1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Tư pháp: Thi hành án đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay

Thế Kha

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, kết quả thi hành án dân sự, thu hồi tài sản năm 2024 đạt cao nhất từ trước tới nay, thể hiện sự nỗ lực, trách nhiệm của toàn hệ thống thi hành án.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đánh giá hội nghị triển khai công tác năm 2025 của ngành thi hành án dân sự, sáng 2/12, diễn ra trong thời điểm bước ngoặt lịch sử với Bộ, ngành tư pháp và ý nghĩa trong bối cảnh toàn quốc đang triển khai chỉ đạo của Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm, của Chính phủ về tinh gọn bộ máy.

Trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, còn biên chế được giao giảm, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhận định yêu cầu đối với công tác thi hành án dân sự ngày càng cao.

Bộ trưởng Tư pháp: Thi hành án đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay - 1

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh (Ảnh: Thu Nga).

"Kết quả thi hành án dân sự, thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, kết quả án tín dụng, ngân hàng năm 2024 đạt cao nhất từ trước tới nay đã thể hiện sự nỗ lực, trách nhiệm của toàn hệ thống", ông Ninh nhận xét.

Theo ông, với tổng số thi hành hơn 1 triệu việc, trong đó số có điều kiện thi hành hơn 739.000 việc, toàn hệ thống đã thi hành xong hơn 620.000 việc (đạt tỷ lệ gần 84%), hơn 116.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ gần 52%).

Công tác tham mưu, quản lý, chỉ đạo điều hành đã từng bước đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ người, rõ việc, đảm bảo trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống.

Bộ trưởng Ninh đánh giá, các cơ quan thi hành án dân sự đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của nhiệm vụ thi hành án kinh tế, tham nhũng. Việc xây dựng hệ thống, tinh gọn tổ chức bộ máy đang được khẩn trương nghiên cứu, thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương.

Dù vậy, người đứng đầu Bộ Tư pháp cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục: Tỷ lệ thi hành xong án tín dụng ngân hàng chưa đạt, còn để xảy ra vi phạm, sai phạm; kết quả thi hành án hành chính còn thấp, số lượng án hành chính nợ đọng chuyển kỳ sau ngày càng tăng.

Thủ trưởng một số cơ quan thi hành án ở địa phương và một số đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, chưa năng động sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ được giao…

Ông Ninh chỉ đạo khẩn trương tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và đề xuất thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy, mục tiêu gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chất lượng công việc. Sắp xếp bộ máy cần xuất phát từ chức năng nhiệm vụ, có thể tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

"Đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu để bảo đảm bộ máy hệ thống chính trị vận hành liên tục, không đứt quãng, không bỏ trống thời gian, địa bàn, lĩnh vực trong quá trình sắp xếp lại", Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh yêu cầu đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi hành án, trọng tâm là xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).

Với sự thay đổi về tổ chức bộ máy, theo ông Ninh, việc sửa luật phải chú trọng gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ, thẩm quyền của tòa án với công tác thi hành án; giảm thiểu và đơn giản tối đa thủ tục thi hành án. Đồng thời tính toán vấn đề phân cấp, phân quyền trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường xã hội hóa công tác thi hành án dân sự…

Bộ trưởng Tư pháp: Thi hành án đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay - 2

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh (giữa), Thứ trưởng Mai Lương Khôi (trái ảnh) và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái (bên phải ảnh) chủ trì hội nghị sáng 2/12 (Ảnh: Thu Nga).

Bộ trưởng yêu cầu toàn hệ thống tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát nội bộ bởi nếu chưa làm tốt công tác này thì chưa hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước. Trong đó tập trung kiểm tra, giám sát công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, chức vụ; thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án… Sau khi nhận diện được vấn đề cần kiến nghị giải pháp về thể chế.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái cho biết sẽ đưa vào định hướng thực hiện kế hoạch công tác năm 2025.

Ông Thái khẳng định toàn hệ thống thi hành án sẽ cố gắng đồng sức, đồng lòng thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội, Chính phủ, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp giao.