Bộ Y tế nói gì về đề xuất Đà Nẵng áp dụng biện pháp cách ly như Vũ Hán?
(Dân trí) - Đề xuất áp dụng mô hình “nội bất xuất, ngoại bất nhập” của Vũ Hán để “quây” dịch tại Đà Nẵng hay đề xuất về việc cách ly tại nhà… đang được Bộ Y tế tiếp thu, nghiên cứu…
Nhiều câu hỏi về các biện pháp chống dịch Covid-19 trong tình hình mới được nêu ra với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/8.
Người phát ngôn Chính phủ khái quát, cơ quan chức năng xác định, ổ dịch Covid-19 mới phát sinh tập trung tại cụm 3 bệnh viện ở Đà nẵng. Khi phát hiện được ca bệnh đầu tiên, các cơ quan đã tập trung khoanh vùng ngay.
Dù vào cuối tuần, Thủ tướng vẫn triệu tập họp Thường trực Chính phủ với các tỉnh thành, Ban chỉ đạo quốc gia để có biện pháp xử lý. Tổ hợp 3 bệnh viện tại Đà Nẵng cùng khu dân cư xung quanh đã được khoanh vùng, kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu. Ngành giao thông đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, theo tinh thần khuyến cáo nếu không có việc cần thiết thì người dân không đến các vùng dịch cũng như phối hợp sớm giải tỏa du khách tại Đà Nẵng.
“Quan điểm của lãnh đạo Chính phủ là khoanh vùng, đám lửa lớn thì khoanh vùng rộng, đám lửa nhỏ thì khoanh diện hẹp để dập dịch. Ví dụ, tại Thái Bình, có ca bệnh xuất hiện, xác định người về từ Đà Nẵng, cơ quan chức năng chỉ phong tỏa thôn Bùi, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà. Tóm lại là việc khoanh vùng dập dịch được xác định với diện bán kính nhỏ, vừa đủ để dập dịch, còn lại không cản trở, hạn chế đi lại, mua bán, kinh doanh, phát triển kinh tế” – người phát ngôn Chính phủ nói.
Ông nêu dẫn chứng khác, bài học của Singapore trong xử lý dịch bệnh giai đoạn trước. Khi dịch Covid-19 bùng phát ở khu vực ký túc xá với 380.000 công nhân, nước này đã nhanh chóng phong tỏa cả nước. Quyết định này trả giá bằng thiệt hại kinh tế rất lớn trong khi thực tế dịch chỉ co cụm ở khu ký túc xá công nhân nói trên. Từ đó, các chuyên gia đã phân tích, đúc kết thành bài học, dịch có thể được giải quyết, khống chế với khu vực khoanh vùng phù hợp, không cần thực hiện với toàn quốc, gây hậu quả nặng nề.
Trở lại với thực tế tại Việt Nam, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhận định, các địa phương đã phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới vừa qua thì phần lớn bệnh nhân được xác định có đến Đà Nẵng, đi du lịch, đi thăm người thân, chủ yếu liên quan trực tiếp ở cụm 3 bệnh viện tại thành phố này.
Giai đoạn trước, Việt Nam khi thực hiện Chỉ thị 15, 16 về cách ly xã hội trên toàn quốc là thời điểm đỉnh dịch, Covid-19 có sự lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Giai đoạn này, đã có kinh nghiệm nên Hà Nội, TPHCM phản ứng rất nhanh, quyết định tạm dừng hoạt động tụ tập đông người, tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu nhưng không phong tỏa, cách ly, ngăn sông cấm chợ ở những khu vực lớn.
Về Chỉ thị mới Thủ tướng sẽ ban hành cho giai đoạn chống dịch mới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, hôm qua Thường trực Chính phủ họp với các tỉnh thành, Văn phòng Chính phủ đã hoàn thiện thông báo kết luận của Thủ tướng, giao Văn phòng Chính phủ xây dựng dự thảo chỉ thị mới. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cẩn trọng với việc công bố dịch bùng phát ở khu vực nào hay Covid-19 chủng mới đã biến thể ra sao khi chưa có căn cứ chứng minh để tránh hoang mang dư luận.
Văn phòng Chính phủ đang khẩn trương chuẩn bị, xây dựng dự thảo chỉ thị này, tinh thần là đưa ra giải pháp mạnh nhất, kịp thời và hợp lý để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nhiệm vụ cơ bản nhất lúc này là nhiệm vụ dập sớm ổ dịch tại Đà nẵng, hỗ trợ tối đa cho Đà Nẵng, Quảng Nam vượt qua dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bổ sung thêm thông tin về đề xuất của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân là xử lý dịch ở Đà Nẵng như với Vũ Hán.
Cụ thể, tại cuộc họp trực tuyến với Thường trực Chính phủ chiều 2/8, Bí thư Nhân phân tích, dịch Covid-19 đã âm thầm diễn biến, lây truyền tại Đà Nẵng trong cả tháng qua với 4-5 chu kỳ lây nhiễm. Vậy thì cần phong tỏa toàn thành phố ở mức cao nhất. Đó là yêu cầu mọi người dân ở nhà tuyệt đối, hàng tuần, mỗi gia đình chỉ được cử một người ra đi mua đồ ăn. Bước quyết liệt hơn là không để người dân ra khỏi nhà nữa, thực phẩm sẽ được cung cấp tận nơi.
Thứ trưởng Cường cho biết, Bộ Y tế đang tiếp thu, nghiên cứu đề xuất này. Về tình hình thực tế tại Đà Nẵng, Bộ Y tế hiện đã cử một đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn với những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nhất, từ đội điều trị tới đội dập dịch, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai - nơi từng là ổ dịch tương tự cụm 3 bệnh viện của Đà Nẵng… để hỗ trợ thành phố "thủ phủ" miền Trung. Tổng cộng đã hơn 1.000 người được huy động, trong đó có các sinh viên trường y để hỗ trợ xử lý ổ dịch ở Đà Nẵng.
Ngành Y tế cũng đã tiến hành khoanh vùng, cách ly, tiêu độc, khử trùng tại cụm 3 bệnh viện, phong tỏa các khu vực có khả năng lây nhiễm cao. Với những địa phương xuất hiện ca bệnh lây nhiễm từ Đà Nẵng thì nhanh chóng tiến hành truy vết, cách ly, theo dõi sức khỏe các đối tượng nghi ngờ. Bộ Y tế tiến hành gửi tin nhắn tới tất cả những thuê bao điện thoại từng tới địa bàn Đà Nẵng một tháng qua. Diện bao phủ, như vậy, theo ông Cường, là rất lớn.
“Việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa với Đà Nẵng thì phải căn cứ vào tình hình thực tế. Hiện tình hình đang trong vòng kiểm soát rất tốt, đã thu dung, đảm bảo ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan rộng hơn phạm vi thành phố” – Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Với đề nghị của Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ về việc cách ly các trường hợp tại nhà, Thứ trưởng Cường cho biết, Bộ Y tế đã nhận được báo cáo về việc các khu cách ly tập trung có dấu hiệu quả tải. Vậy nên phương án cách ly tại chỗ, tại nhà đã được Bộ tính đến từ lâu, sẽ sẵn sàng thực hiện khi có lệnh.