Bộ trưởng Tư pháp: Cuộc “cách mạng” trong quản lý dân cư
(Dân trí) - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, việc Quốc hội thông qua luật Hộ tịch là cuộc “cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, quản lý dân cư. Từ 1/1/2016, cơ quan hộ tịch sẽ bắt đầu cấp mã số định danh cho người khai sinh từ thời điểm này…
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cung cấp nhiều thông tin, diễn giải về “cuộc cách mạng” sẽ diễn ra tới đây trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” tối 21/12.
Nói về những chuyển biến cũng như hạn chế trong công tác quản lý hộ tịch thời gian qua, Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh về ý nghĩa “cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung của luật Hộ tịch vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua.
Luật cũng cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bên cạnh sổ hộ tịch bằng giấy như đã thực hiện từ trước đến nay, đồng thời quy định việc kết nối cơ sở dữ liệu lần này với dữ liệu quốc gia về dân cư trong Đề án 896 đã được Chính phủ thông qua, từ đó kết nối với tất cả các dữ liệu khác liên quan đến dân cư ở Việt Nam.
Sau nữa, luật bổ sung, ghi nhận những quy định của Chính phủ từ trước đến nay, đảm bảo việc đăng ký và quản lý hộ tịch rất chặt chẽ.
“Những quy định cải cách như vậy sẽ mở ra một trang mới trong việc đăng ký hộ tịch” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường quả quyết.
Về thời điểm triển khai những thay đổi đột phá, người đứng đầu ngành Tư pháp cho biết, Quốc hội đồng ý cho Chính phủ hơn 1 năm chuẩn bị khi quy định luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Khi đó, trẻ em đăng ký khai sinh sẽ được cấp ngay số định danh cá nhân.
Luật cũng cho phép đến hết năm 2019 phải xây dựng xong cơ sở dữ liệu hộ tịch về điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an tiến hành). Hai cơ sở này đồng thời xây dựng và hoàn thành năm 2020.
Bộ trưởng Tư pháp khẳng định: “Khi đó chúng ta sẽ nhận biết được công cuộc cải cách thủ tục hành chính trong giấy tờ công dân”.
Chia sẻ với băn khoăn của người dân về giá trị pháp lý của giấy tờ đã được cấp trước khi có luật Hộ tịch, Bộ trưởng Hà Hùng Cường trấn an, Chính phủ đã trình với Quốc hội đồng ý nguyên tắc bảo toàn nguyên giá trị những giấy tờ đã cấp trước ngày 1/1/2016. Như vậy, sổ sách hộ tịch được lưu trữ vẫn có giá trị để người dân có thể tra cứu, cấp bản sao và giấy tờ đã cấp không phải làm lại, có giá trị suốt cuộc đời.
Để chuẩn bị cho việc triển khai luật này, Bộ trưởng Tư pháp cũng đề cập đến công tác nhân sự. Ông Cường thông tin, đến thời điểm này, khoảng trên 30% người làm công tác tư pháp hộ tịch ở cấp xã chưa đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định của Chính phủ. Luật đã quy định lại những tiêu chuẩn đối với đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch và yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ hộ tịch.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ tịch, cán bộ cần phải thường xuyên được cập nhật về kiến thức, nghiệp vụ. Đối với việc ứng dụng CNTT, Luật quy định bổ sung tiêu chuẩn mới là cán bộ phải có trình độ tin học phù hợp. Tới đây Bộ Tư pháp sẽ phối hợp Bộ Nội vụ trình Thủ tướng kế hoạch rà soát tại tất cả địa phương.
Bộ trưởng Tư pháp chốt lại, dự kiến từ nay tới 1/1/2016, những cán bộ đạt chuẩn rồi thì giữ lại làm công tác hộ tịch, người chưa đạt chuẩn cần phải nghiên cứu, xem xét lại. Từ 1/1/2016 - 31/12/2019, ngành sẽ tổ chức đào tạo lại để bước sang thời kỳ mới, khi cơ sở quốc gia về hộ tịch, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hình thành, cán bộ phải bảo đảm chuẩn. Việc này sẽ phục vụ đắc lực hơn cho người dân và cả công tác quản lý của Nhà nước.
P.Thảo