1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Cá chết, người ghẻ bên bờ sông Biên Hòa

(Dân trí) - Nhiều năm nay, cứ vào vụ làm ăn của nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) là nước sông Biên Hoà lại chuyển màu đen, mùi hôi thối, cá tôm chết hàng loạt... Thế nhưng giám đốc nhà máy lại cho rằng, ô nhiễm là… bình thường.

 
Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành công suất 80 tấn/ngày, mỗi ngày xả ra sông gần 1.000m3 chất thải lỏng. Nhà máy cũng đã có hệ thống các ô xử lý chất thải bằng men vi sinh, nhưng dư luận đang đặt câu hỏi rằng đã xử lý rồi tại sao mùi hôi thối lại nồng nặc và ô nhiễm trầm trọng như vậy?

 

Dòng sông nước đen, đóng váng

 

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành (đóng tại xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) đi vào hoạt động từ năm 2005, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh về hệ thống xử lý chất thải. Còn người dân hai huyện Yên Thành và Diễn Châu thì lãnh đủ…

 

Không dưới hàng chục lần, người dân nơi đây đã gửi đơn kiến nghị lên nhà máy, đến UBND huyện Yên Thành để kêu cứu, nhưng cũng chỉ như “đá ném ao bèo”.

 

Hai dòng sông Biên Hòa và sông Bùng những năm gần đây luôn có hiện tượng cá, tôm chết hàng loạt…
 
Cá chết, người ghẻ bên bờ sông Biên Hòa - 1
Nước thải ở hồ cuối cùng của nhà máy sắn Yên Thành ra các ruộng lúa, làm cho người dân không thể cấy cày

 

Tại xóm Phú Điền (xã Nhân Thành, huyện Yên Thành) nơi dòng sông Biên Hoà chảy qua, nước màu xanh đen, váng đóng dày trên mặt nước, mùi hôi thối xộc vào mũi đến ngạt thở. Ông Trần Minh (nhà ở cạnh sông) cho biết: “Nhiều năm nay, cứ vào mùa “làm ăn” của nhà máy là nước sông Biên Hoà chuyển dần sang màu đen, mùi hôi thối không thể chịu được, cá tôm chết hàng loạt, nổi trắng sông…”.

 

Ông Minh tiếp thêm lời: “Tội nhất là phụ nữ và trẻ em, nhiều người nôn oẹ, trẻ con thì kêu choáng đầu. Khủng khiếp nhất là cá tôm bị say, dân bắt về nấu ăn, nấu xong không ăn được phải đổ, đổ cho lợn, lợn cũng chê!”.

 

Một người dân chuyên đánh bắt cá trên sông Biên Hoà nói thêm: “Với đà này, hàng trăm hộ dân sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông sẽ bị mất nghề, vì giờ đây tôm cá có sinh sôi được thêm gì đâu, thậm chí không thấy một bóng vẫy đuôi. Mấy năm trước đây, chúng tôi chỉ cần đặt lưới khoảng 30 phút là có cá ăn không hết. Giờ đánh cả ngày trời cũng chỉ được vài ba con.

 

Cũng mấy năm nay, trẻ con sống hai bên bờ sông Biên Hoà thì bị ghẻ lở, nổi mụn vì lội nước sông. Dân chúng tôi phần đa dùng giếng lóng từ sông. Nhà máy sắn làm ô nhiễm như rứa là giết dần chúng tôi rồi còn gì...”.
 
Cá chết, người ghẻ bên bờ sông Biên Hòa - 2
Cảnh tượng dễ gặp dọc bờ sông Biên Hòa
 

Ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND xã Nhân Thành cũng chung nỗi bức xúc như bà con: “Ô nhiễm kinh hoàng quá. Mấy năm trở lại nay sông Biên Hoà trở thành con sông đang chết dần vì ô nhiễm từ chất thải nhà máy tinh bột sắn Yên Thành gây ra. Hành động đó cần phải xử lý nghiêm, chứ phạt mấy triệu thì đâu lại vào đấy thôi. Cuối cùng thì dân chịu khổ. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì khả năng dòng sông này bị bức tử…”. 

 

Đoạn sông mà chúng tôi nói trên nằm cách nhà máy Tinh bột sắn Yên Thành hơn 10 km về phía đông. Chất thải của nhà máy tinh bột sắn xả ra theo sông đi qua 7 xã Công Thành, Bảo Thành, Viên Thành, Long Thành, Khánh Thành, Vĩnh Thành, Nhân Thành của huyện Yên Thành rồi hợp với con sông Bùng chảy qua 7 xã, thị của huyện Diễn Châu là: Diễn Nguyên, Diễn Minh, Diễn Phúc, Diễn Bình, Diễn Quảng, Diễn Hoa, Thị trấn.

 

Ông Nguyễn Xuân Mai, Bí thư Đảng ủy xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu) xác nhận: “Năm 2006, đoạn sông Bùng chảy qua địa phận xã này đã bị ô nhiễm nặng do chất thải từ Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành gây nên. Hiện tại, người địa phương không dám xuống các bến sông vì mùi thối xộc lên rất khó chịu”.
 
Cá chết, người ghẻ bên bờ sông Biên Hòa - 3
Người đàn ông này làm nghề chài lưới hàng chục năm nay nói: "Dòng sông Biên Hoà này đang chết dần rồi các chú ạ.  Chúng tôi chuyên đánh bắt dựa vào dòng sông này để kiếm ăn, nay đã gác niêu mất rồi."

 

Ô nhiễm là chuyện bình thường?

 

Đem câu chuyện ô nhiễm trao đổi với ông Trần Long, Giám đốc nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành, chúng tôi được ông Long cho hay: “Ô nhiễm là chuyện bình thường, nhà máy sắn nào mà chẳng ô nhiễm. Đã sản xuất là ô nhiễm… Nhưng ô nhiễm cũng không như dân người ta nói là cá chết hàng loạt…”. Nói đoạn ông Long mở cặp lấy một  tờ biên bản viết bằng tay trên giấy học sinh đưa cho chúng tôi: “Đây, các anh xem, chúng tôi đã đi kiểm tra và lấy mẫu nước nhưng làm gì có ô nhiễm”.

 

Trong khi đó, ông Phan Huy Hải - trưởng phòng TN&MT huyện Yên Thành cho biết: “Việc gây ô nhiễm của nhà máy sắn Yên Thành là có. Năm 2006, Sở TN&MT Nghệ An đã hai lần lập biên bản xử phạt hành chính Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành với tổng số 33 triệu đồng do vi phạm ô nhiễm môi trường, nhưng đâu rồi lại vào đấy”.

 

Tháng 12/2008 vừa qua, thêm một lần nữa nước thải nhà máy này tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Sau khi báo chí cũng như nhân dân phản ánh, cơ quan chức năng của tỉnh đã vào cuộc và đi đến quyết định tạm ngừng hoạt động đối với nhà máy này.

 

Thế nhưng, quyết định chưa ráo, thì UBND huyện Yên Thành đã “xin” cho nhà máy này hoạt động trở lại để giải quyết số sắn tồn đọng cho người dân. Hiện Sở TN&MT Nghệ An đang yêu cầu nhà máy sớm hoàn thành hệ thống xử lý nước thải và khắc phục tình trạng ô nhiễm do nhà máy gây nên.

 

Nguyễn Duy