3 Bộ lý giải vì sao giá xét nghiệm virus SARS-CoV-2 "có nhiều mức"
(Dân trí) - Các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giá xét nghiệm virus SARS-CoV-2 có nhiều mức khác nhau là do phụ thuộc nhiều vào giá mua test xét nghiệm tăng giảm theo diễn biến của thị trường.
Chiều 21/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã họp nghe báo cáo về tình hình quản lý giá vật tư, dịch vụ y tế; đặc biệt là giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2. Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, hiện nay Bộ thực hiện cấp giấy phép nhập khẩu, cấp số lưu hành test xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo quy định.
Giá loại test xét nghiệm nguồn châu Á rẻ hơn Âu, Mỹ
Tính đến ngày 20/10, Bộ Y tế đã cấp phép cho 127 sản phẩm test xét nghiệm SASR-CoV-2 (nhập khẩu Mỹ, Đức, Pháp, Phần Lan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Singapore,… và sản xuất trong nước) gồm: 43 test xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP); 56 test xét nghiệm kháng nguyên và 26 test xét nghiệm kháng thể.
Ngoài ra, các đơn vị vẫn tiếp tục nộp hồ sơ và Bộ Y tế đang tiếp tục khẩn trương thẩm định và cấp phép cho các test xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.
Về cung ứng và giá test xét nghiệm do các công ty sản xuất, kinh doanh công bố theo quy định. Tính đến ngày 20/10, Bộ Y tế đã nhận được văn bản của 84 doanh nghiệp báo cáo khả năng cung ứng và giá do đơn vị công bố cho 186 loại test xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (Bộ Y tế đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ).
Nhìn chung giá test phụ thuộc vào nhiều yếu tố thị trường như: Nguồn gốc quốc gia, doanh nghiệp sản xuất, thời điểm đặt hàng và số lượng đặt hàng,… khác nhau thì giá test khác nhau. Thông thường, giá test sản xuất tại một số nước châu Á rẻ hơn giá test sản xuất tại các nước châu Âu, Mỹ. Thời điểm dịch diễn biến căng thẳng, nhu cầu nhiều hơn khả năng cung ứng thì giá cao, ngược lại giá sẽ giảm…
Bộ Y tế đã có nhiều hướng dẫn về chuyên môn: khi nào thì dùng test nhanh, khi nào dùng xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP) mẫu đơn, mẫu gộp. Đồng thời, Bộ cũng có văn bản hướng dẫn về giá với từng loại xét nghiệm (trường hợp làm mẫu gộp, chi phí xét nghiệm sẽ thay đổi tùy vào số lượng mẫu gộp).
Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư hướng dẫn giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2, áp dụng với các cơ sở y tế khi thực hiện xét nghiệm cho người bệnh đến khám chữa bệnh (kể cả người có bảo hiểm y tế và người không có bảo hiểm y tế). Bộ đã xin ý kiến các bộ ngành, đăng trên Cổng TTĐT để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Quản lý giá nhấn mạnh vấn đề giá xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được dư luận rất quan tâm, do có nhiều mức giá khác nhau.
Điều này có nguyên nhân khách quan là do giá xét nghiệm phụ thuộc nhiều vào giá mua test xét nghiệm. Mà giá test tăng giảm theo diễn biến của thị trường (tùy thuộc diễn biến dịch bệnh, doanh nghiệp sản xuất, xuất xứ sản phẩm, số lượng đơn vị cung cấp…). Thời điểm dịch mới bùng phát trên toàn cầu thì không có test để mua, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã sản xuất được, nên giá test có xu hướng ngày càng giảm.
Về dự thảo Thông tư hướng dẫn giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2, các ý đề nghị Bộ Y tế đưa giá test vào tính chi phí xét nghiệm. Đồng thời có kỹ thuật thể hiện phù hợp để thích ứng linh hoạt với diễn biến giá test trên thị trường. Các cơ quan đề nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành thông tư.
Bộ Y tế sớm ban hành thông tư quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế và ý kiến của các bộ ngành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, trong thời gian qua, để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, bên cạnh yếu tố chuyên môn, Bộ Y tế và các địa phương đã chủ động, áp dụng các quy định của pháp luật để bảo đảm vật tư y tế, test, sinh phẩm,… phục vụ công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, do yêu cầu cấp bách, "chống dịch như chống giặc", giá test thay đổi theo diễn biến thị trường, dải giá rộng, nhiều đơn vị nhập khẩu… nên việc cấp phép đăng ký lưu hành/giấy phép nhập khẩu bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, do tập trung chống dịch nên việc cung cấp thông tin của Bộ Y tế cho xã hội có lúc còn chưa kịp thời, dễ tiếp nhận, dẫn đến những cách hiểu khác nhau…
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp trong quản lý điều hành giá, bảo đảm công khai, minh bạch.
Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến, sớm ban hành thông tư quy định về giá dịch vụ xét nghiệm, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, dễ triển khai áp dụng thực hiện.
Đồng thời, Bộ Y tế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các yếu tố hình thành giá để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những điểm chưa hợp lý, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện công khai, minh bạch các yếu tố liên quan đến giá vật tư y tế nói chung, giá test xét nghiệm nói riêng,… để dư luận hiểu, đồng tình, ủng hộ.