Nam Định:
Cà chua rụng đỏ gốc, bắp cải nở bung, cho không ai lấy
(Dân trí) - Không tìm được mối tiêu thụ, người dân trồng cà chua ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, đứng ngồi không yên vì nhìn cà chua rụng đỏ gốc, bắp cải nở bung, bán chẳng ai mua, cho không ai lấy.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định, vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn tỉnh Nam Định gieo trồng khoảng 12.000 ha rau màu, với các cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như khoai tây, ngô, bí xanh, cà chua, khoai lang, các cây rau - đậu ngắn ngày. Vụ đông xuân năm nay, thời tiết thuận lợi, cây sinh trưởng và phát triển tốt nên nhiều loại rau màu cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ hàng hóa khó khăn, nhiều quán ăn, nhà hàng không có khách… dẫn đến đầu tiêu thụ nông sản ở các huyện trên địa bàn tỉnh Nam Định "bế tắc".
Tại huyện Nghĩa Hưng, vụ đông xuân vừa qua, toàn huyện gieo trồng khoảng 1.200 ha cây rau màu vụ đông, trong đó có gần 500 ha cây cà chua. Ở các xã Nam Điền, thị trấn Quỹ Nhất, Nghĩa Thành, Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng… được xem là vựa cà chua lớn nhất huyện này, dù được mùa nhưng không ai mua khiến nên nông dân đành bỏ mặc "thành quả" của mình rụng đầy gốc.
Theo người trồng cà chua, trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, giá cà chua khoảng hơn 10.000 đồng/kg, thu hoạch đến đâu thương lái về thu mua hết đến đó. Nhưng kể từ khi dịch bùng phát trở lại, giá rau màu nói chung, cà chua nói riêng giảm nhanh, giảm sâu và đến thời điểm hiện tại lâm cảnh không có người thu mua.
Bà Phạm Thị Thảo, người trồng cà chua ở khu 5, thị trấn Quỹ Nhất cho biết: "Năm nay gia đình tôi trồng gần 1 mẫu cà chua, thời điểm khi dịch Covid-19 chưa bùng phát trở lại thương lái vẫn tìm về mua với giá từ 10 - 12 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại thì giá cà chua giảm dần xuống 8.000 đồng/kg, 5.000 đồng/kg, rồi rớt giá thê thảm xuống 1.000 đồng/3 kg và đến nay không thấy ai về mua nữa".
Đi một vòng xung quay ruộng cà chua rụng đầy gốc, ông Trần Văn Chiến, ở khu 6, thị trấn Quỹ Nhất cho biết, với gần diện tích gần 1 ha, mỗi vụ gia đình ông thu hoạch khoảng 40 tấn cà chua. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cây sinh trưởng tốt, gia đình ông vui mừng vì ngỡ vụ này trúng lớn, có tiền để trả nợ, nào ngờ lại thành ra ế ẩm thế này.
Nhìn cà chua rụng đỏ gốc, xót và tiếc công sức, ông Chiến đã gọi điện khắp nơi cho các thương lái nhưng ai cũng lắc đầu từ chối vì không có điểm tiêu thụ. Không chỉ cà chua, gia đình ông Chiến còn khoảng 1.500 cây bắp cải, hàng tạ đỗ cô ve đã quá lứa, vẫn nằm im ngoài vườn. Thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Không chỉ gia đình ông Chiến, nhiều gia đình khác cũng lâm vào cảnh tương tự, vì không bán được nên nhiều ruộng trồng bắp cải đã quá lứa, già cỗi vẫn để ngoài ruộng và nở bung và đang thối dần.
Để tránh lãng phí, nhiều gia đình đã phải cắt bỏ mang về cho cá ăn và băm nát bắp cải ngay tại vườn rồi ủ làm phân bón.
Theo ông Hoàng Quang Tuyến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng, do không có người thu mua, toàn huyện còn khoảng hơn 40% diện tích cây cà chua đang trong thời kỳ thu hoạch. Dù phía Phòng Nông nghiệp đã liên hệ với thương lái nhiều nơi đến thu mua giúp bà con nhưng không có ai mua.