1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Viettel luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân lên trên

Coi viễn thông, CNTT là huyết mạch cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh cách mạng 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi mặt của đời sống, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao dấu ấn của Viettel trong hoạt động nghiên cứu, phát triển, bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng.


Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn đánh giá cao những đóng góp của Viettel ở góc độ kinh tế và góc độ nghiên cứu

Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn đánh giá cao những đóng góp của Viettel ở góc độ kinh tế và góc độ nghiên cứu

Thế giới đang nhắc nhiều đến cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nơi sự bùng nổ về CNTT sẽ kéo theo sự thay đổi sâu rộng của cả thế giới trên mọi mặt. Tác động của cuộc cách mạng này sẽ không chỉ nhắm đến những quốc gia đi đầu trong công nghệ, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu trong buổi làm việc với Tập đoàn Viettel ngày 7/7/2017, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông - Trương Minh Tuấn nhấn mạnh vai trò của CNTT và viễn thông, coi đây là huyết mạch cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh cách mạng 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi mặt của đời sống.

Sự đi đầu của những công ty viễn thông, CNTT được dự báo sẽ là nền tảng để giúp các ngành khác cùng phát triển, trong đó, Viettel – đơn vị từng tạo nên bước ngoạt lịch sử của ngành viễn thông - được xem là một trong những cái tên dẫn dắt quá trình này, nhờ những dấu ấn mạnh mẽ trong hoạt động, cũng như kết quả vượt trội về kinh doanh.

Người đứng đầu ngành đưa ra dẫn chứng, năm 2016, nếu 5 doanh thu của 5 doanh nghiệp hàng đầu ngành TTTT gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, VTC, VNPost là 417.335 tỷ đồng và nộp ngân sách là 49.469 tỷ đồng thì chỉ riêng Viettel đóng góp là 256.558 tỷ đồng (chiếm 61,5%) và nộp ngân sách là 40.396 tỷ đồng (chiếm 81,65%).

Chỉ tính 5 tháng đầu năm nay, doanh thu của các doanh nghiệp hàng đầu của ngành TT&TT là 212.243 tỷ đồng và nộp ngân sách là 25.170 tỷ đồng thì Viettel đã đạt doanh thu 115.522 tỷ đồng (chiếm 54,4%), nộp ngân sách là 20.190 tỷ đồng (chiếm 80%). Điều này cho thấy đóng góp của Viettel cho nền kinh tế là rất lớn.

“Từ 2004, lúc ấy mật độ điện thoại của Việt Nam mới 4%, thì đến nay mật độ điện thoại di động của Việt Nam là trên 140%. Rồi đến 4G, Viettel đi đầu trong số các đơn vị đã được cấp phép, chỉ 6 tháng là triển khai đầy đủ, điều nhiều nước phát triển trong khu vực và thế giới cũng chưa làm được. Với Viettel, chúng ta tự hào là nước có mạng lưới viễn thông phát triển không thua kém thế giới”, Bộ trưởng khen ngợi.

Thực tế, ngành viễn thông của các nước trên thế giới đều phải đối mặt với những thách thức nội tại, bên cạnh yêu cầu cạnh tranh về công nghệ, sáng tạo với thế giới. Ở trong nước, đặc điểm lãnh thổ, kinh tế vùng miền ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng phủ rộng mạng lưới, trong khi với thế giới là sức ảnh hưởng của thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Về các vấn đề trong nước, Viettel xử lý cả những vướng mắc trong khai thác kinh doanh của mình cũng như của ngành. Theo Bộ trưởng TTTT, trong hơn 1,5 năm qua, cơ quan này đã tập trung xử lý rất nhiều vấn đề của ngành trên cả 5 lĩnh vực, trong đó, việc phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, đường tuần tra trên biển đã nhận được sự hợp tác rất lớn từ Viettel.

“Ở những nơi mà nhiều doanh nghiệp viễn thông mặc dù đã ra đời trước đó nhiều năm, những doanh nghiệp nước ngoài mà có tiềm lực mạnh không làm, thì Viettel làm. Hiện nay, dọc bờ biển Việt Nam đã được Viettel phủ sóng và phát xa cách bờ khoảng trên 100km, phục vụ hàng triệu người đang hoạt động trên biển. Điều này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa đảm bảo quốc phòng an ninh”, người đứng đầu ngành thông tin dẫn chứng.

Một trong những nội dung xử lý trọng điểm của Bộ TTTT trong nhiều năm qua là vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, mà theo như Bộ trưởng thừa nhận, “nếu không có Viettel đồng hành cùng thì rất khó xử lý”. Là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên tự đưa ra giải pháp chặn tin nhắn rác, những kinh nghiệm, giải pháp của Viettel đã được Bộ TTTT lựa chọn để yêu cầu các nhà mạng khác kết hợp nhằm chặn tin nhắn rác và xử lý sim rác trên toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi của khách hàng hoà mạng.

Ngoài các hoạt động nổi bật trong nước, Viettel còn ghi dấu ấn về đầu tư ra nước ngoài. Sự chủ động và chiến lược đặc biệt của công ty này đã mang về những hiệu ứng tích cực, với 10 thị trường quốc tế và 35 triệu thuê bao, dù đây là công ty viễn thông đầu tiên của Việt Nam kinh doanh ở thị trường nước ngoài.

“Sau 30 năm thành lập, Viettel đã đặt lên một dấu ấn rất quan trọng, chính là dấu ấn Viettel, tạo ra chuyển biến bước ngoặt trong lịch sử phát triển của ngành viễn thông, CNTT của Việt Nam. Không chỉ đóng góp cho đất nước ở góc độ kinh tế, Viettel còn có những nghiên cứu giá trị, làm nền tảng cho sản xuất công nghiệp quốc phòng mà mang dấu ấn Việt Nam, đưa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Tinh thần bản lĩnh người lính luôn nhận những việc khó về mình, không ngại gian khổ và làm đến cùng. Chúng tôi đánh giá rất cao Viettel, luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân lên trên lợi ích doanh nghiệp để giúp cho mình có quyết sách, góp phần giúp đất nước phát triển bền vững”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Nguyễn Thủy