Bỏ tử hình tội tham nhũng để triệt tư tưởng “hi sinh đời bố…”
(Dân trí) - “Đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả nhất là phải xử lý theo hướng thu lại được số tài sản đã bị chiếm đoạt, không thể để tư tưởng “hi sinh đời bố, củng cố đời con” - ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch hội luật gia Việt Nam, trao đổi.
Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (BLHS) lần này, Chính phủ trình phương án bỏ hình phạt tử hình ở quá nửa số tội danh đang quy định. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Quan điểm của tôi và giới luật gia nói chung rất ủng hộ việc giảm bớt các hình phạt tử hình. Đây là xu thế chung của quốc tế, thể hiện bản chất nhân đạo của nhà nước ta.
Và thực tế dù đã quy định rất nhiều loại án có mức phạt tử hình nhưng ít tác dụng răn đe, tội phạm vẫn diễn ra.
Ví như tội phạm về ma tuý, án tử hình có rất nhiều trong hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ… Nhưng vì lợi nhuận rất cao nên tình hình tội phạm không thay đổi. Như vậy, tử hình không phải là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn.
Đương nhiên, tử hình đối với Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung vẫn là cần thiết với một số loại tội, nhất là những tội về nhân thân (như những hành vi giết người tàn bạo) để có tính chất răn đe khi cần thiết. Còn những tội về kinh tế khác, có thể giảm đi.
UB tư pháp - cơ quan thẩm tra dự án sửa đổi này, tỏ ý băn khoăn về đề nghị bỏ hình phạt tử hình với cả các tội danh về tham nhũng như tội tham ô tài sản, đưa, nhận hối lộ trong khi đây đang được coi là quốc nạn, cần xử lý rất nghiêm?
Cá nhân tôi thì tán thành với đề nghị này nhưng đúng là trong Quốc hội cũng phản ánh nhiều ý kiến lo ngại vì đó là những hành vi phạm tội nghiêm trọng, làm thiệt hại rất lớn đến tài sản quốc gia. Vậy nên vẫn có quan điểm phải duy trì tử hình với những tội này.
Nhưng tôi thấy rằng, cơ bản bây giờ là phải tìm cách ngăn chặn từ gốc rễ nạn tham nhũng, tức là phải đẩy mạnh việc phòng ngừa các loại tội phạm ấy một cách hiệu quả hơn.
Có ý kiến cho rằng khả dĩ chủ trương bỏ phạt tử hình với những tội này là vì dù quy định chế tài nhưng chưa bao giờ áp dụng. Có phải thực tế không xử được nên chúng ta đành bỏ, thưa ông?
Không phải. Từ năm 1950, Trần Dự Châu - đại tá, cục trưởng Cục quân nhu đã phải nhận án tử hình về hành vi tham nhũng. Thời điểm đó, hình phạt này là rất cần thiết và rất có tác dụng.
Nhưng hiện tại, tôi thấy trong bối cảnh này, đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả nhất là phải chứng minh được có hành vi tham nhũng và phải xử lý theo hướng thu lại được số tài sản đã bị chiếm đoạt. Đấy là cách làm triệt để nhất, đảm bảo tính răn đe nhất chứ không thể để tư tưởng “hi sinh đời bố, củng cố đời con”.
Ông bình luận gì về việc Trung Quốc vẫn để hình phạt này khiến nhiều quan chức bị tử hình và công tác phòng chống tham nhũng của họ tạo được tiếng vang, sự đồng thuận lớn?
Trung Quốc có đặc điểm riêng là đất nước quá đông dân và có truyền thống riêng. Rõ ràng họ làm thế là có tác dụng răn đe rất lớn.
Nhưng ở ta hình phạt nặng nhưng tội phạm thì không có dấu hiệu thuyên giảm, quy định án chung thân, tử hình nhưng hầu như chúng ta không áp dụng được.
Để có đủ chứng cứ chứng minh được tội phạm là khó mà các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử hiện chứng minh được một cách thuyết phục về tham nhũng trong nhiều trường hợp không nhiều.
Quy định hiện nay, tham nhũng từ 500 triệu đồng trở lên là mức phạt tù chung thân. Nếu loại bỏ hình phạt tử hình thì hình phạt tù chung thân áp dụng từ mức này trở lên. Ông đánh giá thế nào về quy định này?
Tôi cho rằng nếu quy định như thế, CQĐT phải có nỗ lực rất lớn để xử lý được đúng như luật định. Yêu cầu đặt ra, bằng nghiệp vụ của mình, CQĐT phải chứng minh được tội phạm.
Và quan trọng nhất, phải chứng minh được sự biến động của tài sản, không thể dễ dàng che giấu được sự thay đổi bất thường của tài sản. Kinh nghiệm đấu tranh chống tham nhũng, chứng cứ thuyết phục nhất là sự bất thường về tài sản mà người phạm tội đã chiếm đoạt.
Xin cám ơn ông!
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật hình sự sửa đổi, Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH, Lê Thị Thu Ba tán thành với đề nghị của Chính phủ bỏ hình phạt tử hình ở nhiều tội danh trong số 17/29 điều luật cụ thể. Tuy nhiên, với 3 tội: sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Đ 157); tham ô tài sản (Đ 278); Nhận hối lộ (Đ279), UB tư pháp nhận định là chưa phù hợp. UB tư pháp cũng nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung các tội phạm về môi trường nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm nghiêm trọng. Lĩnh vực tài chính, kế toán và chứng khoán được bổ sung 6 tội danh mới. Lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em cũng quy định thêm tội lợi dụng việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi (Đ 119a). |
P. Thảo (ghi)