bông cũng mong các cấp, ngành của thành phố có thể giải phóng mặt bằng hai bên đường tàu và sau đó đưa địa điểm này vào hoạt động bài bản, có rào chắn như vậy sẽ đảm bảo được an toàn.

Đối với người dân, họ biết rõ nguy hiểm của đường sắt và việc kinh doanh hai bên đường tàu là sai quy định nhưng vì lợi ích trước mắt đành "nhắm mắt" làm liều.

Cà phê đường tàu: Cần lộ trình cấm như thế nào, cấm đến đâu? - 5

Nhiều du khách đứng ngoài rào chắn chụp ảnh lại khung cảnh phố cà phê đường tàu.

Trước mắt, phường tiếp tục thực hiện phương án trực chốt và liên tục kiểm tra, nhắc nhở các hộ có du khách ngồi uống cà phê. Nếu hộ nào không chấp hành sẽ kiên quyết xử lý, quan điểm của phường là giải quyết triệt để, không cho du khách vào trong khu vực đường tàu.

Bên cạnh đó, công an các quận cần có sự phối hợp với công an phường để đảm bảo an ninh trật tự, không để du khách tụ tập quanh phố cà phê đường tàu bởi khu vực này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Cà phê đường tàu: Cần lộ trình cấm như thế nào, cấm đến đâu? - 6

Chính quyền địa phương đã lắp đặt nhiều biển cảnh báo nguy hiểm, phát loa thông báo nhưng vẫn có rất đông du khách đổ về phố cà phê đường tàu.

Chung quan điểm với vị Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho rằng, cần giải quyết triệt để việc du khách đến phố cà phê đường tàu.

Một trong những yếu tố quan trọng để làm được điều này là các đơn vị du lịch, hướng dẫn viên không được quảng bá, đưa du khách đến đây. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh, buôn bán ở đây cũng cần nâng cao ý thức, chấp hành gương mẫu các quy định.

"Người dân không bày hàng ra ngoài đường sắt để bán mà ngồi trong nhà nên rất khó xử lý", ông Liên bày tỏ và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành địa phương trong thời gian qua để ngăn cấm, không cho du khách vào phố cà phê đường tàu.

Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận, Phó tổng thư ký Tổng Hội xây dựng Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị, trước mắt là cấm còn về lâu dài cần phải có lộ trình, giải pháp.

"Cấm như thế nào, cấm đến đâu, đến bao giờ thì cần phải có lộ trình, giải pháp cụ thể. Có thể đưa ra cuộc thi để các kiến trúc sư, nhà văn hóa đưa ra những phương án tối ưu nhất", bà Thuận nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm