DMagazine

Bỏ việc lương 1,6 tỷ đồng/năm về Việt Nam giúp mọi người về Việt Nam

(Dân trí) - Tự nhận mình là "tấm chiếu mới" khi bỏ tất cả trở về Việt Nam khởi nghiệp, Nghiêm Xuân Huy - CEO Finhay cho rằng, nếu không có "máu liều" thì sẽ không có động lực, không có thành công.

Tự nhận mình là "tấm chiếu mới" khi bỏ tất cả trở về Việt Nam khởi nghiệp, Nghiêm Xuân Huy - CEO Finhay cho rằng, nếu không có "máu liều" thì sẽ không có động lực, không có thành công.

Bỏ việc lương 1,6 tỷ đồng/năm về Việt Nam giúp mọi người về Việt Nam - 1

Bỏ tất cả trở về Việt Nam, anh đã bao giờ anh lo lắng mình sẽ không thành công vì đây là một quyết định khá mạo hiểm khi anh từ bỏ công việc tại Úc với mức lương hấp dẫn 1,6 tỷ đồng/năm?

Dĩ nhiên trong đầu tôi cũng vài lần nảy ra suy nghĩ đó nhưng cũng trôi qua rất nhanh, là bởi một vài yếu tố. Thứ nhất, tôi muốn quay về để cống hiến. Thứ hai là tôi cũng muốn dành thời gian ở Việt Nam để làm một thứ gì đấy, nghĩa là cái ý chí của mình đã muốn rồi. Thứ ba là tôi đã tiết kiếm được một khoản tiền, đủ để trang trải trong thời gian tới. Vì đã có sự chuẩn bị đó nên tôi càng vững tâm hơn với quyết định của mình... Mặc dù vậy, đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro chứ an toàn quá thì nói làm gì (cười)".

Thế số vốn anh chuẩn bị để về Việt Nam khi ấy là bao nhiêu và thời gian anh nung nấu ý tưởng là bao lâu ?

Ý tưởng ra đời Finhay là vào cuối năm 2016, còn số vốn ban đầu tôi bỏ ra là khoảng 1 tỷ đồng và chuẩn bị trong vòng nửa năm. Vì thực ra, hồi còn ở Úc, tôi cũng là người khá đơn giản như ăn uống, chi tiêu những gì mình cần thôi, chứ không phải tiêu hoang nên cũng tiết kiệm được tương đối. Với lại, tôi cũng tham gia đầu tư bên Úc nên cũng dành được một khoản tiền để về Việt Nam làm ăn.

Khi ấy, anh thấy thị trường Việt Nam có gì hấp dẫn mà lại quyết định trở về?

Khi còn làm trong lĩnh vực tài chính đầu tư tại Úc, tôi đã dành thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường Việt Nam. Về mặt vĩ mô, tôi thấy có nhiều tín hiệu rất tốt. Chưa kể, trong thời gian tôi ở Úc, tự dưng có trào lưu các bạn trở về Việt Nam, làm tôi nhớ tới giai đoạn khi tôi học ở trường năm 2013. Khi đó, ở Trung Quốc có những lời mời sinh viên, du học sinh nước họ trở về Thâm Quyến làm việc, thì mình nhìn thấy kiểu như "đất lành chim đậu". Từ đó tôi cảm thấy nguồn nhân tài ở mọi nơi đang quay về quê hương, mà những người đi học ở nước ngoài về, tự bản thân họ cũng có nền tảng về tài chính tốt. Khi họ về Việt Nam làm ăn, tức là đã đem được nguồn vốn về, để làm cái gì đó và đã tạo giá trị cho xã hội. Nhìn các mặt đánh giá, phân tích, tôi cảm thấy đây là một tín hiệu tốt.

Còn giai đoạn khi tôi trở về Việt Nam, cũng đúng là lúc Chính phủ đang kêu gọi người tài về nước để cống hiến và đóng góp cho nền tảng công nghệ 4.0. Nên tôi nghĩ đây cũng là tín hiệu vui khi quyết định trở về của mình là đúng. May mắn hơn khi tôi là 1 trong số 100 trí thức trẻ sinh sống tại nước ngoài được mời về. Tôi cảm thấy Chính phủ rất quan tâm, muốn thu hút những người có kỹ năng cao, mà tôi lại nằm trong số ấy, nên đây cũng là một động cơ thôi thúc khiến tôi đưa ra quyết định.

Bỏ việc lương 1,6 tỷ đồng/năm về Việt Nam giúp mọi người về Việt Nam - 3

Nếu không có những yếu tố đó, anh đã bao giờ có suy nghĩ ở lại Úc, một quốc gia phát triển hơn Việt Nam chưa?

Cũng chưa hẳn đâu. Bởi hồi ấy, tôi cũng từng chia sẻ là cá nhân tôi luôn hướng về Việt Nam, muốn làm một thứ gì đó ở Việt Nam và tạo giá trị. Nhớ khi tôi học đại học bên Úc, tôi từng bảo với mẹ là, thôi con không học nữa, đi về nhà làm ăn vì mình cũng thích làm ăn ấy. Mẹ tôi mới bảo "con điên à, bao nhiêu người muốn đi không được mà còn đòi về". Ý tôi ở đây là cái tinh thần ấy vẫn luôn nung nấu trong người, chẳng qua bây giờ mình lớn hơn thì nhìn rõ hơn thôi.

Vậy quyết định anh trở về Việt Nam có gặp phải sự phản đối của mọi người, đặc biệt là mẹ anh không?

Ban đầu thì mẹ tôi cũng phản đối nhưng dần dần thấy thằng con quyết tâm quá cũng gật đầu để tôi về xem như thế nào. Và như bây giờ là OK (cười).

Anh đã thuyết phục mẹ anh thế nào?

Thực ra, tôi cũng thuyết phục mẹ đơn giản thôi là hàng tuần gọi điện về cho mẹ, kể những câu chuyện về Việt Nam, như con đang thấy thế này này, thì mẹ tôi cũng kiểu "mưa dầm thấm lâu" ý. Rồi đến một ngày, mẹ tôi bảo "ông muốn làm gì thì ông làm".

Thế ngày đầu sang Úc anh mang tâm thế gì, về Việt Nam anh mang giấc mơ gì? Và Finhay có phải là một phần trong giấc mơ ấy?

Bỏ việc lương 1,6 tỷ đồng/năm về Việt Nam giúp mọi người về Việt Nam - 5

Ngày đầu mới sang Úc, tôi như là một "tấm chiếu mới", kiểu chưa có định hướng, không biết sang đấy học gì. Nhớ một lần, thầy giáo gọi tôi lên lý luận về một vấn đề, ôi giời ơi, tôi run ơi là run nên mới ngộ ra những kỹ năng như thế, mình chưa được học ở Việt Nam. Vì thực ra những thời gian đó, mình dành phần lớn để nghe thầy cô giảng. Nhưng sau một thời gian học ở bên đó, tôi được tiếp cận và ngộ ra được nhiều thứ hơn. Đặc biệt là nhận thức "I can do something" nên tôi mới thấy, môi trường đào tạo bên Úc thật sự là quá tốt và mang lại nhiều giá trị.

Finhay ra đời năm 2016 bắt nguồn từ quan sát của tôi khi thấy hệ thống đầu tư tại Úc khá cồng kềnh, khiến các nhà đầu tư cá nhân gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các sản phẩm tài chính. Do đó, tôi mới nghĩ, cái này ở Việt Nam cũng sẽ gặp phải thôi, nên tôi mới quyết định sáng lập ra một nền tảng đầu tư và tích lũy để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ có thể sử dụng.

Từng sinh sống và làm việc 9 năm bên Úc, vậy điều anh học được gì lớn nhất là gì và khi về Việt Nam, anh áp dụng ra sao vào Finhay?

Thứ nhất là tiêu chuẩn, thứ hai là đạo đức, thứ ba là kiến thức và kinh nghiệm liên đới. Đầu tiên là tiêu chuẩn. Ở Úc họ có bộ tiêu chuẩn về quyền lợi khách hàng, nhà đầu tư rất cao, còn như ở Việt Nam thì chưa có. Tôi thấy đây là điều cần thiết nên khi xây dựng nền tảng tại thị trường Việt Nam và tôi đã áp ngay vào Finhay. Tiếp theo là vấn đề kiểm toán. Tôi khá tự tin là thời điểm ấy, tuy mới là startup non trẻ nhưng chúng tôi dám chịu chi để Big4 kiểm toán. Nhiều bạn bè bảo tôi là điên khi bỏ tiền ra kiểm toán vì có ai bắt làm đâu. Nhưng đây không phải là câu chuyện bắt hay không mà tôi muốn tạo ra một cái tiêu chuẩn tốt để việc quản trị phải có sự vững bền và minh bạch, đây chính là điều tôi học bên Úc.

Thứ hai là đạo đức. Như ở Finhay, dữ liệu của khách là cái phải được bảo vệ tối cao, mọi người không được quyền truy cập vào nếu không phải là người chịu trách nhiệm về dữ liệu. Rồi tiếp đến chuyện kiểm soát dòng tiền, nếu có vấn đề gì đó xảy ra là phải báo cáo, ngăn chặn ngay, không được giấu sai.

Bỏ việc lương 1,6 tỷ đồng/năm về Việt Nam giúp mọi người về Việt Nam - 6

Anh từng nói nhiều, chia sẻ nhiều về việc "giáo dục người dùng" để quản lý tài chính, vậy anh mong gì khi mang quan điểm ấy về Việt Nam?

Điều tôi mong muốn nhất là học phải đi đôi với hành và đồng thời phải nhìn dài hạn. Tôi lấy ví dụ đơn thuần như là một người học đại học thì khả năng thành công sẽ cao hơn người chưa đi học đại học. Tương tự với câu chuyện đầu tư cũng thế.
Giả sử, người dùng có sự tìm hiểu, tìm tòi kiến thức thì quyết định đầu tư đưa ra sẽ tốt hơn.

Bỏ việc lương 1,6 tỷ đồng/năm về Việt Nam giúp mọi người về Việt Nam - 8

Nếu ai học tài chính sẽ rõ, ngân hàng chỉ là bệ đỡ cho lạm phát và gửi tiết kiệm ngân hàng chưa được gọi là đầu tư. Muốn "được" nhiều hơn thì phải để tiền của mình được hoạt động. Nói xa hơn, thị trường Việt nam cần có những dòng vốn thay vì để trong ngân hàng và cần dịch chuyển sang các kênh khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu. Nhưng việc "giáo dục người dùng" không hề dễ nên tôi mới tập cho khách hàng thói quen ấy từ việc đầu tư từ 50.000 đồng. Chúng tôi cũng xây mục blog riêng để người dùng tự đọc, tự tìm hiểu về những tài chính cơ bản.

Ở Việt Nam, không phải cũng có thói quen được kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng mà thường dùng luôn rồi mới đọc, anh thì đang làm ngược lại. Nếu khách hàng bỏ Finhay vì điều này, anh có cảm thấy tiếc nuối ?

Tôi nghĩ đấy cũng là một sự tiếc nuối. Về phía bọn tôi cũng nhận ra vấn đề này khi vận hành sản phẩm. Cho nên, đầu năm 2020, tôi đã phải lập riêng một đội chăm sóc khách hàng, để trả lời, giải đáp thắc mắc cho người dùng. Mặc dù những thông tin ấy đã có ở trên website, group cộng đồng mà mọi người không tìm đọc mà chỉ đi hỏi (cười) nhưng xu hướng của tôi trong tương lai vẫn là để người dùng tự phục vụ nhiều hơn, tự tìm hiểu nhiều hơn.

Bỏ việc lương 1,6 tỷ đồng/năm về Việt Nam giúp mọi người về Việt Nam - 9

Tại sao anh lại chọn con số 50.000 đồng là số vốn khởi điểm mà người dùng có thể tiếp cận đầu tư tài chính tại Việt Nam?

Đơn thuần, thời điểm ấy, con số để chuyển tiền liên ngân hàng tối thiểu là 50.000 đồng, vậy thôi.

Làm sao anh có thể thuyết phục người dùng sử dụng sản phẩm khi đây là mô hình, ứng dụng mới du nhập vào nước ta?

Quan điểm của Finhay từ trước đến nay là không đi theo kiểu mời chào, thuyết phục, dụ dỗ mà theo trường phái tạo ra giá trị, cung cấp kiến thức để mọi người đọc, tìm hiểu, cảm thấy thực sự sẵn sàng với sản phẩm thì sử dụng.

Điều gì khiến anh tự tin rằng sản phẩm của mình có thể cạnh tranh được với các phương thức đầu tư truyền thống?

Tôi chỉ nghĩ rất đơn thuần thôi là tại sao không. Quay ngược về thời gian, hồi đó, tôi như là một "tấm chiếu mới", bỏ tất cả trở về Việt Nam làm ăn, nên nếu không có máu liều như thế thì động lực ở đâu ra. Giống như bạn chưa bắt tay vào làm việc nhưng đã đặt ra trở ngại thì sao có thể làm được gì. Như một câu nói mà tôi rất thích, hiện cũng chính là slogan của thương hiệu Nike là "Just do it".

Bỏ việc lương 1,6 tỷ đồng/năm về Việt Nam giúp mọi người về Việt Nam - 11

Anh chia sẻ, từng 2 lần khởi nghiệp thất bại, lần này, anh đã chuẩn bị những gì. Và qua mỗi lần, anh học được điều gì?

Tôi nghĩ kinh nghiệm có được từ những lần khởi nghiệp lần trước đã cho mình rất nhiều bài học. Thứ nhất là hiểu các nhà đầu tư, thứ hai là làm việc với đội ngũ. Thứ ba là xây dựng văn hóa công ty từ những ngày đầu. Thứ tư là xây dựng ý tưởng, sản phẩm thực thi ra sao. Thứ năm là liên quan đến giấy tờ, vận hành nói chung. Thứ sáu là quản trị…

Finhay hiện được nhiều quỹ lớn săn đón, anh đã bao giờ bị từ chối chưa, mức gọi vốn cao nhất anh từng nhận là bao nhiêu?

Về mức gọi vốn, tôi xin phép không chia sẻ (cười). Còn từ chối thì chắc chắn nhiều rồi vì có những người thích mảng này, người thì không, nên từ chối cũng là chuyện bình thường.

Sau này, tôi có hỏi họ lý do từ chối là gì để biết được nguyên nhân, như có người chia sẻ thẳng thắn là Fintech là mảng họ chưa bao giờ đầu tư nên họ cần thời gian xem xét nghiên cứu, có quỹ thì họ chưa bao giờ đầu tư vào thị trường Việt Nam, chưa hiểu Việt Nam nên họ không đầu tư, hay có những quỹ cho rằng mô hình của Finhay ở Việt Nam còn nhỏ. Nhưng từ chối chưa hẳn là dừng lại, bởi họ cũng cần thêm thời gian để làm "bài tập" thôi, có nhiều bên, tôi gặp lần 1 thì từ chối, lần 2 thì OK.

Vậy quan điểm chọn nhà đầu tư của anh hiện nay là gì?

Là những nhà đầu tư mang lại giá trị. Giá trị ở đây bao gồm là network mà họ có được giúp gì cho công ty, họ có thể giúp công ty tìm được những tài năng giỏi tham gia cùng công ty hay không, mang về nhiều đối tác tốt hay không và họ có thể chia sẻ được những vấn đề vận hành, quản trị cho công ty hay không. Đấy là điều tôi mong muốn khi chọn nhà đầu tư. Còn dĩ nhiên, nhà đầu tư thì ai cũng cần phải có tiền.

Anh từng chia sẻ "chọn đối tác làm ăn giống như chọn vợ, không phải cứ ai độc thân là mình OK liền", với tuyển nhân viên, anh có áp dụng như vậy?

Có chứ, bọn tôi sàng lọc kỹ lắm. Đầu tiên là vấn đề văn hóa. Ngay từ khi xây dựng công ty, tôi muốn văn hóa phải nở rộ một cách tích cực, một cách tự nhiên nên tôi sẽ tìm những người có điểm tương đồng để vào công ty. Ví dụ như tiêu chuẩn cao, đạo đức, có độ nhiệt huyết, kỹ năng là điều hiển nhiên và đặc biệt phải có kỹ năng mềm.
Để làm sao biết được những người ấy, thì trong buổi phỏng vấn, tôi sẽ trực tiếp cảm nhận. Tiếp theo là sau 2 tháng thử việc, nếu họ phản ánh đúng như thế thì ở lại, không đúng thì ra đi.

Bỏ việc lương 1,6 tỷ đồng/năm về Việt Nam giúp mọi người về Việt Nam - 13

Thế anh áp dụng mô hình quản lý, cơ chế thưởng phạt gì đối với nhân viên?

Có chứ, tôi có thưởng và có phạt. Thưởng ở đây là thưởng những việc họ đạt được, không đơn thuần chỉ là KPI mà cao hơn nữa là trải nghiệm khách hàng. Còn phạt ở đây là những lỗi liên quan đến tiền nong, sai một cái là phạt luôn và liên quan trách nhiệm công việc.

Như bọn tôi là chia ra các cấp độ lỗi, như lỗi đầu chỉ mang tính nhắc nhở để mọi người không vi phạm, nhưng nếu tái phạm lại quá 3 lần trở lên sẽ là lỗi là trọng yếu. Mà mắc lỗi trọng yếu thì họ phải ngồi lại giải trình xem tại sao lại thế. Sau đó, nếu tiếp tục vi phạm thì chúng tôi sẽ buộc phải cho đi. Và rất may, từ ngày thành lập, tôi chưa phải làm như vậy với ai.

Là một thủ lĩnh của công ty, anh làm gì để làm gương cho nhân viên?

Bỏ việc lương 1,6 tỷ đồng/năm về Việt Nam giúp mọi người về Việt Nam - 15
Bỏ việc lương 1,6 tỷ đồng/năm về Việt Nam giúp mọi người về Việt Nam - 16

Năm 2019, Finhay lọt Top 100 công ty Fintech toàn cầu, anh thấy việc mình trở về là đúng và đã thành công?

Tôi nghĩ mình may mắn khi được để mắt tới (cười). Thành công hay chưa thì khó nói, nhưng hiện tại là hơn kỳ vọng đặt ra lúc ban đầu. Điều đó cho thấy hành trình của chúng tôi đang đi là đúng hướng.

Một số du học sinh đi là sẽ không trở về, theo quan điểm của nhiều người đây là sự chảy máu chất xám, anh nghĩ sao?

Tôi nghĩ cũng có người này người nọ. Quan trọng là tùy theo quyết định của mỗi người thôi. Ít nhất là trong cộng đồng, bạn bè của tôi ở Úc thì tôi thấy có rất nhiều người hiện trở về Việt Nam làm ăn, kinh doanh và tạo giá trị. Tôi thì lạc quan (cười).

Tuy nhiên, còn có một luồng ý kiến cho rằng, thế giới hiện là phẳng, người Việt ở đâu cống hiến cũng đều mang về giá trị cho đất nước, anh nghĩ sao?

Tôi nghĩ cũng phù hợp thôi. Việc chúng ta đi học, đi làm việc ở nước ngoài thực ra cũng là một điều tốt của đất nước, vì mình đi tiếp nhận tinh hoa ở nước ngoài và mình đã được thừa hưởng rồi. Nên việc các bạn ở lại hay về sẽ là tùy thuộc vào quyết định của mỗi người.

Dĩ nhiên, về thì sẽ được cùng cảm nhận tốt hơn nhiều. Vì cống hiến ở đây có rất nhiều cách, như bạn đi chia sẻ vẻ đẹp của đất nước mình với các bạn bè quốc tế để mọi người đến du lịch, thì đây cũng được gọi là cách làm marketing cho đất nước hay thi thoảng bạn gửi ngoại hối về Việt Nam cũng là cách tạo ra nguồn vốn…

Chúng ta hướng tới một "Việt Nam hùng cường" vào năm 2045. Để làm được điều đó, thế hệ trẻ cần làm gì?

Để vươn lên được thì giáo dục là một nền tảng cực kỳ cần thiết, mà các bạn trẻ ở đây mặt bằng chung cần nhiều thời gian để tìm hiểu, tương tác, nghiên cứu, tiếp cận, luôn cải thiện bản thân cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm để hướng tới "Việt Nam hùng cường".

Như kỹ năng cứng giờ phải học và áp dụng thực tiễn. Như tôi lấy ví dụ, kiến thức mới ngày càng nhiều, việc mình đi học đại học chính là bổ trợ, và tiếp tục cải thiện kiến thức ấy. Nếu sau đại học, mình nghĩ thế là học đủ rồi sẽ bị thụt lùi. Còn kỹ năng mềm là khi mọi người tự lập, tự trang trải trong cuộc sống thì sẽ xây được kỹ năng ấy.

Bỏ việc lương 1,6 tỷ đồng/năm về Việt Nam giúp mọi người về Việt Nam - 18

Nội dung: Lệ Thu

Ảnh: Lê Huy

Thiết kế: Nguyễn Hồng - MS