1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bồi thường án oan sai: “Không thể để quýt làm cam chịu!”

(Dân trí) - “Để xảy ra oan sai thì cá nhân phải chịu ít nhất một phần trách nhiệm chứ không thể cá nhân làm sai rồi lại dùng tiền ngân sách nhà nước để bồi thường. Nếu cá nhân làm oan sai, phải bỏ ra 50% tổng số tiền bồi người cho người bị oan sai”.

Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 9/6.

Thưa ông, vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn khiến nhà nước phải bỏ tiền ngân sách ra bồi thường 7,2 tỷ đồng. Ông có cho rằng đây là việc “quýt làm nhưng cam phải chịu”?

Để xảy ra oan sai thì cá nhân phải chịu ít nhất một phần trách nhiệm chứ không thể cá nhân làm sai rồi lại dùng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền của tổ chức hoặc cơ quan đó để bồi thường. Theo tôi, chừng nào làm được như thế thì cá nhân mới có trách nhiệm cao hơn, tình hình oan sai mới đỡ hơn, còn nếu làm oan sai nhưng có người khác chịu rồi, có người khác bồi thường thay rồi thì điều đó hoàn toàn không nên.

Nếu như các văn bản pháp luật chưa quy định đầy đủ như thế thì phải sửa văn bản pháp luật để cho phù hợp hơn, tốt hơn, nếu cá nhân hoặc tổ chức nào đó làm sai thì cá nhân làm oan sai phải bỏ ra 50% tổng số tiền bồi người cho người bị oan sai, tôi cho rằng như thế mới hợp lí.

Ít nhất cá nhân làm oan sai sẽ phải chịu trách nhiệm và có cơ sở này cá nhân sẽ phải rất thận trọng khi quyết định vấn đề nào đó trong quá trình tố tụng.

Từ năm 2012-2014, tòa án nhân dân các cấp đã nhận được 22 đơn yêu cầu về bồi thường, trong đó xử lý 13/19 đơn và rất nhiều tỷ đồng đã được bồi thường. Pháp luật đã quy định cá nhân bồi thường một phần nhưng nhiều tỷ đồng nói trên đều lấy từ ngân sách và chưa có cá nhân nào phải bỏ tiền ra để bồi thường oan sai. Theo ông vì sao lại có chuyện như thế?

Tôi cho rằng do văn bản hướng dẫn về cá nhân phải bồi thường một phần trách nhiệm do chính mình gây ra chưa đầy đủ. Vì xảy ra án oan sai không thể do tập thể được, ít nhất là phải do một cá nhân nào đó, như: người điều tra viên, kiểm soát viên, thẩm phán, cũng có thể do người đứng đầu của các cơ quan đó…

Bồi thường án oan sai: “Không thể để quýt làm cam chịu!”
Đại biểu Lê Như Tiến: "Nếu cá nhân làm oan sai phải bỏ ra 50% tổng số tiền bồi người cho người bị oan sai" (ảnh: Ngọc Châu)

Dù xét về mặt nào thì cũng phải có yếu tố cá nhân trong việc chịu trách nhiệm bồi thường do xử oan sai trong quá trình tố tụng, vì vậy tôi đề nghị phải gắn trách nhiệm cá nhân vào việc bồi thường cho người bị oan sai, nếu không người ta vẫn có có thể làm vô trách nhiệm do có cơ quan tổ chức bồi thường thay cho cá nhân gây ra oan sai, như thế thật là không đúng.

Bị oan sai rồi được đền bù tiền bồi thường là đương nhiên, nhưng đằng sau khoản tiền đó còn nhiều nỗi trăn trở từ người chịu oan sai. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Với người bị oan sai, lâu nay chúng ta chỉ nói là bỏ một số tiền ra bồi thường là xong, nhưng hình dung được cái đáng lo ngại hơn là danh dự, nhân phẩm, sự chấn động về tâm lý của người bị oan sai, trong những năm dài dằng dặc bị tù đày thì vợ con, dòng tộc của họ như thế nào thì không tiền bạc nào có thể đền bù được.

Việc cá nhân gây ra oan sai nhưng nhà nước phải đứng ra gánh chịu, có ý kiến cho rằng đó là chuyện “con dại cái mang”, ông bình luận như thế nào về việc này?

Con dại cái mang đó là nói với những người chưa có hành vi, chưa có năng lực pháp luật, còn ở độ tuổi vị thành niên. Còn ở đây là góc độ một công chức, một kiểm soát viên, một thanh tra viên, điều tra viên hay một thẩm phán thì không thể nói là con dại cái mang. Cá nhân gây ra họa cho người khác mà lại để tổ chức đền bù, hoặc là do trình độ năng lực yếu kém, hoặc trách nhiệm thấp, thì không thể để làm ở những vị trí đó được. Thế nên câu con dại cái mang chỉ đúng với những trường hợp mất năng lực hành vi hoặc người chưa đủ tuổi thành niên.

Xin cảm ơn ông!


Nói về nguyên nhân dẫn đến các vụ án oan, sai, đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) cho rằng: "Nhiều khi nguyên nhân là ngay ban đầu do hoạt động điều tra của cơ sở yếu kém chứ không phải do ông chánh án, thẩm phán. Có những vụ án sai ngay từ ban đầu do thu thập chứng cứ không đầy đủ và ông thẩm phán thì cứ quyết theo cái sai đó. Xảy ra oan sai, ngoài yếu tố cá nhân con người thì còn có cả yếu tố pháp luật, cơ chế, bởi quy định pháp luật hiện nay vẫn còn nhiều điều chưa chặt chẽ".

Về vấn đề trách nhiệm của cá nhân gây ra án oan sai, ông Hùng nói: "Theo tôi, khi đã xảy ra oan sai thì trước mắt phải lấy tiền nhà nước đền bù để giải quyết vấn đề tâm lý cho người bị oan sai, sau đó phải truy lại toàn bộ xem nguyên nhân từ đâu và đánh giá mức độ trách nhiệm của từng người để xử lý, đáng kiểm điểm thì kiểm điểm, còn đáng xử lý kỷ luật thì phải kỷ luật, còn việc bồi thường tiền thì theo tôi chỉ là cảnh cáo.

Nói như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, nếu bắt ông thẩm phán phải bỏ tiền ra bồi thường thì cũng chưa hoàn toàn đúng, như vậy sẽ không ai dám làm thẩm phán nữa. Có đại biểu Quốc hội từng nói, viện kiểm sát đã “dọn cỗ” sẵn rồi nên thẩm phán chỉ quyết thôi.

Qua đấu tranh trong phiên xử thì có thể có sai sót, nhưng những trường hợp bức cung, nhục hình, những trường hợp biết rõ việc mình đang làm là sai thì phải phạt, phạt đóng góp tiền đền bù. Luật bồi thường oan sai mới có đây, tôi nghĩ phải có những điều chỉnh, đối với những người cố tình làm sai thì phải xử lý".

Châu Như Quỳnh (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm