1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Tư pháp sẽ xem xét tính pháp lý của quy định “xin phép” quay phim cán bộ tiếp dân

(Dân trí) - Ngày mai (11/1), Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) sẽ tổ chức cuộc họp với đại diện Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan để xem xét về tính pháp lý của Quyết định số 12/QĐ-UBND quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” đang gây nhiều tranh cãi.

 

Bộ Tư pháp sẽ xem xét tính pháp lý của quy định “xin phép” quay phim cán bộ tiếp dân - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong một lần tiếp dân (Ảnh: Giao thông).

 

 

Trao đổi với PV Dân trí chiều 10/1, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, ngày mai (11/1), cơ quan này sẽ tổ chức cuộc họp với đại diện Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan để xem xét về tính pháp lý của Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố, trong đó có quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

“Hôm qua chúng tôi mới tiếp cận được văn bản chính thức có giá trị pháp lý (Quyết định số 12 được ký ban hành ngày 3/1/2019). Đây là văn bản hành chính. Ngay khi nắm được thông tin từ dư luận xung quanh Quyết định số 12/QĐ-UBND, chúng tôi đã vào cuộc theo thẩm quyền và sẽ có những trao đổi với cơ quan liên quan”-ông Ba nói và khẳng định.

Trong khi đó, TS Lê Hồng Sơn- nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, ông sẽ có ý kiến góp ý với Bộ Tư pháp xung quanh quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Theo phân tích của ông Sơn, trong văn bản do TP Hà Nội ban hành quy định không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý, tức là người dân chỉ được quay phim, chụp ảnh khi được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân. “Vì vậy, đây là một loại quy phạm pháp luật xác định quyền của người dân có điều kiện. Người dân chỉ được thực hiện hành vi, thực hiện quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm của mình khi được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân” - ông Sơn nói.

TS Lê Hồng Sơn cho rằng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội không được quyền quyết định vấn đề “ghi âm, ghi hình phải xin phép” mà điều này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

“Nếu muốn, nội dung này phải do Quốc hội quyết định và quy định trong văn bản quy phạm pháp luật chứ không nằm trong nội quy kèm theo Quyết định số 12” - ông Sơn nói.

Trước lý giải của UBND TP Hà Nội về việc quy định nêu trên được ban hành nhằm chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến Trụ sở Tiếp công dân, dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung để phục vụ mục đích “không trong sáng”, ông Sơn cho rằng đây là lập luận mang tính chất “suy diễn quá đà", bởi việc người dân ghi âm và việc người dân sử dụng nội dung đó làm gì là 2 việc hoàn toàn khác nhau.

“Đây là cơ quan công quyền được tổ chức, thành lập để tiếp người dân đến kiến nghị phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Anh đang thi hành công vụ nên không có quyền cấm người dân ghi âm, chụp hình hay quay phim được. Tính khách quan, tự nhiên của việc ghi âm, ghi hình sẽ mất đi khi cán bộ tiếp dân chủ động đồng ý” - ông Sơn cho hay.

Từng ký rất nhiều quyết định “tuýt còi” văn bản trái luật khi còn công tác, TS Lê Hồng Sơn cho rằng văn bản hành chính cá biệt này được ban hành trái luật và vi hiến. Vì vậy, Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luận cần phải tổ chức kiểm tra, xem xét tính hợp hiến, hợp pháp và lên tiếng ngay về nội dung của Quyết định số 12. “Không nên để công luận xôn xao, hoang mang dễ làm mất niềm tin của người dân” - ông Sơn nêu quan điểm.

Thế Kha