1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bức điện hỏa tốc

(Dân trí) - <i>“Hỏa tốc - Chính phủ Sài Gòn đầu hàng”</i> - Chiến tranh đã kết thúc. Hòa bình đã về với đất nước đã chịu quá nhiều đau khổ. Lúc này chúng ta có thể tạm ngừng mọi công việc để chúc mừng hòa bình, chúc mừng bức điện hỏa tốc đặc biệt này.

Văn phòng UPI đặt tại tầng 7 khách sạn Bán Đảo, sếp văn phòng Alăng Daosơn đứng ngoài hành lang, dáng vẻ phấn chấn, nôn nao khác thường. Anh chăm chú theo dõi hàng đàn máy bay trực thăng khổng lồ, có lẽ có tới sáu, bảy chục chiếc, ầm ầm bay tới bay đi. Chúng từ biển Đông vào Sài Gòn, bốc những người Mỹ di tản và những người cộng tác với Mỹ đang tập trung trên mái bằng của 13 tòa nhà cao tầng nằm rải rác trên đường phố Sài Gòn, đưa họ ra các tuần dương hạm đậu ngoài biển theo phương án của cuộc hành quân “cơn lốc”.

 

Cuộc hành quân mang mật danh “cơn lốc” bắt đầu thử nghiệm vào đêm 20/4/1975. Sáng ngày 21/4/1975, tuyến phòng thủ cuối cùng ở Xuân Lộc sụp đổ. Cửa Đông Nam Sài Gòn bỏ ngỏ. Lập tức cuộc hành quân “cơn lốc” triển khai với quy mô lớn, có 60 máy bay vận tải khổng lồ C.130 - C.141 và hàng trăm máy bay khác tham gia. Tướng Xmít nói với nhân viên dưới quyền khi tiễn đưa họ di tản: “Các bạn đã biết, thế là hết. Tôi biết thế là hết”.
 
Bức điện hỏa tốc - 1

(Ảnh tư liệu)

 

Chiều 28/4/1975, quân giải phóng dùng máy bay F5 chiếm được của Mỹ oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất, không khí hoảng loạn tăng lên. Tướng Xmít, Pônga phụ trách chi nhánh CIA tại Sài Gòn, Mácbốt, Luman Phó đại sứ Mỹ đề nghị đại sứ Matin cho thực hiện phương án 4. Matin khăng khăng cho rằng dùng máy bay lên thẳng (phương án 4) lúc này chưa cần thiết, chỉ làm mất vinh dự người Mỹ mà thôi. Khốn nỗi, thực tế lại phũ phàng đối với tình cảm và sự tính toán của viên đại sứ già...

 

Ba giờ sáng ngày 29/4/1975, pháo tầm xa của quân giải phóng bắn tới tấp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đường bay bị bóc, nhà để máy bay tan nát, cơ quan DAO trúng đạn, tướng Xmít và Mácbốt bị hơi nổ quật ngã suýt chết, hai hạ sĩ quan thủy quân lục chiến MácMahon và Giót trúng đạn chết ngay tại chỗ. Sân bay Tân Sơn Nhất bị khóa, đó là giới hạn cuối cùng, là mệnh lệnh “người Mỹ cút nhanh nếu không muốn mang số phận tù binh chiến tranh”. Viên đại sứ ngoan cố không tin, bắt tướng Xmít cùng mình ngồi xe có trang bị chắn đạn ra Tân Sơn Nhất, thị sát tại chỗ, sân bay vẫn đang còn trong thảm họa. Tiếng súng lớn, súng nhỏ ran ran khắp nơi, nhiều đám cháy không được cứu chữa thả sức tung cao ngọn lửa, nhiều đoạn đường bay bị bóc tung lên, một chiếc F5B của Sài Gòn buộc phải hạ cánh cấp tốc chềnh ềnh giữa đường bay, phi công sợ quá đã bỏ máy bay mà chạy tháo thân. Hai chiếc C.130 bay đến nhưng không có đường băng hạ cánh đành ngóc đầu bay đi. Matin ủ rũ quay về sứ quán, đành chọn giải pháp cuối cùng thực hiện phương án 4 của cuộc hành quân, một phương án có thể gọi nôm na là “chuồn cho nhanh”.

 

Sự kiện này khiến cả văn phòng UPI nhộn nhịp, khẩn trương hẳn lên. Các máy móc, thiết bị kỹ thuật thông tin liên tục làm việc. Các phóng viên hối hả đến, hối hả đi: các nhân viên kỹ thuật nghiệp vụ cặm cụi bên máy thu, máy phát, máy têlêtíp... Im lặng - Im lặng, chỉ có tiếng vận hành của máy là nghe rõ, 5 giờ sáng ngày 30/4/1975, bộ phận đài nhận được bức điện: “Phu nhân Lêdi đã lên không trung với Cóttu”. A lạy chúa! Lêdi 09 là mật danh máy bay lên thẳng chở Matin, Cóttu là bí danh của Matin. Vậy là... Mỹ đã rời bỏ cuộc chơi, các phóng viên mang nét mặt quan trọng hối hả đến rồi với nét mặt bồn chồn khẩn trương ra đi. Họ đi lùng tin, đón tin... để ngay lập tức chuyển  về đại bản doanh của họ ở bên kia đại dương hoặc châu lục địa nào đó với những tin tức đáng giá bằng chính tính mạng của họ.

 

Thế là đã rõ. Mọi người trong văn phòng UPI đều cùng một ý nghĩ như vậy, họ chỉ ngồi chờ lời tuyên bố được chính thức tuyên bố trên Đài phát thanh. Một sự kiện trọng đại sắp xảy ra, Alăng Daosơn dang rộng hai cánh tay như muốn hỏi các bạn đồng nghiệp: Các bạn có hiểu tầm quan trọng của sự kiện sắp xảy ra sẽ dẫn tới điều gì trên hành tinh không? Hàng triệu, hàng tỷ người trên khắp hành tinh đang nín thở chờ nghe tin tức của sự kiện này. Một mẩu tin được ưu tiên bậc nhất. Một mẩu tin được gửi đi bằng “bức điện hỏa tốc”. Máy sẽ reo lên 10 lần dấu hiệu (K) dấu hiệu này tới máy nào khiến nhân viên trực máy ấy xốn xang, họ lập tức gạt ngay mọi làn sóng họ đang tiếp nhận hoặc gửi đi để đón nhận tần số K dẫn tới - các hãng thông tấn Mỹ, chỉ mới phát một “bức điện hỏa tốc” khi xảy ra sự kiện Tổng thống Kennơdi bị ám sát. 

 

Hôm nay, ở Sài Gòn này, trong khoảnh khắc thiêng liêng sắp tới nào đó, chỉ họ và chính họ, những phóng viên hãng UPI gửi đi “bức điện hỏa tốc” thứ hai của nước Mỹ. Làn sóng điện của máy têlêtíp của hãng UPI tại Sài  Gòn sẽ tung lên không gian một tần số quen thuộc nhưng vô cùng hấp dẫn. Rồi chừng 40 giây sau, chuông của 7.700 máy têlêtíp khắp trên hành tinh sẽ reo lên 10 lần, những nhân viên kỹ thuật của 7.500 cơ sở hồi hộp, nín thở  tiếp nhận  các tín hiệu. Rồi hàng triệu, hàng tỷ người trên hành tinh nín thở lắng nghe, lắng nghe... Lạy Chúa!

 

Bất chợt, một phóng viên cất tiếng phá tan sự im lặng thiêng liêng.

 

- Nếu bức điện hỏa tốc chưa gửi đi hết mà một Việt cộng xộc vào tay lăm lăm khẩu súng AK thì tính sao?

 

Alăng Daosơn thản nhiên trả lời, hầu như anh đã dự tính mọi tình huống có thể xảy ra:

 

- Chúng ta sẽ đứng lên xếp thành hàng ngang, làm thành bức tường bảo vệ cậu đánh têlêtíp, và làm như Acsimét xưa kia. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta đã cân nhắc mọi lẽ nếu xảy ra rủi ro ngoài dự kiến, chúng ta sẽ chấp nhận. Nhưng, không có thì giờ bàn chuyện dông dài, các bạn cho máy luôn ở tư thế sẵn sàng làm việc.

 

Văn phòng trở lại im lặng, các máy ghi âm đã bấm nút đèn hiện ở máy Thu thanh do Pônvôn điều khiển nhấp nháy, chỉ có tiếng lách tách từ 3 chiếc máy têlêtíp là vẫn điều đặn tung lên không gian những bản tin mới.

 

Bỗng Pônvôn kêu lên:

 

- Tướng Minh bắt đầu nói. Tổng thống nói dài, nhưng điều cơ bản nhất đã rõ. Alăng Daosơn bước lại đứng sau người nhân viên đánh máy, bức điện hỏa tốc hiện dần thành văn bản.

 

            Zczc. VHAo25, NX1

            BBHUPI NTDNSE

            Zcz NVN

 

            Hỏa tốc

            Sài Gòn -  Chính phủ Sài Gòn đầu hàng.

            Zczc MNVN

 

Alăng Daosơn cầm bức điện giao cho nhân viên người Việt Nam điều khiển têlêtíp tốt nhất để chuyển đi. Anh nhân viên người Việt Nam sững sờ khi đọc hết bức điện, rồi khẩn trương thận trọng gõ vào máy. Bức điện hỏa tốc được đánh nhắc lại ba lần để tránh mọi sự nhầm lẫn hoặc giả mạo.

 

Tất cả lặng người vì giây phút trọng đại nhất của nghề nghiệp phóng viên chiến tranh vừa diễn ra.

 

Alăng Daosơn phá tan sự im lặng:

 

- Cảm ơn chúa! Chiến tranh đã kết thúc. Hòa bình đã về với đất nước đã chịu quá nhiều đau khổ. Lúc này chúng ta có thể tạm ngừng chốc lát mọi công việc, để ra quầy rượu chúc mừng hòa bình, chúc mừng sự nghiệp vẻ vang của phóng viên chiến tranh vì đã đánh bức điện hỏa tốc đến khắp châu lục để mọi người biết được bản tin đặc biệt này.

 

Phạm Thành Nghi(cung cấp tư liệu)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm