Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhận thêm nhiệm vụ mới

Thế Kha

(Dân trí) - Thủ tướng phân công Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 603/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo).

Theo đó, Thủ tướng phân công Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo và kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo đối với ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhận thêm nhiệm vụ mới - 1

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh (Ảnh: Thu Hằng).

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định đổi tên "Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật" thành "Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật".

Việc đổi tên Ban Chỉ đạo xuất phát từ thực tiễn hoạt động cho thấy, việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật được phát hiện qua hoạt động rà soát cần quan tâm đẩy mạnh, chỉ đạo sát sao và tổ chức thực hiện hiệu quả hơn để có thể giải quyết kịp thời, toàn diện các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật do Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm Phó Trưởng ban Thường trực.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, việc tập trung tổ chức thực hiện xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật chính là nhằm đảm bảo mục tiêu, chất lượng, hiệu quả của hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật nói chung và hoạt động của Ban Chỉ đạo nói riêng. 

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật sẽ tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo việc rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hiện thực hóa mục tiêu tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Tư pháp tiếp tục giữ vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan để đảm bảo các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo và phối hợp, định hướng, đôn đốc, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ này của các bộ, ngành, địa phương.