Bộ trưởng Xây dựng báo cáo Quốc hội việc xử lý nhà 8B Lê Trực
(Dân trí) - Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, cao ốc xây vượt phép 16m (tương đương 5 tầng nhà) sẽ phải phá dỡ để đảm bảo đúng chiều cao, diện tích đã được cấp phép. Theo đó, mặt trước công trình phải hạ độ cao xuống còn 44m, phía sau được giật cấp cao 53m.
Theo yêu cầu của đại biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều qua, 2/11, sáng nay, trước Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã thông tin cụ thể về sai phạm tại toà nhà số 8B Lê Trực cũng như hướng xử lý cụ thể.
Bộ trưởng Xây dựng cho biết, vụ việc cao ốc lừng lững gần Lăng Bác, ngay cạnh khu Trung tâm chính trị Ba Đình, án ngữ phía Nam quảng trường Ba Đình gây bức xúc trong xã hội và người dân thời gian qua. Ngay khi nhận được phản ánh của dư luận, báo chí, Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND Hà Nội kiểm tra, rà soát công trình cũng như bàn hướng xử lý sai phạm.
Lật lại hồ sơ, công trình được UBND Hà Nội cho phép và Sở Xây dựng thành phố cấp phép xây dựng với thiết kế giật cấp, phía trước cao 44 m, phía sau cao 53m. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư là CTy cổ phần may Lê Trực đã xây lên đến 69m (vượt phép 16m, tương đương 5 tầng nhà, diện tích xây dựng trội lên hơn 6.000m2 vì không thực hiện giật cấp như phương án được cấp phép).
Sự việc được UBND Hà Nội và Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng. Ngày 26/10 vừa qua, thường trực Chính phủ đã họp để nghe báo cáo về vấn đề này. Cuộc họp có sự tham gia của Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, UBND Hà Nội…
“Thủ tướng đã kết luận về sự việc, khẳng định sai phạm tại đây là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, thể hiện sự hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Thủ tướng cũng nhận định, sai phạm thuộc chủ đầu tư” – Bộ trưởng Xây dựng báo cáo Quốc hội.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, để giữ nghiêm kỷ cương trong thực hiện quản lý xây dựng theo quy hoạch, UBND Hà Nội phải chủ trì đánh giá đúng mức độ sai phạm, nêu phương án xử lý, trình kế hoạch xử lý cụ thể đối với công trình. Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh, việc phá dỡ công trình phải đảm bảo an toàn, đảm bảo tính mỹ quan và các tiêu chí trong vấn đề quản lý xây dựng đô thị.
Bộ trưởng Dũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng đối với các cơ quan chức năng trong việc quản lý, trong hoạt động của mình, nhất là rà soát quy hoạch vùng lân cận những khu vực trung tâm của Hà Nội. Đây là thủ đô của cả nước, một thành phố lớn cần có khung quy hoạch quản lý xây dựng thống nhất để đảm bảo sự hài hoà về cảnh quan kiến trúc.
Theo đó, Bộ Xây dựng cũng được nhắc nhở, với vai trò là đơn vị quản lý thống nhất về xây dựng đô thị, cần chú ý bao quát hơn để tránh để xảy ra những sai phạm tương tự, dễ gây những bức xúc trong dư luận, nhân dân. Bộ trưởng Xây dựng cam kết tổ chức quản lý trong lĩnh vực phụ trách của mình tốt hơn.
Trước đó, trong phần phát biểu của mình, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) đặt vấn đề, phải đấu tranh quyết liệt với mặt trái, mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. “Trong kinh tế thị trường không thể mạnh ai người đấy làm, phải cạnh tranh lành mạnh, không được gian dối, phải thu nộp đủ thuế cho ngân sách, chống ô nhiễm môi trường. Không phải cứ có khu đất vàng là xin phép xây dựng trái phép nhà cao tầng để bán kiếm lời, phá vỡ cảnh quan đô thị”- đại biểu yêu cầu đích danh Bộ trưởng Xây dựng thông tin về việc xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực.
Đại biểu yêu cầu xác nhận hướng xử lý “vượt phép tới đâu phải cắt tới đó để làm gương”.
Báo cáo thêm về việc triển khai chương trình Nhà ở với người có công (Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội Đỗ Mạnh Hùng đề cập hôm qua, 2/11), Bộ trưởng Xây dựng cho biết, UB Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát đối với chương trình, yêu cầu hỗ trợ về nhà ở đối với 70.000 hộ người có công. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp lại từ danh sách các địa phương lập thì có đến 350.000 hộ cần hỗ trợ. Đến thời điểm này, 80.000 hộ thuộc giai đoạn đầu được hỗ trợ. Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và thu xếp nguồn lực để tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở với người có công.
Về gói 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Xây dựng giải thích, được đề ra trong giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản. Tới đây, khi nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở bình dân có nhiều hơn, gói tín dụng này sẽ giải ngân, sử dụng hết. Chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở với người dân sau đó sẽ tiếp tục được triển khai lâu dài, không chỉ dừng ở 30.000 tỷ đồng.
P.Thảo