Bộ Tư pháp, Công an chia “thị phần” làm số định danh cá nhân?
(Dân trí) - Theo luật Căn cước công dân, Bộ Công an lo việc cấp thẻ căn cước cho công dân 14 tuổi trở lên, từ số định danh cá nhân được ghi trong sổ hộ tịch do Bộ Tư pháp cấp. Bộ Tư pháp ghi số này vào sổ hộ tịch cho công dân khi khai sinh…
Tại cuộc họp báo quý I/2014 của Bộ Tư pháp tổ chức sáng 8/4, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan khẳng định, việc Bộ Công an đồng loạt cấp số chứng minh thư mới 12 số hiện nay là hoàn toàn thống nhất, đồng bộ với việc xây dựng số định danh cá nhân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Gạt bỏ ý kiến lo ngại về việc “dẫm chân”, “cát cứ” khi Bộ Tư pháp làm Luật Hộ tịch, Bộ Công an lại song song xây dựng luật Căn cước công dân, đại diện Bộ Tư pháp giải thích cụ thể mỗi quan hệ giữa 2 luật này.
Báo cáo của Bộ Tư pháp nêu rõ, đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân (đề án 896 được Chính phủ giao Bộ Công an thực hiện) đưa ra yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân. Số định danh được coi là “chìa khóa” để tra cứu thông tin của từng cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu chứa đựng những thông tin cơ bản của các cá nhân, được xây dựng thống nhất trong toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu của các cơ quan này.
Cụ thể, luật Căn cước công dân do Bộ Công an soạn thảo quy định nội hàm và giá trị pháp lý của Số định danh cá nhân, quy định việc cấp thẻ căn cước cho công dân từ 14 tuổi trở lên. Thẻ căn cước thay cho chứng minh nhân dân hiện nay, ghi nhận các thông tin cơ bản, đặc điểm nhận dạng bên ngoài cảu công dân để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác.
Mục đích của việc cấp, quản lý thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch của người dân, phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ của công an, góp phần phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Việc cấp thẻ căn cước cho người từ 14 tuổi trở lên được lý giải là phù hợp bởi đến độ tuổi này đặc điểm nhận dạng bên ngoài của cá nhân mới ổn định, cá nhân có thể tự thực hiện một số giao dịch bằng giấy tờ chứng minh nhân thân mà không cần có người đại diện, đồng thời là tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.
Còn luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp soạn thảo, Cục trưởng Ngô Hải Phan phân tích, trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đa vận hành thì khi đăng ký khai sinh, công chức Tư pháp – hộ tịch nhập thông tin khai sinh vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số định danh cá nhân được lấy từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được công chức Tư pháp – hộ tịch ghi vào sổ bộ hộ tịch và trích lục khai sinh.
Khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước (lúc 14 tuổi) hoặc các thủ tục hành chính khác, công dân chri cần thông báo số định danh cá nhân đã được ghi trong sổ bộ hộ tịch và trích lục khai sinh này.
Trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa vận hành, ông Ngô Hải Phan cho biết, khi đăng ký khai sinh, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch sẽ nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cấp trích lục khai sinh.
Khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, công dân phải xuất trình trích lục khai sinh. Thông tin công dân được nhập vào cơ sở dữ liệu căn cước và có số căn cước. Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu về căn cước sẽ là cơ sở dữ liệu ngành cung cấp thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số căn cước sẽ là số định danh cá nhân.
“Từ 1/1/2016, thời điểm dự kiến luật Hộ tịch có hiệu lực, cán bộ Tư pháp – hộ tịch sẽ cấp số định danh cho trẻ mới ra đời khi làm thủ tục đăng ký khai sinh nhưng kho số vẫn dho Bộ Công an quản lý. Còn với hơn 90 triệu dân đã sống từ trước thời điểm này, Bộ Công an sẽ cấp số khi mỗi người làm Thẻ căn cước/chứng minh nhân dân mới” – Cục trưởng Ngô Hải Phan quả quyết.
P.Thảo