1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bức bối với "mê hồn trận" kẹt xe, ngập nước!

(Dân trí) - Nghị trường ngày thứ hai của Kỳ họp thứ 12 HĐND TPHCM khoá VII "sôi lên" trước những câu hỏi chất vấn của đại biểu, cử tri. Trên bàn nghị sự, các đại biểu dành gần một ngày để “mổ xẻ” những vấn đề cấp bách về kẹt xe, ngập nước và ô nhiễm môi trường.

Kẹt xe, không “kẹt” về giải pháp

 

Mở đầu buổi chất vấn, bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch HĐND TPHCM - người chủ trì cuộc họp cho biết đã nhận rất nhiều ý kiến gởi gắm mong giải quyết tình trạng ngập nước, kẹt xe triền miên trên địa bàn Thành phố trong kỳ họp này. Bà Phạm Phương Thảo cho rằng đã có rất nhiều ý kiến đóng góp cũng như những giải pháp thiết thực để giải quyết vấn nạn này: “Chúng ta không kẹt về giải pháp, chỉ có điều phải xem xét để lựa chọn cái nào ưu tiên làm trước và cái nào để làm sau mà thôi”.

 

Ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở Giao thông công chính bị các đại biểu “quần” nguyên một buổi sáng về vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông và cấp thoát nước.

 

Đại biểu Phạm Minh Trí (quận Phú Nhuận) cho rằng: “Giải pháp về ùn tắc giao thông đã “sáng ra” chứ không hề bế tắc. Có những quy hoạch mang tính chất sắc sảo nhưng ta lại làm chậm trễ”.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Hiên (quận 1) phản đối giải pháp biến đường 2 chiều thành một chiều. “Khi biến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần từ 2 chiều thành đường 1 chiều, vô hình chung đã tạo “một áp lực” lên đường Điện Biên Phủ. Nên trả lại tuyến 2 chiều trên đường Võ Văn Tần, Trần Quốc Thảo, Lê Quý Đôn”.

 

Một số ý kiến cho rằng, nên triển khai ngay việc bố trí thời gian lệch giữa tín hiệu đèn giao thông tại các ngã tư, giao lộ…

 

Đại biểu Dương Vũ Lâm (quận 6) bức xúc khi ngày càng có nhiều công trình chồng chéo, tiến độ thi công “rùa”…

 

Bức bối với "mê hồn trận" kẹt xe, ngập nước! - 1
 Theo đại biểu Nguyễn Minh Hương (quận Thủ Đức) thì phương pháp bố trí lệch giờ học, giờ làm chưa mang tính khoa học: “Con tôi 6 giờ 45 đi học, tôi thì 8 giờ mới đi làm. Sau khi đưa con đến lớp, trong thời gian chờ đến giờ làm của mình chẳng lẽ tôi lại vào quán cà phê ngồi hay long nhong ngoài đường hay sao? Mà số lượng người long nhong nhiều tất yếu dẫn đến kẹt xe”.

 

Đại biểu Lâm Đình Chiến (quận 10) đề xuất tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông, dân quân và đoàn viên… vào việc điều hoà giao thông. Đại biểu Lâm cũng gợi ý nên học hỏi theo cách của Thượng Hải (Trung Quốc), có đèn tín hiệu đầu đường, đèn xanh báo hiệu đường thông thoáng, đèn vàng báo hiệu có kẹt xe, còn đèn đỏ là dấu hiệu tắc đường. Có như vậy người tham gia giao thông biết mà quay trở lại chứ không để sa vào “mê hồn trận” của kẹt xe.

 

Đại biểu Võ Văn Sen (quận Gò Vấp) cho rằng một trong những nguyên nhân xảy ra ùn tắc giao thông là sự lưu thông của xe honda, xe gắn máy trong nội thành quá lớn. “Chúng ta phải biết vượt qua sức ép của dư luận để “tuyên chiến” dần với xe gắn máy”.

 

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Minh Trí đã phản ứng quyết liệt với giải pháp này: “Xe honda là nhu cầu đi lại, mưu sinh của người dân. Chúng ta không thể cấm nhu cầu chính đáng của người dân trong khi chưa tình ra giải pháp. Chúng ta nên ưu tiên việc giáo dục ý thức giao thông trong mỗi con người” - đại biểu Trí khẳng định.

 

Ngập nước, ô nhiễm: Xử lý cách nào?

 

Trong ngày, có 3 Giám đốc Sở ngành trả lời chất vấn. Có đến 42 đại biểu chất vấn trực tiếp, 150 câu hỏi của cử tri và 50 thư điện tử, thư tay gửi qua đường bưu điện để chất vấn kỳ họp. Trong đó, các câu hỏi xoay quanh vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước, vấn đề xử lý chất thải… đây là những vấn đề khiến chất lượng của cuộc sống người dân trong thành phố giảm sút.

Chiều cùng ngày, đến phiên Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Nguyễn Phước Thảo và Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đào Anh Kiệt trả lời chất vấn. Các câu hỏi đánh thẳng vào vấn đề ngập nước và vấn nạn ô nhiễm môi trường sống.

 

TPHCM hiện có 285 tuyến kênh rạch chưa có cơ quan quản lý. Việc san lấp kênh rạch một cách tuỳ tiện, vô tội vạ dẫn đến tình trạng ngập úng, vỡ đê bao và phát sinh nhiều điểm ngập mới.

 

Tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn nước ở kênh Ba Đò (người dân thường gọi là dòng kênh thối), hiện tượng lá mất màu xanh,  việc trồng rau an toàn, chất thải tại các bệnh viện… cũng đang được các đại biểu hết sức quan tâm và chất vấn.

 

UBND TP đề nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị chậm trễ trong xây dựng, xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp.

 

UBND cũng đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn môi trường phải báo cáo. Các ban ngành cũng nên hướng dẫn, tăng cường kiểm tra, xử lý những cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải vào đầu năm 2008.

 

Cần một tầm nhìn dài hạn

 

Đại biểu Dương Vũ Lâm (quận 6) nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thành phố nhanh nhất trong 10 năm qua, nhưng người dân vẫn không vui vì còn đó vấn nạn kẹt xe, ngập nước… Ông Lâm phê phán sự quản lý chưa chặt chẽ và thiếu tính đồng bộ giữa các ban ngành.

 

Còn đại biểu Phạm Minh Trí thẳng thắn: “Phải nhìn nhận thẳng những sai sót, chúng ta đã thiếu một tầm nhìn. Không nên để nước đến trôn rồi mới nhảy”.

 

Các đại biểu đều đồng tình với những giải pháp dài hạn về việc giải quyết tình trạng kẹt xe đến năm 2010. Đồng thời, đại biểu cũng yêu cầu khẩn trương xây dựng 6 tuyến metro và 3 đường vành đai chứ không thể để dự án nằm trên giấy. Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang (Thủ Đức) bức xúc: “Tôi không hiểu việc trong tầm tay mà ta cứ mãi chần chừ. Phải dự đoán chính xác dân số trong 5 năm hay 10 năm tới để có biện pháp khả thi về giải quyết kẹt xe”.

 

Phó chủ tịch Thành phố Nguyễn Hữu Tín cho rằng, bài toán quy hoạch tổng thể không phải ngày một ngày hai là làm xong được. “Nghịch lý ở chỗ, chúng ta cứ muốn tăng trưởng kinh tế mà không chịu phát triển cơ sở hạ tầng. Các vấn đề ách tắc giao thông, ngập nước, môi trường, phải giải quyết đồng bộ. Phải có một lộ trình cũng như đề án bài toán về dân số…. UBND thành phố sẽ tập trung đeo bám những vấn đề căn cơ lâu dài và những vấn đề trước mắt; Sẽ kiến nghị với Trung ương, Quốc hội về những ý kiến, đề xuất mà các đại biểu đã đề ra trong kỳ họp lần này”.

 

Ngày mai (06/12), các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận các vấn đề về phát triển kinh tế và HĐND nghe báo cáo kết quả của kỳ họp Quốc hội.  

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm