(Dân trí) - Trong những ngày qua, người dân xứ Nghệ hoảng hồn vì tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Lam; càng hoang mang hơn khi nguyên nhân được dự đoán là do nước thải độc hại của Nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương.
Đã hơn 3 năm nay, cứ đến mùa làm ăn của nhà máy tinh bột sắn Intimex, người dân xã Thanh Ngọc (huyện Thanh Chương - Nghệ An) lại kinh sợ vì tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ở xóm Ngọc Mỹ, hơn 100 em học sinh các cấp ngày ngày khốn khổ vì sự ô nhiễm do nhà máy sắn gây ra: trẻ lớn vừa học vừa bịt khẩu trang, trẻ nhỏ còi cọc, lắm bệnh tật. Người dân nơi đây cũng thường bị các bệnh về đường hô hấp, đau đầu, chóng mặt,...
Mùi hôi - “đặc sản” của nhà máy
Chúng tôi tìm đến xã Ngọc Mỹ để tìm hiểu rõ sự việc, cách xa chừng 2km đã thấy mùi thum thủm phảng phất trong không khí.
Hai ông bà cụ Chắt múc nước giếng ô nhiễm cho chúng tôi xem. Cụ bà phải có chiếc khăn bịt mũi thường trực.
Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi ghé thăm là gia đình cụ ông Trịnh Văn Tính (80 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Chắt (79 tuổi). Cụ bảo: “Nước giếng nhà tui bị ô nhiễm nặng lắm rồi, không uống được các chú à. Hai ông bà già nhà tui hằng ngày phải đi hàng trăm mét để xách nước uống. Khổ quá”, cụ Tính than thở.
Qua thị sát của PV Dân trí, nhà cụ Tính nằm sát vách nhà máy, chỉ cách một bức tường rào. Nhà cụ lúc nào cũng có mùi hôi thối nồng nặc. Cụ Nguyễn Thị Chắt lúc nào cũng có chiếc khăn bịt kín mũi, miệng, nói như tịt mũi: “Hai cái thân già này nằm sát cạnh nhà máy, đêm thì nghe tiếng ồn áo náo nhiệt của sản xuất, ngày thì ô tô chở sắn về ầm ầm…
Đã hơn 3 năm nay rồi, không chịu nổi ô nhiễm của nhà máy sắn. Nước giếng nhà tui trước đây là trong nhất ở cái làng này, nay nó đã bị ô nhiễm nặng, không thể múc nấu ăn được”.
Chị Lê Thị Thuỷ ở xóm Ngọc Mỹ cũng than vãn: “Nhà tôi cách bờ tường nhà máy khoảng 200m mà giếng nước múc lên toàn màu vàng không dám uống, thậm chí giặt đồ cũng nghe mùi. Tôi phải đi xách nước cách nhà khoảng 500m để ăn uống, còn đêm đến thì không thể ngủ nổi. Hai đứa con tôi thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, việc học hành cũng thường bị gián đoạn, đêm ngủ các cháu cũng phải bịt khẩu trang…”.
Chị Thuỷ cho biết hầu hết các gia đình không chịu nổi mùi hôi thối nên đóng kín cửa suốt ngày, lấy dẻ rách, bao bì nhét vào các khe cửa, lỗ thủng… để ngăn mùi hôi được chừng nào hay chừng ấy.
Còn anh Trịnh Văn Lý thì cho biết: “Gia đình tôi, nguồn nước cũng bị ô nhiễm nặng. Nhưng tôi có “sáng kiến” mua phèn về lọc nước để ăn, chứ đi xách thì xa hàng km. Những năm chưa có nhà máy về tôi thi thoảng cũng có đau đầu nhưng chỉ đau một chút là khỏi. Nhưng kể từ khi nhà máy sắn về đây hoạt động, chứng bệnh đau đầu của tôi dường như nhiều lên và đau dai dẳng, có lúc chỉ muốn đập đầu vào tường vì đau quá… Con dâu tôi mới sinh cháu phải đưa xuống thành phố Vinh ở chứ ở đây mùi hôi thối kinh quá. Người lớn ngửi cũng đủ chết chứ nói chi đến trẻ em”.
Cháu Trịnh Văn Nho con anh Trịnh Văn Khả gần đó thì bị bệnh động kinh, mới xuất hiện 5-6 tháng nay. Theo lý giải của gia đình, thì tác nhân gây nên bệnh của cháu là do ô nhiễm tiếng ồn và mùi từ nhà máy sắn. Nhiều hôm cháu đang ngủ bỗng tỉnh giấc hô hoán: đập nhà máy sắn đi, không chịu được nữa rồi.
Được biết tình trạng ô nhiễm ở nhà máy sắn Thanh Chương không chỉ ảnh hưởng đến những người dân xã Ngọc Mỹ.
Cơ quan chức năng nói gì?
Theo một số cán bộ xã Thanh Ngọc thì nhà máy sắn Thanh Chương đã nhiều lần xả thải trộm ra môi trường, cụ thể là ra sông Rào Gang. Hành động xả thải trộm này là có chủ ý nên nhà máy thường lợi dụng những hôm mưa to để tiến hành.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Đạt, Bí thư Huyện ủy Thanh Chương, cho biết: Về việc nhà máy sắn gây ô nhiễm có hai vấn đề đặt ra đó là mùi hôi thối và nước thải.
Người dân trình bày nỗi bức xúc cũng với phóng viên
Thứ nhất, khi xử lý thải ra làm cho nước trên sông Rào Gang có màu và huyện đã trực tiếp làm việc với nhà máy. Thứ hai, mùi hôi thối thời gian trước đã có giảm, nhưng đặc biệt thời gian gần đây lại bốc lên nồng nặc. Huyện cũng đã giao cho nhà máy phải xử lý. Hiện tượng nước ngấm vào một số hộ gia đình gây ô nhiễm là có. Còn người dân phản ánh việc một số người bị bệnh thì huyện chưa nghe, cũng chưa thấy dân phản ánh.
Cũng theo ông Đạt thì thái độ của huyện là rất cương quyết trong việc làm sạch môi trường. Khi được hỏi nhà máy này có bao nhiêu hồ xử lý nước thải thì ông bảo ông không biết….
Về phía nhà máy sắn, ông Trần Quốc Hoàn - Giám đốc nhà máy - cho biết: “Vấn đề ảnh hưởng đến môi trường là có. Tôi công nhận có ảnh hưởng. Nhưng làm thế nào để xử lý ảnh hưởng này có hiệu quả, đó là xây dựng nhá máy xử lý nước thải….”. ông Hoàn tự hào: “Tôi là đơn vị đi tiên phong trong việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho nhà máy sắn đầu tiên tại Việt Nam. Hiện đang thi công và dự kiến đến khoảng tháng 9/2009 sẽ hoàn thành. Với công suất sẽ xử lý được 30.000 tấn sản phẩm tinh bột sắn/năm tương đương 700 tấn củ/ngày…”.
Hầu hết trẻ em ở xóm Ngọc Mỹ đang đối mặt với ô nhiễm từ nhà máy sắn.
Chúng tôi hỏi có hay không việc nhà máy lợi dụng trời mưa to để xả thải ra môi trường, ông Hoàn bảo đó là do người dân cường điệu. Còn việc một số hộ dân có nước giếng bị ô nhiễm đã hơn 3 năm nay? Ông Hoàn lớn giọng: “Không có việc đó, chúng tôi cùng Phòng, Sở TN&MT đã đích thân đi kiểm tra từng hộ gia đình một. Tôi cam đoan rằng không có chuyện đó”.
Ông Hoàn không giấu vẻ tự hào rằng mình là một trong số ít giám đốc nhà máy tinh bột sắn là kỹ sư thiết bị công nghệ nên đầu tư rất nhiều thời gian vào công trình xử lý nước thải. Có điều công trình mới đang thi công, bao giờ xong thì chưa biết.
Hồ chứa này chứa chất thải từ nhà máy, bề mặt dưới và hai bên bờ chỉ được phủ những lớp bạt ni lông mỏng…
Nên nước theo đó ngấm qua lòng đất, tràn xuống nhà dân ở quanh khu vực nhà máy
Làm cho hàng trăm cây keo của nhân dân bị chết khô
và nguồn nước ăn bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Những cây lục bình nhà máy nuôi để giảm thiểu ô nhiễm cũng đã bị chết cháy khô
Cũng chính từ hồ này, nước ngấm qua một con bờ nhỏ với những dòng nước đèn ngòm chảy ra sông Rào Gang
Còn đây là dòng nước thải trực tiếp ra hồ thứ 8
Nước thải xử lý chưa đạt chuẩn vẫn vô tư chảy ra hồ thứ 8
Hồ thứ 8 này nằm sát ngay cạnh sông Rào Gang. Hồ rộng hơn 3 ha, chứa hàng trăm m3 nước thải. Theo cán bộ xã Thanh Ngọc, chỉ cần một trận mưa lớn, nước thải trong hồ sẽ lênh láng khắp nơi.