Đình chỉ nhà máy chế biến tinh bột sắn của VEDAN tại Hà Tĩnh
Hôm qua, 31/3, Sở TNMT Hà Tĩnh đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh (Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam) sau khi công ty này gây ô nhiễm trầm trọng đặc biệt là đối với dòng sông Rào Trổ.
Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh (một trong 4 chi nhánh thuộc Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam) được khởi công xây dựng tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào tháng 8/2007. Đến tháng 10/2008, nhà máy có công suất thiết kế chế biến 400 tấn sắn tươi/ngày này cơ bản hoàn thành. Sau khi hoàn thành từ ngày 11/2, Ban giám đốc nhà máy đã quyết định cho vận hành chạy thử trước khi đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 11/2009.
Mặc dù chỉ ở giai đoạn khởi động, nhưng chỉ sau hơn một tháng chạy thử, nhà máy đã gây ô nhiễm nặng nề. Mùi hôi thối từ bã sắn bốc lên nồng nặc khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở xã Kỳ Sơn bị đảo lộn hoàn toàn. Đặc biệt, nước thải từ nhà máy chưa qua xử lý chảy thẳng xuống sông Rào Trổ làm nguồn nước ở đây đổi màu, đóng váng. Thực trạng nói trên khiến người dân thượng nguồn Kỳ Anh lo lắng sông Rào Trổ sẽ lại là một “phiên bản” của sông Thị Vải ở tỉnh Đồng Nai.
Bãi chất thải chỉ được che đậy sơ sài khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc (ảnh trái) và nguồn nước đóng váng vì ô nhiễm
Trước thực trạng nói trên, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương vào cuộc. Sau quá trình kiểm tra kỹ lưỡng, chiều 31/3, hai đoàn công tác nói trên đã có kết luận về thực trạng ô nhiểm tại nhà máy này. Cụ thể, tại các khu vực như lò sấy, bãi chứa và bãi phơi bã sắn, kho chứa bã sắn không có mái che khiến nước từ 50 tấn bã sắn thải ra bên ngoài gây ô nhiễm. Các hồ chứa có dung tích khoảng 180.000m3 lưu trữ nước thải đều chưa qua xử lý.
Cuộc họp tìm biện pháp khắc phục do đại diện Sở TNMT Hà Tĩnh chủ trì đã được tiến hành ngay sau đó tại trú sở Công ty chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh. Tại cuộc họp, Sở TNMT Hà Tĩnh đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn này; đồng thời, yêu cầu lãnh đạo nhà máy phải khẩn cấp khắc phục những sai phạm trên trước khi vận hành trở lại.
Được biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở TNMT tỉnh này và các cơ quan chức năng khác tiếp tục giám sát chặt chẽ công tác khắc phục ô nhiễm, hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải tại nhà máy tinh bột nói trên.
Tạm đình chỉ nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương
Chiều 1/4, UBND tỉnh Nghệ An cũng ra thông báo đình chỉ hoạt động nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương, nhà máy này sẽ phải khắc phục ô nhiễm môi trường trong thời gian sớm nhất.
Quyết định số 122/TNMT-MT ngày 1/4 của Sở TN&MT Nghệ An cho biết, sáng ngày 31/3 sau khi nhận được nguồn tin của quần chúng nhân dân về hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Lam. Cùng lúc cán bộ của Sở TN&MT đã phối kết hợp cùng UBND huyện Nam Đàn và huyện Thanh Chương (nơi nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương đóng-PV) kiểm tra và lấy mẫu nước sông Rào Gang phân tích mức độ ô nhiễm.
Nước từ nhà máy sắn thải ra một cái hồ lớn gần cạnh sông Rào Gang
Sau đúng một ngày lấy mẫu phân tích, Sở TN&MT có kết quả như sau: Tại thời điểm kiểm tra thì đoàn công tác phát hiện nước trên sông Rào Gang đục, có mùi hôi, tôm, cá, ốc bị chết như dân phản ánh là đúng. Nguyên nhân được xác định ban đầu là do nước thải của nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương gây ô nhiễm.
Theo đoàn thanh tra, lãnh đạo nhà máy lý giải, gần đây lượng sắn của nhân dân trong vùng quy hoạch và ở vùng khác trong tỉnh nhập về quá lớn, do đó nhà máy đã tăng công suất để giải quyết lượng nguyên liệu khỏi tồn đọng, dẫn đến việc hệ thống xử lý nước thải của nhà máy bị quá tải.
Qua kiểm tra thực tế, Sở TN&MT Nghệ An đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An tạm đình chỉ sản xuất đối với nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương để xử lý ô nhiễm môi trường; khắc phục hệ thống xử lý nước thải…
Trao đổi với Dân trí chiều 1/4, ông Nguyễn Đình Chi - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trước mắt UBND tỉnh tạm đình chỉ việc sản xuất của nhà máy này. Theo đó, giao cho nhà máy phải xử lý ô nhiễm môi trường trong thời gian sớm nhất. Không để tái diễn tình trạng nước thải thải ra sông một cách vô tội vạ như thế, và hậu quả là cá ở sông Rào Gang, sông Lam chết như báo chí đã phản ánh…
Nước thải từ hồ này đã ngấm và chạy ra sông Rào Gang rồi đổ ra sông Lam, làm cho xã Thanh Ngọc và các xã lân cận bị ô nhiễm nặng
UBND tỉnh Nghệ An cũng giao Sở TN&MT phối hợp với Công an tỉnh, Sở NN&PTNT, UBND các huyện Nam Đàn và Thanh Chương tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc cá chết hàng loạt vào ngày 31/3 trên dòng sông Lam vừa qua. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện Thanh Chương, Nam Đàn và Hưng Nguyên không được để người dân sử dụng nguồn nước sông Lam, sông Rào Gang để ăn uống sinh hoạt. Đặc biệt, nghiêm cấm ăn các loại thuỷ sản chết còn trôi nổi.
Nguyễn Duy - Văn Dũng - Đất Vũ