1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cà Mau rút ngắn thời gian họp HĐND để phòng, chống thiên tai

Cao Xuân Lương Nhật Linh Đan

(Dân trí) - Trước tình hình mưa dông, lốc xoáy gây thiệt hại không nhỏ mấy ngày qua, HĐND tỉnh Cà Mau quyết định rút ngắn thời gian họp để lãnh đạo các địa phương lo phòng, chống thiên tai.

Sáng 13/7, HĐND tỉnh Cà Mau tiếp tục diễn ra ngày thứ hai của kỳ họp thứ 6. Theo kế hoạch, chương trình kỳ họp kéo dài đến chiều cùng ngày mới kết thúc.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau - cho biết, do mấy ngày qua tình hình mưa lớn kèm theo dông lốc đã gây thiệt hại rất nhiều đối với bà con nhân dân, công trình nhà nước. Tỉnh rất cần tranh thủ thời gian để lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương đi kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo các biện pháp khắc phục, hỗ trợ cho người dân.

Do đó, HĐND tỉnh Cà Mau quyết định kết thúc các nội dung của kỳ họp ngay trong buổi sáng 13/7.

Cà Mau rút ngắn thời gian họp HĐND để phòng, chống thiên tai - 1

Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Cà Mau rút ngắn thời gian để lo công tác phòng chống thiên tai (Ảnh: CTV).

Ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết, Cà Mau là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu.

Mấy ngày qua, lốc xoáy, nước dâng đã ảnh hưởng gần 1.730 hộ dân, trong đó có khoảng 100 căn nhà bị sập, gần 900 căn nhà tốc mái, khoảng 700 căn nhà bị ảnh hưởng. Đê biển Tây bị triều cường nước tràn qua. Thiệt hại do thiên tai đợt này ước gần 9 tỷ đồng.

"Xu hướng thiên tai ngày càng tăng, đặc biệt nước dâng, lốc xoáy. Sắp tới tỉnh phải có giải pháp để làm sao ổn định được đời sống người dân. Cùng với đó là kiến nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh từng bước thực hiện thích ứng phù hợp với biến đổi khí hậu", ông Việt chia sẻ.

Nói về tình hình đê biển Tây, ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau - cho biết, địa phương có khoảng 200km đê biển. Thời gian qua, thiên tai bất thường đã gây sạt lở đê biển nghiêm trọng.

Theo ông Hải, để khắc phục bằng cách đầu tư hạ tầng ven biển thì phải làm, nhưng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.

"Trong 2 ngày qua, đã có gần 200m đê biển bị uy hiếp và bắt đầu sạt lở vào thân đê. Đây là những chỗ khẩn cấp mà anh em đang triển khai làm ngày đêm bằng vật liệu, nhân lực tại chỗ. Rồi các nguồn kinh phí chúng ta bỏ ra làm ngay để bảo vệ đê, nhưng chỉ mới 100-200m này thôi đã rất nhiều tiền, công sức rồi. Nói vậy không phải để than mà để đại biểu, người dân hiểu, lãnh đạo tỉnh quan tâm vấn đề này", ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 12/7, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cũng phải "gác" dự kỳ họp HĐND tỉnh để trực tiếp đi kiểm tra tình hình ảnh hưởng của tuyến đê biển Tây.

Sóc Trăng: Khẩn trương khắc phục thiệt hại do dông lốc, sạt lở

Từ ngày 16/6-12/7, các huyện Kế Sách, Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu và TP Sóc Trăng do ảnh hưởng dông lốc, sạt lở làm thiệt hại nhiều về nhà cửa, bờ bao, lộ giao thông nông thôn.

Theo đó, tổng số nhà bị thiệt hại là 36 căn, trong đó sập hoàn toàn 6 căn, tốc mái trên 50% có 4 căn, dưới 50% có 26 căn, sạt lở lộ giao thông nông thôn dài 50m; ước thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Cà Mau rút ngắn thời gian họp HĐND để phòng, chống thiên tai - 2

Mưa lớn kéo dài gây ngập nước nhà dân ở Sóc Trăng (Ảnh: XL).

Những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở Sóc Trăng có mưa rất to kéo dài suốt ngày đêm đã làm cho nhiều tuyến đường ở nội ô TP Sóc Trăng bị ngập sâu, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Nhiều khu dân cư bị nước ngập vào tận nhà.

Ông Phạm Tấn Đạo - Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - cho biết, tính đến ngày 12/7, UBND tỉnh đã trích chi hỗ trợ số tiền 255 triệu đồng.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, nếu tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ dông lốc làm sập và tốc mái hơn 80 căn nhà, một người bị thương, diện tích lúa bị ảnh hưởng gần 700ha, sạt lở bờ bao, đê 55 đoạn, chiều dài hơn 3.000m; ước thiệt hại trên 40 tỷ đồng.