1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng Y tế lý giải vì sao nhiều mức giá xét nghiệm

Quang Phong

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, giá xét nghiệm vẫn có nhiều mức khác nhau là do áp dụng thanh toán chi phí xét nghiệm theo phương thức thực chi, gồm chi phí lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm, nhân công...

Báo cáo giải trình gửi đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để đảm bảo nguồn cung trang thiết bị y tế và quản lý giá trang thiết bị, giá xét nghiệm đơn vị này đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cơ bản.

Với các giải pháp đưa ra, đến nay về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Số lượng test xét nghiệm được cấp phép từ 41 test (8 test sản xuất trong nước, 33 test nhập khẩu) vào tháng 6/2021 lên đến 131 test (14 test sản xuất trong nước, 117 test nhập khẩu) tháng 10/2021.

Bộ trưởng Y tế lý giải vì sao nhiều mức giá xét nghiệm - 1

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Đối với test kháng nguyên SARS-CoV-2, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, số lượng cấp tăng nhanh từ 8 test (một test sản xuất trong nước, 7 test nhập khẩu) tháng 6/2021 lên 60 test (3 test sản xuất trong nước, 57 test nhập khẩu) tháng 10/2021.

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện tại, trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế đã có trên 1.600 doanh nghiệp thực hiện công khai giá bán (giá niêm yết theo quy định của Luật Giá).

"Cùng với sự gia tăng của các loại sinh phẩm xét nghiệm trên thị trường Việt Nam, giá test trung bình do các công ty công bố cũng đã giảm nhiều. Tuy nhiên, giá xét nghiệm vẫn còn nhiều mức", báo cáo của Bộ Y tế nêu.

Theo Bộ Y tế, giá xét nghiệm ở cơ sở y tế công lập có mức khác nhau là do áp dụng thanh toán chi phí xét nghiệm theo phương thức thực chi. Theo đó, giá xét nghiệm gồm chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm, vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công cộng chi phí test xét nghiệm từ 1/7/2021.

"Trong đó, chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm, vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công sẽ được thanh toán theo cùng một mức; giá chi phí xét nghiệm được thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sinh phẩm", báo cáo của Bộ Y tế nêu.

Đối với cơ sở y tế tư nhân, Bộ Y tế cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành thì cơ sở được quyết định giá dịch vụ xét nghiệm nhưng phải kê khai, công khai giá.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Y tế cho biết, trên cơ sở quy định của pháp luật về giá sẽ bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế. Cụ thể, đưa trang thiết bị y tế vào mặt hàng phải kê khai giá; Quy định cụ thể nội dung kê khai giá gồm giá vốn nhập khẩu hoặc giá vốn sản xuất, chi phí quản lý…

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng nêu giải pháp cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (không chỉ Bộ Y tế) được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết; Bổ sung quy định về bình ổn giá trang thiết bị y tế.

Về thuốc điều trị Covid-19, Bộ Y tế cho biết, đã cấp phép nhập khẩu hơn 2,2 triệu lọ Remdesivir (đã nhập khẩu 2,1 triệu lọ);  đã nhập 2 triệu viên Favipiravir; 9,5 triệu viên Molnupiravir cho mục đích thử lâm sàng…

Về tình hình nhập khẩu, sản xuất vaccine, báo cáo Bộ Y tế cho biết, tính đến 5/11, tổng số vaccine đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là 198,8 triệu liều, đã tiếp nhận 124,7 triệu liều và phân bổ theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch.

Hơn 110 triệu liều vaccine đã được phân bổ cho các đơn vị, địa phương để tiêm chủng cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và một số trẻ em từ 12 đến 17 tuổi…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm