1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bồi thường oan sai vẫn còn... sai

(Dân trí) - Dự kiến cuối năm 2009, Quốc hội sẽ thông qua Luật Bồi thường Nhà nước (BTNN) và Cục Bồi thường Nhà nước sẽ được thành lập. Đây thực sự là mối quan tâm rất lớn trong dư luận bởi cho đến thời điểm này, việc bồi thường oan sai của các cơ quan tố tụng vẫn còn sai rất nhiều.

Lỗi to, bồi thường quá nhỏ

Vụ việc bồi thường cho ông Hoàng Minh Tiến là một điển hình. VKSND TP Hà Nội đã thừa nhận có sai phạm với ông Tiến và phải bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, khi ông Tiến yêu cầu bồi thường 4 tỷ đồng cho 13 khoản thiệt hại thì qua thương lượng VKSND Hà Nội chỉ chấp nhận bồi thường 27,9 triệu đồng về tinh thần cho 403 ngày tạm giam của ông Tiến. Còn lại tất cả các khoản thiệt hại khác đều bị VKSND Hà Nội bác bỏ.

Một vụ khác là vụ án hình sự oan đối với ông Lương Ngọc Phi - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thanh Phong. Năm 1999, TAND tỉnh Thải Bình xét xử sơ thẩm tuyên ông Phi 17 năm tù giam về tội “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản XHCN” và tội “trốn thuế”.

Đến năm 2000, TAND tối cao xử phúc thẩm tuyên ông Phi không phạm tội. Ông Phi đã liên tục làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nhưng đến tận 13/6/2006, TAND tỉnh Thái Bình mới tổ chức xin lỗi công khai ông Phi.

Nhưng có lẽ điển hình nhất là 3 trường hợp bị oan từ phía các cơ quan tư pháp của bộ quốc phòng. Theo ông Hoàng Công Huấn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đó là các vụ Vũ Thị Vân bị khởi tố bắt tạm giam về tội "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí phương tiện kỹ thuật quân sự". Viện kiểm sát quân sự Quân khu 7 đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm.

Vụ thứ hai là vụ Dương Mình Đỉnh bị khởi tố tháng 1/2003 về tội giết người bị tạm giam 8 tháng. Ngày 30/1/2004 Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng đình chỉ điều tra.

Vụ thứ ba là vụ Nguyễn Văn Thông bị khởi tố năm 2003 về tội "Làm mất phương tiện kỹ thuật quân sự". Cơ quan điều tra đã đình chỉ vào tháng 3/2004. Tuy nhiên, cả ba trường hợp trên đều chưa được cơ quan thi hành án bồi thường!

Rất cần một bộ luật có tính khả thi

Theo các chuyên gia pháp luật, nhiều văn bản pháp luật Việt Nam hiện nay, trong đó phải kể đến NQ388 là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước gây ra.

Tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi còn rất hạn chế, hay nói cách khác là những người bị oan sai vẫn không được bồi thường chính đáng. Vậy, để luật BTNN mang tính khả thi cần phải đáp ứng những yêu cầu gì?

PGS.TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp: Phải qui định rõ trách nhiệm với trường hợp oan sai

Đó là việc qui định rõ trách nhiệm BTNN trong tố tụng hình sự.

Đối với những trường hợp oan sai thì kể từ thời điểm người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam được cơ quan điều tra chấm dứt điều tra, VKS rút quyết định truy tố, toà án tuyên là vô tội hoặc tuyên một tội danh khác có mức hình phạt nhẹ hơn thì sẽ được bồi thường theo mức đã được Luật ấn định.

Việc này không cần phải thông qua thương lượng hay khởi kiện ra toà. Còn nếu người bị thiệt hại cho rằng việc đền bù là chưa thoả đáng thì có thể kiện ra toà án theo các quy định khác của Luật BTNN.

Th.S Hoàng Công Huấn, Vụ 1B, Viện KSND Tối cao: Khôi phục danh dự cho người bị oan là vấn đề đặt lên hàng đầu

Luật BTNN trong lĩnh vực hình sự cần nghiên cứu kỹ về phạm vi áp dụng. Vì phạm vi điều chỉnh của Luật này đang “mở” sang lĩnh vực hành chính rất nhạy cảm, các văn bản pháp luật chưa đồng bộ.

Do vậy, xây dựng Luật phải chú ý các lĩnh vực kinh tế, hình sự để xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan phải bồi thường. Luật cần phải tính đến cái tổng thể, chứ không phải cứ có thiệt hại là bồi thường.

Theo tinh thần NQ 388 thì khôi phục danh dự người bị oan đặt lên hàng đầu. Qua thực tiễn, nhiều trường hợp được khôi phục danh dự, nhân phẩm, người ta không cần phải bồi thường bằng vật chất.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp: Khó khăn nhất của Luật BTNN là khả năng áp dụng thực tế

Khi xây dựng Luật này, hạn chế lớn nhất chính là hệ thống pháp luật của chúng ta thiếu thống nhất và khả năng áp dụng thực tế của Luật này rất khó khăn, làm sao phải đảm bảo hài hoà giữa lợi ích Nhà nước và công dân.

Để đảm bảo tính khả thi cần tính đến điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể của Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chúng ta mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật như mong đợi của đại đa số nhân dân, sẽ tạo sức ép lớn cho Nhà nước và không có tính khả thi. Do vậy, chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu tính phù hợp.

Lan Hương