1. Dòng sự kiện:
  2. Bão Wipha (cơn bão số 3)
  3. Hà Nội cấm xe máy chạy xăng

Bốn người mất tích, hàng nghìn nhà dân bị ngập trong trận lũ dị thường

Nhóm phóng viên miền Trung

(Dân trí) - Tính đến chiều 13/6, mưa lũ tại miền Trung đã làm 4 người mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước.

Tại Hà Tĩnh, trong 6 tiếng (từ 1h đến 7h ngày 13/6), các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Đặc biệt, do mưa lớn, trên địa bàn phường Kỳ Long (thị xã Kỳ Anh) bị ngập sâu cục bộ.

Công an đã cắt cử lực lượng phân luồng giao thông, cắm biển cảnh báo nơi ngập sâu nguy hiểm và hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc lên cao.

Bốn người mất tích, hàng nghìn nhà dân bị ngập trong trận lũ dị thường - 1

Mưa lớn gây ngập lụt cục bộ tại phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh (Ảnh: Văn Nguyễn).

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cảnh báo, mưa lớn có thể gây lũ quét, sạt lở đất vùng đồi núi, ven các sông suối; ngập úng vùng thấp trũng và các đô thị.

Đến chiều 13/6, theo ghi nhận, lượng mưa tại một số địa phương của Hà Tĩnh đã giảm.

Tại Quảng Bình, đến chiều 13/6, lượng mưa đã giảm so với sáng cùng ngày, mực nước trên các sông tại địa bàn tỉnh này đang xuống chậm. 

Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình, mưa lớn 2 ngày qua dù chưa ảnh hưởng lớn đến các khu dân cư nhưng đã gây ngập nhiều ngầm tràn, chia cắt các tuyến đường, một số nơi bị sạt lở đất gây ách tắc giao thông.

Bốn người mất tích, hàng nghìn nhà dân bị ngập trong trận lũ dị thường - 2

Mưa lớn gây ngập đường tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).

Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại nặng trong sản xuất nông nghiệp với 18.000ha lúa.

Đặc biệt, mưa lũ đã khiến 4 người dân Quảng Bình mất tích. Cơ quan chức năng và người dân địa phương đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân.

Đến chiều 13/6, tại Quảng Trị mưa vẫn tiếp diễn, mực nước trên các sông như Thạch Hãn, Ô Lâu ở mức dưới báo động 3; lũ hạ lưu sông Bến Hải và sông Hiếu dao động mức báo động 1 đến báo động 2 và đang rút dần.

Hiện nay, tình trạng ngập lụt ở vùng hạ lưu các sông tiếp tục diễn biến phức tạp. Hàng nghìn nhà dân và nhiều khu dân cư ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị đang trong tình trạng ngập nước.

Bốn người mất tích, hàng nghìn nhà dân bị ngập trong trận lũ dị thường - 3

Nhiều nhà dân tại Quảng Trị bị ngập nước do mưa lũ (Ảnh: Nhật Anh).

Mưa lũ những ngày qua cũng gây ngập nhiều ngầm tràn, chia cắt một số tuyến đường ở các huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Trên đường Hồ Chí Minh, nhánh Tây có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, giao thông ách tắc.

Theo thống kê, mưa lũ những ngày qua ở Quảng Trị tuy chưa gây thiệt hại về người nhưng đã gây ngập úng gần 20.000ha lúa; 100ha nuôi trồng thủy sản và nhiều diện tích cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng.

Chính quyền các địa phương tại Quảng Trị đã di dời khẩn cấp gần 500 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Huế, trong 24 giờ qua, trên địa bàn đã xảy ra mưa rất to, mưa đặc biệt to. Lượng mưa từ ngày 12 đến 13/6 phổ biến 200-400mm, có một số nơi cao hơn như Hương Phú 452mm, Bạch Mã 486mm, Hồng Vân 526mm.

Đến chiều 13/6, tại thành phố Huế tiếp tục mưa vừa, tổng lượng mưa tại các địa phương phổ biến 30-60mm, có nơi trên 80mm; theo dự báo, ngày 14/6 mưa sẽ giảm dần và kết thúc đợt mưa lớn này.

Bốn người mất tích, hàng nghìn nhà dân bị ngập trong trận lũ dị thường - 4

Các vùng trũng thấp ở thành phố Huế vẫn đang ngập sâu (Ảnh: Vi Thảo).

Theo cơ quan chức năng, mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ. Những địa bàn có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên sườn dốc cao nhất tại huyện A Lưới, Phú Lộc, các thị xã Phong Điền, Hương Thủy, Hương Trà.

Tính đến chiều 13/6, nước lũ trên các sông lớn tại Huế vẫn ở mức cao, ngập lụt trên diện rộng tại nhiều địa bàn tiếp diễn.

Tại thành phố Đà Nẵng, chiều 13/6, mưa đã giảm, nước cũng rút tại hầu hết các khu vực ảnh hưởng bởi đợt lũ trái mùa do cơn bão số 1 gây ra. Tuy nhiên, nước sông dâng cao khiến khu vực đập An Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) chịu áp lực của dòng chảy mạnh, kéo theo đó là các lồng bè nuôi trồng thủy sản hư hỏng đổ về, mắc kẹt tại đập.

Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng cho biết đã huy động gần 180 cán bộ, chiến sĩ gồm lực lượng bộ đội thường trực và dân quân tự vệ để trục vớt hàng chục lồng bè cá mắc kẹt tại khu vực đập này.

Bốn người mất tích, hàng nghìn nhà dân bị ngập trong trận lũ dị thường - 5

Lồng bè nuôi cá mắc kẹt tại đập An Trạch, thành phố Đà Nẵng ( Ảnh: Hoài Sơn).

Ghi nhận tại hiện trường, các lồng bè bị cuốn trôi tới chắn ngang khoảng một nửa mặt đập, che kín 6 khoang xả nước với chiều dài lên tới 35m, khiến dòng chảy bị cản trở, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.

Đến chiều 13/6, cơ bản công tác trục vớt đã hoàn thành. Lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết và mực nước tại các khu vực trọng điểm, để triển khai lực lượng hỗ trợ địa phương ứng phó trong mọi tình huống bất ngờ phát sinh.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, đến chiều cùng ngày, mưa đã tạnh, thi thoảng có mưa nhỏ. Địa phương này có gần 17.000ha diện tích cây lúa và hoa màu bị ngập, trong đó, diện tích lúa nước bị ngập nặng nhất với gần 16.000ha.

Về nhà ở, có 725 nhà dân ở các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Hồng... thuộc huyện Đại Lộc bị ngập dưới 1m. Về gia súc, gia cầm của người dân thiệt hại không đáng kể. Rất may, trận mưa lũ vừa qua, tỉnh Quảng Nam không có thiệt hại về người.

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, chiều 13/6, nước trên các sông của tỉnh này đang rút, đỉnh lũ trên các sông Vu Gia, Thu Bồn dưới báo động 1.

Trưa 13/6, bão số 1 (tên quốc tế là bão Wutip) đã mạnh lên cấp 11, giật cấp 14 hoạt động trên vùng biển phía Tây Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết trưa 13/6, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 18,4 độ vĩ Bắc, 108,5 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14. Bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ 10-15km/h.

Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định trong 24-48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc sau chuyển hướng Bắc Đông Bắc và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Theo ông Khiêm, do ảnh hưởng của triều cường và nước dâng do bão, vùng biển Hải Phòng - Nghệ An có khả năng xuất hiện mực nước biển cao (Hòn Dấu: 3,9m, Hòn Ngư: 2,8m) gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông trong khoảng thời gian 17-19h ngày 13 và 14/6.

Trên đất liền, từ trưa và chiều 13/6, vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; vùng ven biển Thái Bình - Nam Định có gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6-7.

Cơ quan khí tượng thủy văn cho biết ngày 13/6, khu vực từ Quảng Bình đến Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 200mm; khu vực Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, từ Đà Nẵng đến Quảng Nam và Kon Tum có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 100mm.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở 8 tỉnh, thành với hơn 380 xã thuộc các tỉnh ở miền Trung, trong đó riêng Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2/5.

Tại Quảng Trị, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở mức rất cao tại các huyện Cam Lộ, Đakrông, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong, Quảng Trị, Vĩnh Linh. Tại thành phố Huế có các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phú Xuân, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền. Tại thành phố Đà Nẵng có Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Sơn Trà.

Nhiều huyện tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum cũng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.